VnReview
Hà Nội

Chính phủ Úc muốn dạy cho trẻ 5 tuổi về an ninh mạng

Úc có thể trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thực sự chú trọng và ưu tiên dạy trẻ em về an ninh mạng.

Mặc dù trẻ em ngày nay thật sự là những công dân "bản địa" của thời đại kỹ thuật số, tuy nhiên chúng lại không được quan tâm chỉ dạy về tất cả những nguy hiểm đang ẩn nấp trên không gian mạng. Từ khi còn nhỏ, trẻ em đã hiểu được rằng những chiếc iPad và smartphone là những thứ thật mầu nhiệm, còn Instagram và TikTok là những phần không thể thiếu đối với sự tồn tại của chúng, nhưng trẻ lại không được kể về những ứng dụng không an toàn, quyền dữ liệu cá nhân hay việc mở một tệp đình kèm trong email từ người lạ có thể làm hỏng chiếc máy tính mà chúng hằng yêu quý. Đó chưa hề là những thứ được ưu tiên trong giáo dục mầm non.

Mặc dù thực tế đã có khá nhiều quốc gia bàn luận về việc đưa an ninh mạng vào chương trình dạy học của họ,nhưng thực sự thì Úc mới là quốc gia đầu tiên cho thấy tiềm năng có thể thực hiện điều đó theo cách có quy củ hơn. Theo trang tin The Register, Úc hiện đang trong quá trình xem xét lại chương trình giảng dạy quốc gia, và dự thảo gần đây nhất bao gồm một phần khá hứa hẹn đó là dạy cho trẻ lứa tuổi từ 5 đến 16 tuổi về một loạt các chủ đề liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu và quyền riêng tư người dùng. Chương trình giảng dạy sẽ có cách tiếp cận ổn đinh, chậm rãi để hướng dẫn, giới thiệu các khái niệm khác nhau theo từng độ tuổi riêng biệt.

Ví dụ, khi trẻ em lần đầu tiên đi học vào lúc 5 tuổi, chúng sẽ được dạy "không chia sẻ thông tin như ngày sinh hoặc họ tên đầy đủ với người lạ, và chúng cần hỏi ý kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ trước khi nhập thông tin cá nhân trực tuyến", The Register cho biết. Sau đó, khi lên 6 tuổi, trẻ em sẽ được hướng dẫn về cách "sử dụng tên người dùng và mật khẩu, cũng như những cạm bẫy đợi sẵn khi nhấp vào các đường dẫn liên kết".

Khi lên lớp ba hoặc lớp bốn, trẻ em sẽ được học một số bài học cơ bản về dữ liệu sử dụng và tính bảo mật, các giáo viên sẽ hướng dẫn về "cách xác định dữ liệu cá nhân có thể đã bị lưu trữ bởi các dịch vụ trực tuyến và nguy cơ điều đó có thể tiết lộ vị trí hoặc danh tính của trẻ" hay "việc sử dụng biệt danh và lý do tại sao nó lại quan trọng khi chơi game trực tuyến". Các kỹ năng đọc hiểu trên phương tiện truyền thông, giúp trẻ em giải mã sự khác biệt giữa thông tin chính xác và thông tin sai lệch cũng sẽ được đưa vào giảng dạy.

Không rõ liệu chương trình nào trong số kể trên sẽ được đưa vào phiên bản hoàn thiện của hệ thống giảng dạy tại Úc, tuy nhiên đó là vẫn là một tin tốt khi ít nhất quốc gia này đã nghiêm túc thảo luận về vấn đề thời sự này.

Giang Vu (theo Gizmodo)

Chủ đề khác