VnReview
Hà Nội

Chào bán phần mềm nghe lén công khai

Tình trạng mua, bán, sử dụng phần mềm gián điệp bắt đầu rộ lên mạnh mẽ từ cách đây hơn 4 năm. Thế nhưng, sau một thời gian im ắng do các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, nay các phần mềm kể trên có dấu hiệu trở lại. Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, một số công ty thám tử tư đã chào bán công khai, sẵn sàng để lại số điện thoại và địa chỉ để các khách hàng có thể liên lạc.

Khi đến một điểm chuyên bán phần mềm nghe lén tại quận Tân Phú (133/33 đường Gò Dầu, TP.HCM), sau khi biết mục đích cần cài phần mềm gián điệp để theo dõi vợ của chúng tôi, cô nhân viên nơi đây liền giới thiệu: tất cả các loại điện thoại thông minh đều có thể cài được phần mềm gián điệp. Một khi đã cài, mọi hoạt động trên điện thoại như tin nhắn đến, đi; cuộc gọi đến, đi, thư điện tử, chat, chụp hình, định vị, nghe âm thanh xung quanh… đều được sao chép một bản và gửi về hộp thư điện tử đăng ký khi cài.

Về giá cả, với các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android, giá cho 3 tháng sử dụng là 6 triệu đồng, 6 tháng 8 triệu đồng và 1 năm là 16 triệu đồng. Tuy nhiên, với điện thoại sử dụng hệ điều hành Symbian, nên sử dụng phiên bản mãi mãi sẽ ổn định hơn. Phiên bản này chỉ có giá 12 triệu đồng… Chúng tôi tiếp tục tìm đến Văn phòng thám tử tư N.N trên đường Võ Văn Tần (quận 3).

Tại đây, một thanh niên chừng 30 tuổi tự xưng là Nhật, chào mời các phần mềm mà anh vừa mua bản quyền từ nước ngoài. Giá cài đặt là 12 triệu đồng/điện thoại và bảo hành 1 năm. Khi chuyển 50% số tiền đặt cọc, phía công ty sẽ tiến hành cài phần mềm theo chỉ định. Sau một tuần sử dụng, thấy hài lòng, khách hàng mới đóng nốt phần tiền còn lại.

Theo tìm hiểu, các phần mềm hiện đang được các cá nhân, doanh nghiệp chào bán trên mạng có tên SpyPhone hoặc CopyPhone, xuất xứ từ lãnh thổ Đài Loan hoặc Trung Quốc. Một số ít được các lập trình viên của Việt Nam sao chép lại và viết thành bản mới. Thực chất, các phần mềm này sẽ tạo một cổng hậu bên trong thiết bị. Từ đó, phần mềm sẽ tự động kích hoạt các kết nối dữ liệu nhằm chuyển các thông tin cuộc gọi, tin nhắn ra bên ngoài bằng cổng hậu trên.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh mạng iStudy, còn khẳng định: "Các phần mềm "gián điệp" có tính năng tương tự những con virus. Việc mở cổng hậu trên thiết bị di động sẽ tạo điều kiện các loại virus, trozan, bonet… khác tấn công đánh cắp dữ liệu hoặc làm hỏng các thiết bị di động".

Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Khoa Nhân, Đoàn Luật sư TPHCM, không phải người dùng nào cũng hiểu hết tác hại của các phần mềm gián điệp. Dù Điều 125 Bộ luật Hình sự về tội "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác" đã quy định: "Người có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hay xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm bị phạt cảnh cáo, phạt tiền. Nếu phạm tội có tổ chức, nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng… bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 đến 2 năm". Nhưng có lẽ, chế tài như vậy là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó, một cán bộ thuộc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho biết, hiện các phần mềm gián điệp trên thế giới thay đổi công nghệ hàng ngày, hàng giờ. Việc phát hiện, ngăn chặn không hề dễ dàng. Đến nay, chỉ mới có duy nhất phần mềm của Bkav được giới thiệu là có chức năng này. Nhưng mức độ ngăn chặn đến đâu vẫn chưa được công bố.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Chủ đề khác