VnReview
Hà Nội

Tại sao những kẻ tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng khó bị phát hiện và bắt giữ?

Tại nhiều địa phương còn nghèo khó ở Philippines tồn tại những ngôi nhà và tụ điểm phục vụ hoạt động bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến. Nhưng điều đáng nói các cơ quan chức năng không thể theo dõi và bắt giữ những kẻ phạm tội nếu không thực hiện các nghiệp vụ truyền thống.

Đó là năm 2010. Đặc vụ Bernard Dela Cruz của Cục Điều tra Quốc gia Philippines (NBI) nhớ lại cảnh hàng chục đứa trẻ di chuyển ra vào một quán cà phê Internet ở thành phố Cebu, miền trung Philippines. Cruz tự hỏi liệu chúng có phải là nạn nhân của tội phạm hay không.

NBI đã có trong tay thông tin việc trẻ nhỏ phải livestream khỏa thân cho khách hàng trả tiền ở nước ngoài. Đó là một trong những trường hợp lạm dụng tình dục trực tuyến trẻ em hoặc OSEC đầu tiên mà Dela Cruz xử lý với tư cách là một đặc vụ. Vì công nghệ có những hạn chế, họ không thể xác định được hiện trường vụ án và phải dựa vào các phương pháp giám sát cũ.

Dela Cruz chia sẻ với Trung tâm Báo chí Điều tra Philippines (PCIJ): "Những ngôi nhà nằm gần nhau…. Trong thời gian đó, chúng tôi không thể theo dõi địa chỉ IP".

Sau nhiều ngày làm việc tẻ nhạt, cuối cùng thì NBI cũng xuất hiện. Linh cảm của Dela Cruz đã đúng. Bên trong quán cà phê Internet, đó là nơi trẻ em chơi điện tử hàng giờ liền và có một phòng riêng cho các hoạt động bí mật.

Đó chính xác là nơi phục vụ cho các hành vi lạm dụng tình dục trực tuyến khi những đứa trẻ phải khỏa thân và làm nhiều trò trước ống kính.

Abby, lúc đó mới 10 tuổi là một trong số những đứa trẻ thường lui tới phòng riêng để biểu diễn cho những khách hàng trả tiền qua mạng. Cô đã bị lạm dụng trong khoảng 1 năm trước khi quán cà phê Internet bị đột kích.

Cô nhớ lại những khoản thù lao khoảng 3 USD cho mỗi buổi biểu diễn. Giờ đây khi đã 21 tuổi, cô chia sẻ với PCIJ rằng, cô không nhận ra tác hại tâm lý mà những kẻ phạm tội đã thực hiện với cô. Khi đó, Abby chỉ vui mừng khi kiếm được tiền.

Người chủ mưu cho hoạt động phạm tội qua mạng, Archie Abala gần như được nhiều trẻ nhỏ và gia đình chúng biết đến. Anh ta bị kết án vào năm 2013 vì vi phạm Đạo luật Cộng hòa 9208, hoặc Đạo luật Chống buôn bán người năm 2003. Anh ta phải chịu mức án 8 năm và khoản tiền phạt là 50.000 PUD (khoảng 1000 USD).

Dela Cruz cho biết, anh tin Abala có thể phải thụ án thêm thời gian nếu anh ta bị các công tố viên đưa ra xét xử theo Luật Chống nội dung khiêu dâm trẻ em năm 2009. Đây là bộ luật mới giúp xử lý toàn diện hơn các vi phạm kỹ thuật số. Điều khoản duy nhất trong luật cũ áp dụng cho Internet, đó là cấm quảng cáo trực tuyến liên quan đến hoạt động buôn người.

Địa chỉ IP và cơ chế lọc là rào cản lớn trong đấu tranh chống loại tội phạm tình dục này

Một thập kỷ sau, Philippines đã trở thành tâm điểm toàn cầu của nạn bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật.

Lý do chủ yếu vì các nhà cung cấp dịch vụ Internet phần lớn vẫn không thể cung cấp địa chỉ IP chính xác của các máy tính mà thủ phạm sử dụng. Nguyên nhân do họ chưa nâng cấp hệ thống tốt hơn. Việc thu thập thêm thông tin về người dùng thông qua địa chỉ IP thậm chí còn khó hơn vì các cơ quan thực thi pháp luật cần đảm bảo có được lệnh của tòa án và tuân thủ các quy tắc về quyền riêng tư dữ liệu.

