VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu cho thấy năng lực mạng của Trung Quốc tụt hậu cả thập kỷ so với Mỹ

Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định một số kỹ năng của Trung Quốc hiện vẫn thua xa Mỹ.

Vị thế cường quốc không gian mạng của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi năng lực bảo mật lẫn phân tích thông tin tình báo yếu kém - đó là kết luận của một nghiên cứu mới được thực hiện gần đây. Đáng chú ý hơn, nghiên cứu còn dự báo Trung Quốc sẽ không thể so đọ được với năng lực mạng của Mỹ trong ít nhất một thập kỷ nữa.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, trong bối cảnh hàng loạt các chiến dịch tấn công mạng liên tục diễn ra suốt thời gian qua đã chỉ ra mối đe doạ ngày càng gia tăng liên quan hoạt động gián điệp mạng đến từ các nhà nước thù địch.

Vào tháng 12 năm ngoái, các quan chức Mỹ đã phát hiện ra rằng cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, viết tắt là SVR, đã chiếm quyền kiểm soát phần mềm SolarWinds nhằm xâm nhập vào các mục tiêu chính phủ tại Washington, bao gồm các bộ thương mại và bộ tài chính. Ba tháng sau đó, phần mềm email của Microsoft đã bị hack bởi một nhóm hacker được cho là nằm dưới quyền của chính phủ Trung Quốc, với mục đích do thám các tổ chức phi chính phủ và viện nghiên cứu của Mỹ.

Các nhà nghiên cứu của IISS cũng đã xếp hạng năng lực không gian mạng của các quốc gia, dựa trên các chỉ số sức mạnh kinh tế số, khả năng tình báo - an ninh, cũng như mức độ tích hợp sức mạnh an ninh mạng vào các hoạt động quân sự.

Trung Quốc và Nga đều sở hữu năng lực tấn công mạng ấn tượng - bao gồm tiến hành hoạt động gián điệp trực tuyến, đánh cắp tài sản trí tuệ và mở các chiến dịch phát tán thông tin giả nhằm vào Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều yếu về an ninh mạng so với các đối thủ.

Chính vì vậy, chỉ duy nhất Mỹ được IISS xếp vào nhóm cường quốc hàng đầu thế giới trên không gian mạng, trong khi Trung Quốc, Nga, Anh, Úc, Canada, Pháp, và Israel đứng trong nhóm thứ hai. Nhóm thứ ba có sự góp mặt của Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Triều Tiên, Iran, và Việt Nam.

Greg Austin, một chuyên gia về không gian mạng, hàng không vũ trụ, và xung đột tương lai tại IISS, nói rằng việc báo chí chỉ tập trung vào mặt tích cực của những tiến bộ trong thế giới số của Trung Quốc - ví dụ như tham vọng trở thành bá chú thế giới về AI - đã góp phần tạo nên cái nhìn sai lệch về sức mạnh mạng của quốc gia này. "Xét trên mọi khía cạnh, tiến trình phát triển kỹ năng an ninh mạng tại Trung Quốc tệ hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác" - ông cho biết.

Theo nghiên cứu, sự tập trung quá mức vào "an ninh nội dung" của Trung Quốc - cụ thể là tìm cách hạn chế quá trình tán phát thông tin có nội dung xuyên tạc chính trị trên mạng lưới internet nội địa - đã làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát những hệ thống mạng vật lý vốn là "xương sống" của internet. IISS còn nhận định năng lực phân tích tình báo mạng của Trung Quốc nhìn chung kém hơn hẳn các đồng minh trong nhóm tình báo Five Eyes (bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand) do bị chi phối bởi ý thức hệ và "ngày càng trở nên rối rắm với những mục tiêu chính trị" của lãnh đạo nước này.

Austin nói rằng thời đại thông tin đã và đang tái định hình cục diện toàn cầu. Những cường quốc trước đây như Ấn Độ và Nhật Bản bắt đầu tụt lại đằng sau, chấp nhận đứng trong nhóm thứ ba về sức mạnh không gian mạng, trong khi các quốc gia nhỏ hơn như Israel và Úc ngày càng nắm trong tay những kỹ năng mạng tiên tiến, đưa họ vào nhóm thứ hai.

Về phía Mỹ, yếu tố giúp quốc gia này một mình đứng trên đỉnh thế giới là nền tảng công nghiệp - số không đối thủ, trình độ chuyên môn cao trên lĩnh vực mã hoá và khả năng thực hiện những đợt tấn công mạng "tinh vi, chính xác" nhằm vào các quốc gia đối nghịch. Không như các đối thủ Trung Quốc và Nga, Mỹ còn có lợi thế từ việc liên minh với các cường quốc không gian mạng khác, bao gồm các đối tác thuộc nhóm Five Eyes.

Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh ngày càng đứng trước nguy cơ bị tấn công bởi phần mềm đòi tiền chuộc - ví dụ như những cuộc tấn công vào nhà máy dầu Colonial Pipeline và cơ quan y tế Ireland vào tháng trước - bởi các hacker Nga vốn không nhận sự chỉ đạo từ nhà nước nhưng lại được chính quyền dung túng cho hoạt động.

Robert Hannigan, cựu giám đốc cơ quan tình báo Anh GCHQ, nay là lãnh đạo cấp cao của công ty an ninh mạng BlueVoyant, cho biết ông đồng ý với nhiều kết luận của IISS, nhưng không chắc khả năng phòng thủ mạng yếu kém sẽ kéo Trung Quốc và Nga thụt lùi đến mức nào.

"Dù sự thật là kỹ năng an ninh mạng tại Trung Quốc và Nga kém phát triển hơn, họ không cần đến nó cấp thiết như các nền kinh tế mở phương Tây" - Hannigan nói. "Mối đe dọa đối với hai phía là không giống nhau: các nền kinh tế phương Tây đang bị vây quanh bởi các nhóm tội phạm mạng tại Nga và được dung túng hoặc cấp phép bởi chính phủ nước này - trong khi ở phía đối diện thì không như vậy".

Ông nói thêm rằng dù Nga biết phương Tây sẽ không thực hiện những cuộc tấn công nguy hiểm nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự trọng yếu, các tổ chức của Nga lại "được phép mạnh tay". "Điều này đặt ra yêu cầu phát triển an ninh mạng lên những cấp độ cao hơn tại các nước phương Tây".

Minh.T.T (Tham khảo;Nikkei)

Chủ đề khác