VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu: Tấm che mặt và khẩu trang có van khí không thể thay thế cho khẩu trang

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra, việc sử dụng chỉ riêng tấm che mặt hay mặt nạ chống giọt bắn và khẩu trang có van khí không phải là cách hay và nó cũng không thể thay thế cho khẩu trang y tế và vải truyền thống.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Florida Atlantic, Mỹ đã mô hình hóa hiệu quả của các tấm che mặt và khẩu trang có van khí trong việc ngăn chặn sự phát tán của các giọt bắn có kích thước tương đương với bình xịt. Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng ngày càng nhiều các loại khăn che mặt thay thế có thể không hữu ích trong việc hạn chế sự lây lan của virus.

Khẩu trang đã trở thành một trong những vật dụng quan trọng để ngăn chặn lây lan virus trên toàn cầu tính tới thời điểm này. Đến nay rõ ràng việc sử dụng khẩu trang được khuyến khích ở mọi nơi. Nhưng sự khan hiếm khẩu trang ở nhiều nơi khiến nhiều người đang tìm tới các giải pháp thay thế. Nếu không có khẩu trang y tế và N95, nhiều người sẽ dùng khẩu trang vải nhiều lớp.

Thậm chí một số người còn sử dụng những chiếc mặt nạ chống giọt bắn để thay thế cho khẩu trang. Nhưng đây có thể là một giải pháp gây hại nhiều hơn làm đem lại lợi ích.

Chỉ đeo mỗi tấm chắn giọt bắn không phải là cách hay

Siddhartha Verma, đồng tác giả của nghiên cứu mới cho biết: "Ngày càng có nhiều người thay thế khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế bằng tấm nhựa chống giọt bắn trong suốt hoặc sử dụng khẩu trang có van khí. Tình trạng này đang gia tăng một phần do dùng chúng chúng thoải mái hơn so với việc đeo khẩu trang thông thường".

Cụ thể nghiên cứu sử dụng một kỹ thuật gọi là trực quan hóa để mô phỏng tác động của các loại đồ bảo hộ, che mặt đối với sự lan rộng của các giọt bắn. Trọng tâm chính của nghiên cứu là xem xét hai loại vật dụng che mặt thường được sử dụng nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất là tấm che mặt bằng nhựa và khẩu trang có van khí. Cần lưu ý rằng, nghiên cứu mô phỏng hóa này không tương quan trực tiếp với việc lây truyền virus SARS-CoV2 trong thực tế.

Nghiên cứu này chỉ đơn giản là mô hình hóa sự di chuyển của các giọt bắn xung quanh các bề mặt che phủ khác nhau trong môi trường phòng thí nghiệm.

Kết quả từ phát hiện cho thấy, tấm che mặt bằng nhựa có hiệu quả lớn trong việc bảo vệ người đeo khỏi các giọt bắn lớn, ví dụ như khi một người ho, hắt hơi. Nhưng theo Manhar Dhanak, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, tấm che mặt lại vô tình giúp các giọt khí dung thể tích lớn dễ tràn ra xung quanh các cạnh và đáy của tấm che mặt.

Dhanak cho biết: "Từ nghiên cứu mới này, chúng tôi có thể quan sát thấy tấm che mặt có thể chặn được chuyển động tịnh tiến ban đầu của các giọt bắn từ đường thở. Tuy nhiên các giọt khí dung này có thể di chuyển xung quanh tấm che mặt tương đối dễ dàng. Theo thời gian, các giọt này có thể phân tán trên một khu vực rộng theo cả hai bên và dọc tấm che mặt dù nồng độ của chúng có thể giảm xuống".

Chưa hết khi nhắc tới loại khẩu trang có van khí, kết quả cho thấy một vấn đề nghiêm trọng hơn thế. Những chiếc khẩu trang này tuy có thể bảo vệ con người trước nguy cơ dính phải các giọt bắn, nhưng mô hình hóa trong nghiên cứu phát hiện thấy, luồng khí thở ra từ khẩu trang này về cơ bản là đẩy ra ngoài và không được lọc trước khi thải ra môi trường.

Verma giải thích: "Khẩu trang có van khí tích hợp van một chiều hạn chế luồng không khí hít vào, nhưng cho phép luồng khí bên trong thoát ra ngoài. Không khí hít vào được lọc qua lớp vật liệu kháng khuẩn nhưng hơi thở đi ra qua van khí lại không hề được lọc".

Catherine Bennett, chủ nhiệm khoa dịch tễ học tại Đại học Deakin nhấn mạnh, chúng ta không nên coi tấm che mặt và khẩu trang có van khí lọc bụi ô nhiễm có thể thay thế được khẩu trang vải 3 lớp hoặc khẩu trang y tế. Ông cho rằng, tấm che mặt bằng nhựa chỉ có tác dụng tốt nhất khi được kết hợp với khẩu trang y tế vì nó giúp bảo vệ vùng mặt trước nguy cơ tiếp xúc với virus trong môi trường bệnh viện.

Tuy vậy Bennett không nói quá nhiều về khẩu trang có van khí. Về cơ bản loại khẩu trang này thường chỉ được sử dụng cho những nơi bị ô nhiễm không khí nặng. Khi đó khẩu trang có tác dụng lọc không khí mà người đeo hít vào và vẫn thải ra khí như bình thường. Như vậy nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ khi một người bị bệnh có thể phát tán các giọt bắn chứa virus SARS-CoV2 mà không hề hay biết.

Abrar Chughtai, một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng và kiểm soát nhiễm trùng tại Đại học New South Wales đồng quan điểm với những lo ngại của Bennett. Ông cho rằng, khẩu trang có van khí không giúp ngăn chặn sự lây lan của virus và tốt nhất mọi người không nên dùng loại khẩu trang này để tránh virus. Ngoài ra ông cũng xác nhận rằng, tấm che mặt không phải là giải pháp thay thế hiệu quả cho khẩu trang.

Chughtai chỉ ra: "Những khe hở xung quanh vùng cằm là một vấn đề với các tấm che mặt vì vậy chúng nên được sử dụng để thay thế cho khẩu trang y tế. Nhưng tất nhiên chúng có thể dùng kết hợp với khẩu trang hoặc mặt nạ phòng độc trong các cơ sở chăm sóc y tế để bảo vệ vùng mắt".

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Physics of Fluids mới đây.

Mô phỏng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi đeo khẩu trang có van khí và tấm chắn giọt bắn

Tiến Thanh

Chủ đề khác