Năm 2017, một nghiên cứu do Phái bộ Công lý Quốc tế (IJM) có trụ sở tại Washington thực hiện cho thấy, cứ 10.000 địa chỉ IP có liên quan đến bóc lột tình dục trẻ em thì có 149 địa chỉ từ Philippines.

Nó cao hơn ba lần so với tỷ lệ 43/10.000 từ ba năm trước đó. Nghiên cứu của IJM kết luận: "CSE (bóc lột tình dục trẻ em) trên Internet nói chung và bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến (OSEC) nói riêng dường như là loại tội phạm có mức độ gia tăng nhanh chóng ở Philippines".

Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn dù đã có những tiến bộ công nghệ cho phép lực lượng thực thi pháp luật dễ dàng theo dõi các địa điểm phát trực tuyến. Thậm chí các lực lượng thực thi pháp luật Philippines cũng đã nhận được những lời đề nghị hỗ trợ giúp bắt giữ các kẻ ấu dâm đang săn lùng trẻ em ở nước này. Dữ liệu máy tính và các bằng chứng sẽ được gửi cho Cảnh sát Quốc gia Philippines hoặc NBI.

Angela de Gracia, luật sư tại Văn phòng tội phạm mạng thuộc Bộ Tư pháp Philippines (DOJ) cho biết: "Ngay cả bây giờ, việc lấy thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) như địa chỉ IP là rất khó. Nhưng họ sẽ cung cấp chúng cho lực lượng thực thi nếu nộp đơn đúng cách tại tòa án".

Vấn đề là phần lớn Philippines vẫn đang sử dụng hệ thống IPV4, một giao thức Internet chứa hàng ngàn người dùng trên một địa chỉ IP. Ngay cả khi các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài cung cấp địa chỉ IP của những tay tội phạm bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến, đó có thể chỉ là một trong vô vàn người dùng được lưu trữ trên một địa chỉ IP, áp dụng cho một khu vực nhất định.

Gracia cho biết: "Những gì ISP liên tục nói với chúng tôi là do công nghệ của họ cho phép hàng ngàn người dùng xuất hiện trong một địa chỉ IP nên họ chắc chắn không thể biết ai trong số người dùng là thủ phạm".

DOJ đã gây sức ép với Ủy ban Viễn thông Quốc gia Philippines yêu cầu các công ty Internet sớm sử dụng hệ thống IPV6, bởi lẽ hệ thống này có thể chỉ định một địa chỉ IP cho mọi thiết bị.

Globe Telecom, một trong những nhà cung cấp Internet băng thông rộng lớn nhất của Philippines cho biết, họ vẫn chưa nâng cấp hệ thống. Nhà cung cấp này tiết lộ, lộ trình nâng cấp vẫn đang được tiến hành nhưng nó đòi hỏi cần một khoản đầu tư lớn trong thời gian dài.

Mục 9 của Đạo luật Chống nội dung khiêu dâm trẻ em năm 2009 yêu cầu các công ty Internet phải "cài đặt công nghệ, chương trình hoặc phần mềm có sẵn để đảm bảo việc truy cập hoặc truyền tải bất kỳ hình thức khiêu dâm trẻ em nào sẽ bị chặn hoặc sàng lọc".

Globe cho biết họ đã triển khai cơ chế lọc DNS (Hệ thống tên miền) vào năm 2017 để ngăn người đăng ký truy cập các trang web như vậy.

PLDT và đơn vị di động Smart cũng cho biết họ đã tuân thủ quy định của pháp luật, thậm chí còn hợp tác với Internet Watch Foundation để xử lý hàng ngàn liên kết web chứa tài liệu lạm dụng trẻ em.

Tuy nhiên, các tổ chức thực thi pháp luật và phi chính phủ (NGO) cho biết, nỗ lực của các ISP là chưa đủ để ngăn chặn loại tội phạm này. De Gracia khẳng định, công nghệ chống loại tội phạm này vẫn chưa được triển khai tại nước này trong suốt 12 năm qua kể từ khi luật được thông qua.

