VnReview
Hà Nội

Miễn dịch COVID-19 có thể truyền từ mẹ sang con hay không?

Nếu một phụ nữ bị nhiễm COVID-19 trong khi mang thai, em bé trong bụng mẹ có thể miễn dịch với virus không? Dữ liệu ban đầu gợi ý rằng câu trả lời là có, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều nghi vấn.

Trong một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu của hơn 1.470 phụ nữ mang thai, trong đó có 83 người có kết quả dương tính với kháng thể chống virus SARS-CoV-2. Các mẫu máu từ cuống rốn của phần lớn trẻ sinh ra từ những phụ nữ này cũng cho kết quả dương tính với kháng thể, cho thấy những đứa trẻ này có được khả năng miễn dịch thụ động.

Số lượng kháng thể truyền sang con phần lớn phụ thuộc vào loại và số lượng kháng thể có trong người mẹ và thời điểm người mẹ bị nhiễm COVID-19 trong thai kỳ.

Trẻ sơ sinh có thể được truyền kháng thể chống virus từ mẹ

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Karen Puopolo và Tiến sĩ Scott Hensley thuộc Trường Y ở Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, viết trong một email: "Thời gian từ khi mẹ bị nhiễm trùng đến khi sinh càng lâu thì lượng kháng thể truyền càng lớn. Mối tương quan này đúng cho dù người mẹ phát triển các triệu chứng của COVID-19 hoặc vẫn không có triệu chứng trong quá trình nhiễm virus".

Các tác giả cho biết, các kháng thể được chuyển giao có thể cung cấp sự bảo vệ cho em bé sơ sinh, nhưng "cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ và loại kháng thể cần thiết để bảo vệ trẻ và thời gian những kháng thể đó có thể tồn tại trong máu của trẻ sơ sinh ".

Một câu hỏi lớn khác là: Các kháng thể truyền từ mẹ sang con có thể "vô hiệu hóa";virus SARS-CoV-2 tốt như thế nào ?

Tiến sĩ Flor Muñoz-Rivas, phó giáo sư về bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Đại học Y Baylor ở Houston, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: "Rất hy vọng có được dữ liệu này. Bằng cách nghiên cứu sự chuyển giao kháng thể sau khi nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai, chúng tôi có thể thu thập các gợi ý về việc liệu vắc-xin tiêm cho người mang thai có cung cấp sự bảo vệ tương tự cho trẻ sơ sinh hay không".

Những phát hiện ban đầu

Trong nghiên cứu mới, các kháng thể mà nhóm nghiên cứu tìm kiếm đều nhắm vào "vùng liên kết thụ thể" (RBD), một phần của gai liên kết trực tiếp với thụ thể, hoặc cửa vào tế bào. Các kháng thể RBD là yếu tố quan trọng nhất để vô hiệu hóa coronavirus.

Nhưng không phải tất cả các kháng thể RBD đều có thể đi qua nhau thai, bà Muñoz-Rivas cho biết thêm. Nguyên nhân là do nhau thai chỉ cho phép một số kháng thể đi qua, sử dụng một thụ thể và protein đặc biệt để vận chuyển kháng thể vào cơ quan. Chỉ có các kháng thể nhỏ, hình chữ Y được gọi là immunoglobulin G (IgG) mới có thể phù hợp với thụ thể, do đó một mình chúng có thể tiếp cận thai nhi và bảo vệ miễn dịch.

Hình dạng và cấu trúc của kháng thể immunoglobulin G (IgG)

Bên cạnh đó, chỉ 72/ 83 trẻ sinh ra từ những bà mẹ dương tính với kháng thể có IgG trong máu và tổng số lượng tương quan với nồng độ IgG trong máu của mẹ chúng. 11 trẻ còn lại xét nghiệm âm tính với kháng thể, theo đó chia các bà mẹ làm 2 nhóm:

Sáu trong số các bà mẹ có nồng độ IgG tương đối thấp, cho thấy rằng họ có khả năng "bị nhiễm virus corona quá sớm nên không có thời gian để sản xuất và truyền kháng thể qua nhau thai", hoặc các bà mẹ này sản xuất ít kháng thể hơn mức trung bình, nhưng đây là một trường hợp ít xảy ra hơn. Năm bà mẹ còn lại chỉ có kết quả dương tính với kháng thể IgM, không thể qua nhau thai.

Bà Muñoz-Rivas cho biết, sau khi cơ thể nhiễm virus, IgM xuất hiện sớm và biến mất khi khỏi bệnh, vì vậy 5 bà mẹ chỉ có kết quả xét nghiệm IgM dương tính đều ở giai đoạn đầu sau khi nhiễm bệnh.

