VnReview
Hà Nội

Bí ẩn về người giúp FBI bẻ khóa iPhone trong vụ thảm sát San Bernardino đã bị lộ tẩy

Bí ẩn về công ty đã bẻ khóa chiếc iPhone của kẻ sát nhân ở San Bernardino giúp FBI đã được hé lộ sau 5 năm.

Một cuộc điều tra của Washington Post mới đây đã tiết lộ, thời điểm chính phủ Mỹ muốn đột nhập vào chiếc iPhone của tên khủng bố đã chết vài năm trước, họ đã tìm đến một start-up an ninh mạng ít được biết đến ở Úc để giúp họ thực hiện điều đó sau khi không thể lay động được Apple.

Azimuth Security có trụ sở tại Sydney chuyên cung cấp "các dịch vụ kỹ thuật tốt nhất" cho khách hàng. Một trong số đó là dịch vụ mở khóa thiết bị, cho phép FBI mở khóa chiếc iPhone của Syed Rizwan Farook, kẻ sát nhân chính cùng với vợ Tashfeen Malik đã bắn chết 14 người ở Nam California. Vụ tấn công khủng bố gây chấn động này còn được biết đến với vụ xả súng ở San Bernardino vào năm 2015.

Hai người này sau đó đã chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát. Vào thời điểm đó, các quan chức Mỹ đương nhiên muốn biết liệu cặp đôi này có quan hệ với các nhóm cực đoan nước ngoài hay không, do đó dữ liệu điện thoại của kẻ giết người khi đó cực kỳ quan trọng.

Chân dung hai vợ chồng kẻ sát nhân

Trước đó FBI đã từng nhiều lần ngỏ ý yêu cầu Apple mở khóa chiếc iPhone giúp các cơ quan chức năng. Tuy nhiên phía Apple vẫn một mực từ chối yêu cầu và khẳng định không thể làm điều này vì không muốn tạo tiền lệ xấu, đồng thời khẳng định công ty luôn đặt bảo mật dữ liệu cá nhân lên trên hết.

Sau khi Apple không hỗ trợ yêu cầu, chính phủ Mỹ đã trả cho start-up Azimuth khoảng 900 ngàn USD để bẻ khóa iPhone và giúp họ phá án. Hợp đồng của công ty với chính phủ Mỹ đã được trang Washington Post phát hiện và chia sẻ mới đây. Trang Motherboard cũng đã xác nhận thông tin này là chính xác.

Thông tin này phần nào giải quyết thắc mắc của nhiều người về danh tính của bên nào đã giúp chính phủ Mỹ bẻ khóa iPhone và hỗ trợ phá án.

Mặc dù có trụ sở tại Úc, Azimuth thực sự thuộc sở hữu của L3 Technologies, một nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ và hiện cung cấp nhiều dịch vụ quốc phòng và tình báo cho các cơ quan liên bang lớn như Lầu Năm Góc, Bộ An ninh Nội địa,…

Theo Washington Post, người đã bẻ khóa chiếc máy của kẻ sát nhân là nhà nghiên cứu cũ của công ty, "chuyên gia" bẻ khóa iOS David Wang. Ông đã phát triển công cụ exploit chain để đột nhập vào điện thoại của Farook. Công cụ bẻ khóa "Condor" đã được thử nghiệm nhiều lần tại trụ sở FBI để đảm bảo rằng nó có thể xâm nhập an toàn vào hệ thống điện thoại mà không làm hỏng dữ liệu. Sau đó, các lực lượng liên quan sẽ sử dụng nó để đột nhập vào thiết bị. Tuy nhiên trái ngược với sự nghi ngờ của các quan chức an ninh, họ phát hiện thấy cặp đôi này không có mối liên hệ nào với các mạng lưới khủng bố nước ngoài. Điều thú vị là Wang hiện đang bị Apple kiện chỉ vì hỗ trợ chính phủ Mỹ mở khóa iPhone của kẻ sát nhân.

Chiếc iPhone của kẻ sát nhân đã châm ngòi cho một cuộc chiến mã hóa mới giữa Apple và chính phủ liên bang. Trước khi thực sự bẻ khóa điện thoại, chính phủ Mỹ về cơ bản đã cố gắng "chèn ép" Apple và yêu cầu công ty phải giao quyền tiếp dữ liệu bên trong thiết bị cho chính phủ. Thậm chí FBI còn kiện Apple vào năm 2016 vì không chịu hỗ trợ các nhà chức trách. Mặc dù vậy sau đó vụ kiện đã bị hủy bỏ.

Electronic Frontier Foundation, một nhóm quyền kỹ thuật số phi lợi nhuận quốc tế tại San Francisco, California đã lên tiếng vào năm 2018: "Ngay từ đầu, chúng tôi đã nghi ngờ rằng mục tiêu chính của FBI khi muốn truy cập vào chiếc iPhone được tìm thấy sau vụ xả súng hàng loạt vào tháng 12/2015 ở San Bernardino không chỉ đơn giản là để mở khóa thiết bị nghi vấn. Thay vào đó, chúng tôi tin rằng ý định của FBI đối với vụ kiện tụng là nhằm đạt được tiền lệ pháp lý và họ có thể buộc Apple phá hoại các cơ chế bảo mật của chính mình".

Trên thực tế, chính phủ liên bang Mỹ có nhiều cách để tiếp cận dữ liệu bên trong chiếc máy của kẻ sát nhân. Sự tồn tại của những công ty như Azimuth đã phần nào minh chứng có một thị trường bán quyền truy cập vào các thiết bị cho cảnh sát. Nói thẳng ra, việc chính phủ yêu cầu một công ty trao quyền tiếp cận dữ liệu cá nhân của khách hàng là cách để khiến họ phải chấp nhận tuân theo sự chỉ dẫn của các nhà chức trách.

Tiến Thanh

Chủ đề khác