De Gracia than thở: "Chúng tôi đã thử đối thoại, đàm phán hòa bình với ISP. Nhưng chúng tôi vẫn không có được cam kết nào từ họ". DOJ đang thử một cách khác để khiến các ISP cam kết thực hiện nghĩa vụ của họ theo luật.

Đạo luật bảo mật dữ liệu

Tuy nhiên, việc yêu cầu các công ty Internet áp dụng hệ thống IPV6 không hẳn là cách tốt nhất hỗ trợ công tác thực thi pháp luật trở nên dễ dàng hơn.

Globe đã trích dẫn các hạn chế theo Đạo luật Bảo mật Dữ liệu năm 2012. Bởi các hạn chế này phần nào làm cản trở việc công ty tiết lộ thông tin của người dùng Internet.

Các ISP rất cảnh giác với các trường hợp khởi kiện chống lại họ theo Mục 9 của luật. Đạo luật viết: "Không có gì trong Mục này có thể được hiểu là yêu cầu ISP tham gia vào việc giám sát bất kỳ người dùng, người đăng ký hoặc khách hàng nào hoặc nội dung của bất kỳ giao tiếp nào như vậy".

Phòng Điều hành Viễn thông Philippines đã gửi một văn bản đến DOJ cho biết Đạo luật Bảo mật Dữ liệu năm 2012 yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt đối với thông tin cá nhân của khách hàng. Do đó nó mâu thuẫn với các nghĩa vụ của họ theo Đạo luật Chống nội dung khiêu dâm trẻ em.

Trong một bài viết về vấn đề bóc lột tình dục trẻ em qua mạng được đăng trên Rappler, giáo sư luật Tony La Viña nhận định, nước này cần phải suy nghĩ lại cách diễn giải của Đạo luật về quyền riêng tư dữ liệu đã giúp "bảo kê" tội phạm ra sao.

De Gracia cũng lưu ý rằng các ISP không nên tham khảo các quy định của Đạo luật Chống nội dung khiêu dâm trẻ em và Đạo luật về quyền riêng tư dữ liệu vì chúng trái ngược nhau.

Mục 9 của Đạo luật Bảo mật Dữ liệu quy định rằng, nghĩa vụ thông báo không cấu thành việc giám sát nội dung và thậm chí bảo vệ ISP khỏi trách nhiệm dân sự đối với bất kỳ thông báo nào được phát đi từ cơ quan thực thi pháp luật một cách thiện chí. Thay vì cho rằng chúng trái ngược nhau, điều khoản nói trên thực sự mang tính bổ sung nhiều hơn.

Globe cũng cho rằng, việc giám sát nội dung nằm trong tay các nhà cung cấp nội dung Internet hoặc nhà cung cấp dịch vụ điện tử số (ESP), các trang web và người kiểm duyệt nền tảng.

Nhà cung cấp Internet này giải thích: "Các máy chủ Internet là một trong những nhà cung cấp đám mây lớn nhất. Phần lớn nội dung khiêu dâm trẻ em đang được lưu trữ trên các nền tảng đám mây hoặc phương tiện lớn này. Chúng được mã hóa hoặc ẩn qua VPN. Vì vậy, chúng tôi không thể chặn có chọn lọc nội dung bất hợp pháp trừ khi chúng tôi tự chặn toàn bộ nền tảng".

Công ty cho biết rất khó để truy tìm thủ phạm trên mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin mã hóa như WhatsApp, Messenger, Viber, Telegram. Đặc biệt đây thường là nơi để những kẻ xấu tìm kiếm khách hàng.

WhatsApp, Telegram, Viber, Messenger và các nền tảng nhắn tin khác đều cam kết không cho phép phổ biến hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em. WhatsApp cho biết họ sử dụng công nghệ tự động để quét tên nhóm, mô tả nhóm và hoạt động đáng ngờ có thể xảy ra. Trong khi đó, Facebook cho biết ứng dụng Messenger đã sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phát hiện nội dung khiêu dâm.

Theo Trung tâm chống tội phạm Internet Philippines (PICACC), các dịch vụ lưu trữ đám mây như Google Drive, Dropbox và Microsoft OneDrive có công nghệ phát hiện và báo cáo các trao đổi trực tuyến về tài liệu lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên hiện các nền tảng cuộc gọi video và mạng xã hội này vẫn chưa có công cụ để phát hiện lạm dụng tình dục trẻ em qua kênh phát trực tiếp.

