VnReview
Hà Nội

Giật mình về số lượng máy bay vận chuyển vắc xin COVID-19

Hiện nay, khi thế giới đã có những thông tin tích cực đầu tiên về các loại vắc xin Covid-19, thì bài toán vận chuyển vắc xin như thế nào đang mang đến nhiều thách thức.

Phải mất vài năm để phát triển thành công 1 loại vắc xin. Bởi các loại vắc xin tiềm năng được tạo ra trong phòng thí nghiệm, sau đó thử nghiệm trên động vật trước khi tiến hành thử nghiệm trên người ở quy mô nhỏ và diện rộng.

The Washington Post, hiện có khoảng 200 loại vắc-xin Covid đang được thử nghiệm trên toàn thế giới nhưng hơn 190 loại đang trong giai đoạn tiền lâm sàng, chỉ có 21 loại vắc xin đang được thử nghiệm trong giai đoạn 1 (từ 10 đến 100 người), 16 loại trong giai đoạn 2; 11 loại trong giai đoạn 3 và 3 vắc xin đang được cấp phép ra thị trường.

Trong đó, Trung Quốc là nước đầu tiên quyết định cho phép sử dụng vắc xin Ad5-nCoV, do hãng CanSino của nước này bào chế, cho mục tiêu quân sự vào tháng 6/2020 vừa qua.

Trung tuần tháng 8/2020, đến lượt Nga gây bất ngờ khi cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin Sputnik V, với công bố hiệu quả 92% sau khi thử nghiệm trên 16.000 tình nguyện viên, bất chấp những lo ngại của cộng đồng quốc tế.

Tiếp đó, ngày 19/11/2020, một loại vắc xin hợp tác giữa 2 hãng Pfizer và BioNtech (Mỹ - Đức) được báo cáo là có hiệu quả hơn 90% dựa trên các thử nghiệm giai đoạn cuối trên hơn 43.000 người.

Hiện có 2 vắc xin được công bố là đang thử nghiệm trên diện rộng ở giai đoạn cuối là vắc xin của công ty Moderna (Mỹ) với công bố hiệu quả lên tới 95% và vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh) với đại học Oxford với hiệu quả 70 - 90%.

Tại châu Âu, Cơ quan Quản lý Dược phẩm (EMA) cũng đang xúc tiến một số loại vắc xin.

Những thông tin tích cực trên đã khiến nhiều người thở phào vì cuối cùng "giải pháp cứu thế giới" được trông chờ nhất đã trở thành hiện thực khi thế giới đang chìm trong đại dịch.

Tuy nhiên, dù công bố cấp phép sản xuất đại trà vắc xin và nhiều quốc gia đặt hàng nhưng các nhà khoa học tỏ ra khá thận trọng. Nhiều nhận định phải đến hết năm 2021, dịch Covid-19 mới được đẩy lùi bởi 3 lý do chính sau:

Vắc xin đầu tiên chỉ có tác dụng kiềm hãm ổ dịch

Theo nhà vi khuẩn học Christian Brechot (chủ tịch tổ chức Global Virus Network), "Những loại vắc xin mà chúng ta đang nói đến vào cuối năm nay (2020) sẽ là những loại vắc xin đời thứ nhất, chủ yếu tập trung vào việc bào chế kháng thể, tức là chúng sẽ có một phần nào tác dụng. Loại vắc xin này có thể rất hữu ích khi tập trung tiêm ngừa đối với những ca nhiễm bệnh để kiềm hãm các ổ dịch. Còn những loại vắc xin thế hệ thứ hai sẽ nhắm vào sự miễn dịch - tế bào bẩm sinh".

Còn với Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu, ở thời điểm hiện tại khó có thể nói chắc chắn về thời hạn cấp phép vắc xin vì "Chúng tôi chưa có hết mọi dữ liệu và vẫn đang tiến hành đánh giá".

Thách thức trong bảo quản vắc xin;

Có những vắc xin phải bảo quản -70 độ C

Ngay khi các liều thuốc hy vọng trên được chính thức đưa vào tiêm chủng đại trà cho mọi người, một trong những vấn đề lớn đặt ra cho vắc xin là về hậu cần.

