VnReview
Hà Nội

Người dùng Google, Apple, Microsoft, Yahoo đang bị chính phủ Mỹ theo dõi

Chương trình theo dõi thông tin người dùng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ với tên mã là PRISM có thể có quy mô lớn hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, Verizon dường như chỉ là phần đỉnh của núi băng trôi.

Người dùng Google, Apple, Microsoft, Yahoo cũng đang bị chính phủ Mỹ theo dõi

Một báo cáo mới đây của The Washington Post cho biết một số công ty nổi tiếng khác cũng đã cho phép chính phủ Mỹ truy cập trực tiếp vào dữ liệu của họ. Các công ty này bao gồm cả Google, Apple, Microsoft và Yahoo, nhưng ngay lập tức các công ty kể trên đã lên tiếng phủ nhận những lời cáo buộc.

Theo PhoneArena, từ năm 2007 dưới thời tổng thống Bush, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã thiết lập một chương trình tuyệt mật có tên mã PRISM. Chương trình được bắt đầu một cách từ từ, nhưng phát triển theo cấp số nhân từ khi tổng thống Obama nhậm chức cho tới nay. Những tuyên bố trong báo cáo của The Washington Post chỉ ra rằng một số công ty công nghệ đã cho phép chính phủ Mỹ khai thác "trực tiếp vào máy chủ trung tâm (của các công ty công nghệ) để trích xuất âm thanh, video, hình ảnh, email, tài liệu và thông tin kết nối" và dùng chúng để theo dõi người dân. Chín công ty được liệt kê trong trang thuyết trình của cuộc họp như là một phần trong bộ sưu tập dữ liệu của chương trình, nhưng ít nhất ba công ty đã có những phản ứng lại với báo cáo này.

Phản ứng của các công ty

Trang thuyết trình hiển thị các công ty theo thứ tự năm họ tham gia chương trình, bắt đầu với Microsoft tham gia ngày 11/9/2007, tiếp tục với Yahoo, Google, Facebook, PalTalk, YouTube, Skype, AOL và cuối cùng là Apple. Báo cáo cho rằng trong năm 2008, Quốc hội Mỹ đã cho phép Bộ tư pháp Mỹ quyền buộc một công ty phải miễn cưỡng "tuân thủ" chương trình PRISM, nhưng Apple vẫn cầm cự được cho tới tháng 10 năm ngoái, chủ yếu là vì không ai muốn tin tức về chương trình này bị công khai.

Người dùng Google, Apple, Microsoft, Yahoo cũng đang bị chính phủ Mỹ theo dõi

Tất nhiên, hầu hết các công ty được nêu tên ở trên đầu đưa ra các phản ứng ở mức độ khác nhau nhằm phủ nhận đã tham gia chương trình, bao gồm cả Google, Apple, Facebook, Microsoft, Yahoo và thậm chí cả Dropbook, một công ty được cho là tiếp xúc khá sớm với chương trình nhưng hiện tại không còn liên qua.

Google cho biết họ không hề biết gì về PRISM và không tham gia dù ở bất kỳ mức độ nào, hãng không cung cấp cho bất kỳ cơ quan chính phủ nào một "cửa sau" để họ truy cập vào máy chủ của công ty cũng như dữ liệu của người dùng. Google tuyên bố với The Next Web rằng hãng không cho phép các cơ quan chính phủ truy cập vào máy chủ của họ, và đã cố gắng làm rõ rằng hãng không chấp nhận truy cập API chính phủ và không tham gia vào chương trình này hoặc bất cứ chương trình nào tương tự.

"Google rất quan tâm đến sự an toàn cho dữ liệu của người dùng. Chúng tôi tiết lộ dữ liệu của người dùng cho chính phủ theo quy định của pháp luận, và chúng tôi xem xét tất cả các yêu cầu đó một cách cần thận

Trong thời gian qua, một số cá nhân đã cáo buộc rằng chúng tôi tạo ra một "cửa sau" cho chính phủ truy cập vào hệ thống của chúng tôi, nhưng Google không có bất cứ "cửa sau" nào cho chính phủ truy cập trực tiếp vào máy chủ của chúng tôi."

Apple cũng đã có một số phát biểu với CNBC:

"Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về PRISM. Chúng tôi không cho phép bất kỳ cơ quan chính phủ nào truy cập trực tiếp vào hệ thống máy chủ của chúng tôi".

Facebook không phủ nhận hiểu biết về PRISM nhưng cũng ban hành một tuyên bố tương tự những công ty khác rằng:

"Chúng tôi không cho phép bất kỳ tổ chức chính phủ nào truy cập trực tiếp vào các máy chủ của Facebook. Khi Facebook được yêu cầu cung cấp dữ liệu hoặc thông tin về một cá nhân cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng yêu cầu để xem nó có phù hợp với tất cả các luật áp dụng hiện tại, và chỉ cung cấp thông tin trong phạm vi yêu cầu theo pháp luật."