Do đó, nếu kháng thể IgM xuất hiện trong bào thai hoặc trẻ sơ sinh, điều này cho thấy thai nhi đã bị nhiễm virus trực tiếp. Trong nghiên cứu này, không có IgM đối với SARS-CoV-2 được phát hiện trong bất kỳ mẫu máu cuống rốn nào, có nghĩa là không có bào thai nào nhiễm COVID-19 khi còn trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, các tác giả cho biết, nghiên cứu không thể khẳng định chắc chắn rằng SARS-CoV-2 không bao giờ truyền sang thai nhi trước khi sinh.

Điều này có ý nghĩa gì đối với vắc xin?

Các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu để xác định khả năng bảo vệ cơ thể chống lại virut SARS-CoV-2 của các kháng thể được truyền từ mẹ sang thai nhi.

Các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra mức độ kháng thể ngăn chặn nhiễm bệnh bằng cách sử dụng "xét nghiệm trung hòa" .Trong các xét nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã phát triển vi rút trong đĩa có kháng thể và tế bào cơ thể người, để xem liệu kháng thể có ngăn ngừa nhiễm trùng hay không.

Bà Muñoz-Rivas cũng gợi ý rằng, các tác giả của nghiên cứu cũng có thể theo dõi những đứa trẻ được sinh ra với kháng thể, để xem kháng thể của chúng tồn tại trong bao lâu và liệu có đứa trẻ nào sau đó nhiễm COVID-19 hay không.

Những loại nghiên cứu này sẽ cung cấp một tiêu chuẩn về những gì sẽ xảy ra sau khi một người mang thai bị nhiễm COVID-19; Muñoz-Rivas cũng nói thêm rằng phản ứng miễn dịch tự nhiên sau đó có thể được so sánh với những gì chúng ta thấy ở các bà mẹ được tiêm chủng và trẻ sơ sinh.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng chỉ những người có nguy cơ cao phơi nhiễm SARS-CoV-2 hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, do các tình trạng y tế, mới nên cân nhắc việc tiêm vắc-xin trong khi mang thai và họ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành tiêm chủng.

Tiến sĩ Muñoz-Rivas đã viết trong một bài xã luận xuất bản ngày 29/1 trên tạp chí JAMA Pediatrics, với các loại vắc-xin khác được tiêm trong thai kỳ, chẳng hạn như vắc xin phòng uốn ván và ho gà, nồng độ kháng thể ở trẻ sơ sinh giảm nhanh chóng vào thời điểm trẻ được hai tháng tuổi. Sự suy giảm này sau đó sẽ chậm lại và mức độ kháng thể tiếp tục giảm đều đặn trong vòng 4 đến 8 tháng tiếp theo.

Tương tự, đối với vắc-xin COVID-19, các kháng thể được tìm thấy trong máu cuống rốn sẽ số lượng kháng thể cao nhất mà em bé nhận được trước khi nồng độ bắt đầu giảm.

Để tối đa hóa số lượng kháng thể truyền cho thai nhi, các bà mẹ có thể cần phải đợi đến tam cá nguyệt thứ hai mới được chủng ngừa; Sau khi thai nhi được khoảng 17 tuần tuổi, nhau thai phát triển đủ lớn để bơm một lượng đáng kể kháng thể cho thai nhi đang phát triển

Các bà mẹ có thể cần phải đợi đến tam cá nguyệt thứ hai mới tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Mặc dù rất khuyến khích rằng vắc xin dành cho bà mẹ có thể bảo vệ trẻ sơ sinh, tiến sĩ Muñoz-Rivas khẳng định "đối với COVID, tốt nhất như chúng ta biết hiện tại, mục tiêu sẽ là bảo vệ bà mẹ".

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mang thai làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do COVID-19, trong khi hầu hết trẻ sơ sinh có kết quả xét nghiệm dương tính đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và khỏi bệnh. Cũng như nhiễm trùng cúm, bà mẹ đặc biệt dễ bị tổn thương trong tam cá nguyệt thứ ba và có nhiều khả năng phát triển các tình trạng nghiêm trọng, như viêm phổi và suy hô hấp, nếu họ nhiễm COVID-19 ở giai đoạn đó.

Vì vậy, tam cá nguyệt thứ hai là thời điểm tốt nhất để tiêm phòng. Bằng cách đó, có thể tránh được các tác dụng phụ tiềm ẩn trong tam cá nguyệt đầu tiên, khi các tình trạng như viêm nhiễm và sốt có thể làm gián đoạn sự phát triển của thai nhi, trong khi hệ thống miễn dịch vẫn còn nhiều thời gian để tăng cường phản ứng trước tam cá nguyệt thứ ba.

Các nhà khoa học vẫn cần tiến hành các nghiên cứu quan sát và thử nghiệm lâm sàng để tìm ra thời điểm tốt nhất trong thai kỳ để tiêm vắc xin COVID-19.

Yen Kim Theo Livescience

Chủ đề khác