Bởi khác với tất cả các loại vắc xin đang phổ biến trên khắp thế giới, các loại vắc xin ngừa Covid đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, như vắc xin của hãng Pfizer và BioNTech là -70°C. 

Do đó, chỉ riêng việc phân phối và tiêm chủng tại Mỹ, với 600 triệu liều chỉ trong vài tháng sẽ là một bài toán không hề đơn giản.

Theo tính toán của Pfizer, Hãng đã thiết kế một loại hộp đặc biệt có kích thước 40x40x56 cm, bên trong đựng đá khô và gần 5.000 liều vắc xin. Những chiếc hộp đông lạnh này có giá đắt gấp 5 lần tủ đông lạnh bình thường và phải đặt sản xuất.

Mỗi ngày sẽ có 6 xe tải chở vắc xin từ nhà máy đến các hãng chuyển phát nhanh bằng đường hàng không (Fedex, UPS, DHL…) nhằm bảo đảm hàng được giao trong vòng 2 ngày ở Hoa Kỳ và 3 ngày đến các nước khác trên thế giới - tương ứng với 20 chuyến bay vận tải mỗi ngày.

Trong đó, các công ty chuyển phát nhanh sẽ phải xin cấp phép vận chuyển nước đá khô khối lượng lớn trên các máy bay Boeing 767 và 777 vì nước đá khô làm từ các-bon đông cứng, quá trình rã đông có thể gây nguy hiểm cho tổ lái. 

Tại điểm nhận cuối, mỗi hộp vắc xin nói trên sẽ chỉ được mở tối đa 2 lần/ngày - tức là chỉ phù hợp với các điểm tiêm chủng lớn. Các hộp này có thể bảo quản vắc xin trong 2 tuần - giúp giảm thiểu chi phí mua loại tủ đông đặc biệt vốn vô cùng tốn kém.

Chỉ riêng việc phân phối và tiêm chủng tại Mỹ, với 600 triệu liều chỉ trong vài tháng sẽ là một bài toán không hề đơn giản.

Với loại vắc xin có nhiệt độ bảo quản thấp hơn (khoảng -20°C), các tủ đông thông thường có thể trữ được vắc xin này nên việc phân phối và bảo quản có thể thực hiện tại các bệnh viện, nhà thuốc, bác sĩ tư hay các trường đại học, công ty… thay vì chỉ tập trung tại một số điểm tiêm chủng lớn.

Vận chuyển dễ bị quá tải

Với nhu cầu 7,8 tỷ liều vắc xin Covid-19, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính sẽ cần tới 8.000 máy bay Boeing 747 (tải trọng 100 tấn) và 2 năm để vận chuyển vắc-xin Covid-19 tới khoảng 3 tỷ dân trên toàn cầu. Đây là "đơn hàng" khổng lồ. Bởi thế giới hiện có khoảng 2.000 máy bay chở hàng chuyên dụng.

Còn theo ước tính của Tập đoàn vận tải DHL, chỉ riêng phục vụ hãng Pfizer (dự trù sản xuất 50 triệu liều thuốc chủng ngừa Covid-19 trong năm 2020 và 1,3 tỷ liều trong năm 2021) sẽ cần tới 15.000 chuyến bay và 15 triệu kiện hàng đông lạnh được chuyển đi khắp thế giới trong 2 năm tới.

Riêng nhà vận chuyển hàng UPS đang cho xây dựng hai kho chứa tại Louisville, bang Kentucky và ở Hà Lan, gần các sân bay, có sức chứa mỗi kho 600 tủ đông, tức 48.000 lọ vắc xin, trước khi được phân phối.

Với hành trình vận chuyển khá phức tạp và khổng lồ này, bà Katherine O'Brien, phụ trách Cơ quan tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ví nhiệm vụ phân phối sau quá trình phát triển vắc xin kéo dài nhiều tháng với việc chinh phục đỉnh núi Everest từ trạm căn cứ.

Theo SoHa (Tổng hợp từ Guardian, Daily Mail, PRNewswire)

Chủ đề khác