Microsoft cũng có những tuyên bố rằng:

"Chúng tôi cung cấp dữ liệu khách hàng chỉ khi chúng tôi nhận được một yêu cầu rõ ràng về mặt pháp lý hoặc lệnh của tòa án yêu cầu việc đó, và không bao giờ tự nguyện thực hiện điều này. Ngoài ra chúng tôi chỉ thực hiệu lệnh yêu cầu về một tài khoản hoặc danh tính cụ thể. Nếu chính phủ có một chương trình an ninh quốc gia rộng lớn, với các công ty tình nguyện cho họ thu thập dữ liệu khách hàng thì chúng tôi không tham gia vào nó".

Yahoo không bình luận trực tiếp về PRISM nhưng cũng có một tuyên bố:

"Yahoo! cực kỳ tôn trọng quyền riêng tư của người dùng. Chúng tôi không cho phép chính phủ truy cập trực tiếp vào các máy chủ, hệ thống hoặc mạng của chúng tôi."

Và một phát ngôn viên của Dropbox cũng chia sẻ với The Verge rằng:

"Chúng tôi đã thấy những báo cáo rằng Dropbox được yêu cầu tham gia một chương trình của chính phủ có tên PRISM. Chúng tôi không tham gia bất cứ một chương trình nào tương tự như vậy và tiếp tục cam kết bảo vệ sự riêng tư của người dùng."

PRISM

Rõ ràng PRISM có tồn tại, cho dù các công ty này có cung cấp dữ liệu cho chính phủ hay không, và báo cáo của The Washington Post cũng giải thích thêm chương trình này và cách thức mà nó hoạt động. NSA có thể nhận được bất kỳ dữ liệu nào mà họ muốn, nhưng cũng có những tiêu chí nhất định mà các dữ liệu được thu thập phải đáp ứng.

Người dùng Google, Apple, Microsoft, Yahoo cũng đang bị chính phủ Mỹ theo dõi

Mục đích của NSA không phải là theo dõi công dân Mỹ, mà là để phân tích thông tin liên lạc nước ngoài và tín hiệu tình báo nước ngoài, vì vậy cơ quan này có một bộ tiêu chí để xác định một cá nhân ngoại quốc đạt mức tin cậy ít nhất 51% trước khi thu thập bất kỳ dữ liệu cá nhân nào từ các bản ghi cá nhân trên các dịch vụ khác nhau đã kể trên. Thật không may, điều này chỉ dành cho các dữ liệu mức cao cấp mà họ cần thu thập, và có hàng tấn dữ liệu ngẫu nhiên khác cũng được thu thập, trong số này thường chứa dữ liệu của công dân Mỹ.

Trong khi ngân sách của chương trình chỉ là 20 triệu USD, nó rõ ràng đã phát triển tới mức độ rất lớn, và chiếm một phần không nhỏ trong bảng tóm tắt hàng ngày của Tổng thống Mỹ. Rõ ràng, PRISM được tham chiếu trong "1477 bài viết hồi năm ngoái" và hiện tại chiếm "gần 1 trong 7 báo cáo tình báo", và cũng thật điên rồ khi biết con số liên lạc mà NSA đã sàng lọc qua lên tới hàng nghìn tỷ. Trong khi Facebook phủ nhận rằng hãng không cho phép các cơ quan chính phủ truy cập trực tiếp, nhưng các trang thuyết trình được thu thập bởi The Washington Post lại cho thấy Facebook và Skype đang trở thành nguồn cung cấp thông tin lớn cho PRISM, và một khi "đối tượng được cho là có dính dáng tới khủng bố, gián điệp hay phổ biến vũ khí hạt nhân, một nhà phân tích có thể truy cập hoàn toàn vào "khả năng tìm kiếm rộng rãi và khả năng giám sát đối với sự đa dạng của các dịch vụ mạng xã hội trực tuyến" của Facebook".

Tất nhiên không ai có thể trả lời được chính xác những dữ liệu nào đã được thu thập. Không thể đánh giá được mức độ nhạy cảm của các dữ liệu đã được thu thập, cũng như những ai đang dính dánh trong bộ sưu tập dữ liệu.

Còn có nhiều nghi vấn

Sẽ là quá vội vàng nếu đưa ra một kết luận ở thời điểm hiện tại, vì chắc chắn đây chỉ là những tin tức ban đầu mà chúng ta nghe về PRISM, các công ty liên quan và các loại dữ liệu đang được xử lý bởi NSA và FBI. Từ những gì chúng ta biết hiện tại, có vẻ như chương trình PRISM là có thật và nó rất lớn, nhưng vẫn còn những câu hỏi về tính xác thực của các công ty có liên quan cũng như những dữ liệu nào đang được thu thập.

VnReview sẽ tiếp tục cập nhật thêm thông tin cho độc giả trong thời gian tới.

Hoàng Kỷ

Chủ đề khác