VnReview
Hà Nội

Tình hình Việt Nam sản xuất kit xét nghiệm nCoV như thế nào?

Bốn đơn vị đang nghiên cứu và sản xuất kit xét nghiệm phục vụ mở cửa đường bay, trong đó Việt Á có thể cung ứng 100.000 bộ mỗi ngày.

Các kit sẽ dùng xét nghiệm tại sân bay là loại tìm kháng nguyên, tầm soát sự hiện diện của virus gây bệnh tại thời điểm xét nghiệm, có giá trị khẳng định nhiễm hay không nhiễm nCoV.

Nhà cung cấp lớn nhất hiện nay là công ty Việt Á, năng lực sản xuất 100.000 bộ cho mỗi ngày và có thể nâng công suất lên 5 lần khi cần. Đây là nơi cung ứng 90% lượng kit xét nghiệm nCoV tại Việt Nam trong hai đợt dịch.

Ông Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc, cho biết công ty đang dự trữ hơn 1.000.000 test nCoV, chuẩn bị cho việc Việt Nam mở lại một số đường bay quốc tế, nhu cầu xét nghiệm tăng.

Từ ngày 15/9, Việt Nam mở đường bay tới Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngày 22/9 mở thêm đường bay tới Campuchia và Lào. Ước tính 20.000 người nhập cảnh mỗi tháng. Theo quy định, khách nhập cảnh phải cách ly tập trung và xét nghiệm PCR ít nhất hai lần trong thời gian đó. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sẽ sử dụng các kit sản xuất trong nước để đảm bảo khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Ông Hiệp khẳng định công ty sẽ cung cấp đủ test kit cho các phòng xét nghiệm PCR tại sân bay.

"Công ty có thể tăng số lượng cung ứng lên 5 lần khi cần thiết", ông Hiệp nói. "Thời gian trả kết quả 2-3 giờ, phù hợp với chính sách mới về cách ly 5-14 ngày".

Ngoài Việt Á, còn có 3 đơn vị đang nghiên cứu kit xét nghiệm, gồm các công ty Medicon, Sao Thái Dương và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Ông Đào Đình Khôi, Giám đốc Medicon, cho biết đang gấp rút nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên để "xét nghiệm nCoV tại sân bay nhanh và chất lượng".

Theo ông Khôi, test kit do Medicon sản xuất có độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương phương pháp PCR. Giá thành dự kiến khoảng 3,5 USD một bộ, bằng 70% so với hàng nhập khẩu. Hiện kit vẫn ở giai đoạn nghiên cứu, đánh giá tiền lâm sàng trước khi đưa ra thị trường.

"Chậm nhất trong tháng 10, Medicon sẽ gửi hồ sơ đăng ký lưu hành cho loại test kit này", ông Khôi cho biết.

Ông cũng cho biết thêm công ty đã chuẩn bị nguyên liệu để sản xuất 500.000 test kit đầu tiên, sẵn sàng sản xuất ngay sau khi hoàn tất thử nghiệm và được phép lưu hành. Ở quy mô công nghiệp, công ty có thể sản xuất khoảng 50.000-100.000 test mỗi ngày.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm PCR tại Đà Nẵng. Ảnh: Đông Dương.

Theo bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Sao Thái Dương, công ty cũng đang nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm Realtime-LAMP. Đây là loại xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, có độ đặc hiệu và độ nhạy tương đương xét nghiệm PCR nhưng thời gian ngắn hơn. Test kit này có thể tận dụng các máy móc, thiết bị sẵn có của trung tâm y tế dự phòng, tăng năng lực xét nghiệm lên 9-12 lần.

Theo VnExpress

Chủ đề khác