Angel Redoble, Giám đốc an ninh thông tin của PLDT chia sẻ: "Tôi sẽ phải hiểu rõ hơn Mục 9 của Đạo luật Bảo mật Dữ liệu bởi vì từ góc độ là một nhà điều hành viễn thông, quy định đó rất phức tạp. Nhưng tôi không nghĩ điều đó có thể làm được vì (1) chúng tôi không kiểm tra mọi ảnh và mọi video mà người đăng ký Internet của chúng tôi đang truy cập; (2) Nó vi phạm quy định bảo mật của chúng tôi; (3) chúng tôi chỉ là một công ty viễn thông. Nếu bạn đã quen thuộc với 7 lớp của mô hình OSI - ứng dụng, phiên, truyền tải, mạng, IP thì đáng tiếc rằng, chúng tôi không hoạt động trên lớp 5, 6 và 7. Chúng tôi chỉ hoạt động trên lớp mạng. Đó là lý do tại sao chúng tôi chỉ có thể cung cấp thông tin".

Sự chấp nhận của cộng đồng

Chỉ trong tháng này, cảnh sát đã giải cứu 14 trẻ từ ít nhất ba hộ gia đình khác nhau trong một ngôi làng ở tỉnh Camarines Sur, miền bắc Philippines. Trung tá cảnh sát Lucrecio Rodrigueza Jr dẫn lời từ người đứng đầu ngôi làng tiết lộ, loại tội phạm này đang lan tràn quanh khu vực nơi ông sinh sống.

Trung úy Noeralyn Tamayo, phó cảnh sát của PICACC tin rằng, cộng đồng nơi đây không hiểu vì sao đã chấp nhận hình thức tội phạm này. Nguyên nhân có thể vì đây là những vùng khó khăn và các gia đình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc biến con cái của họ thành công cụ kiếm tiền. Thậm chí nhiều hộ gia đình còn chia sẻ và dụ hàng xóm tham gia cùng.

Trong khi đó, chính trẻ em sẽ là đối tượng phải chịu tác động lâu dài của việc lạm dụng tình dục trực tuyến.

Năm 2017, nhân viên công tác xã hội đã đưa Abby trở về làng của cô ở thành phố Cebu để tái hòa nhập với gia đình. Tuy nhiên, họ nhận ra gia đình không tiếp nhận cô và cộng đồng nơi đó cũng không thích một nạn nhân bị lạm dụng tình dục trực tuyến. Abby sau đó đã được đưa trở lại Manila.

Karen Navera, nhân viên xã hội chia sẻ với PCIJ: "Có năm cô gái trẻ mà chúng tôi nhìn thấy đã đi vào một ngôi nhà mà chúng tôi đã quan sát trong nhiều ngày. Chúng tôi đã thấy họ đi lên cầu thang. Bạn sẽ biết ngay có điều gì đó đã xảy ra. Chúng tôi tự nghĩ, phải chăng cộng đồng này vẫn tồn tại ngay cả khi đã có các cuộc đột kích để giải cứu những người như Abby ra ngoài".

Cô nghi ngờ rằng các gia đình ở đây vẫn tiếp tục bán con cái của họ cho những kẻ săn nội dung khiêu dâm trực tuyến.

Nhiều nhân viên thực thi pháp luật địa phương và quốc tế đã chỉ trích sự thất bại của các đơn vị cung cấp dịch vụ điện tử số (ESP) trong việc triển khai các bước nhằm ngăn chặn việc phát tán tài liệu bóc lột tình dục trẻ em.

Thiếu tá Joseph Villaran thuộc Nhóm chống tội phạm mạng của Cảnh sát Quốc gia Philippines cho biết: "Các nền tảng mạng xã hội đang bảo vệ quyền riêng tư của họ. Tất nhiên điều đó là mục đích tốt đẹp nhưng vấn đề là chúng đang trở thành điểm yếu và tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mạng khai thác và lộng hành".

Luật sư Sheila Guico của Văn phòng IJM Cebu Field kết luận, việc phát hiện kịp thời hành vi bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến sẽ cần sự hợp tác của các ISP và ESP với các cơ quan chức năng, thực thi pháp luật.

Tiến Thanh (Theo Pcij)

Chủ đề khác