VnReview
Hà Nội

Chile trở thành nước đi đầu trong việc tiêm vắc xin Covid-19 như thế nào?

Theo CNN, Chile trở thành một trong những nước đi đầu trong việc tiêm vắc xin Covid-19 nhờ những chính sách đúng đắn ở việc mua và phân phối vắc xin đến với người dân.

Cuối tháng 5/2020, phần lớn các nước trên thế giới bất cực nhìn Covid-19 hoành hành với rất nhiều người nhiễm bệnh và qua đời, người ta gọi đó là 'làn sóng dịch đầu tiên'. Sau khi Trung Quốc, Ý, Anh, Mỹ trở thành điểm nóng về Covid-19 thì vào cuối mùa xuân năm ngoái, virus SARS-CoV-2 lan ra khắp Nam Mỹ.

Vào ngày 27/5, Chile và Peru trở thành những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới trong trung bình 7 ngày, theo Our World in Data (OWID), một trang web thống kê độc lập có trụ sở tại Đại học Oxford. Khi đó, Chile nhanh chóng có khoảng 80.000 ca nhiễm bệnh và hơn 800 người chết.

Chile đã nhận được hàng triệu liều vắc xin Covid-19 và đang phân phối chúng một cách hiệu quả

Tuy nhiên, sau 9 tháng, vào tháng 2/2020, tình hình dịch bệnh tại Chile đã khác. Khi một số quốc gia ở Mỹ Latinh chưa có vắc xin Covid-19 thì đất nước 19 triệu dân này đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin vào ngày 9/2 và con số đó đạt đến 2 triệu vào ngày 15/2.

Với tỷ lệ cứ 100 người thì 12,43 người được tiêm vắc xin Covid-19, Chile trở thành một trong những đất nước có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới sau Israel (79,48%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (53,43%), Vương quốc Anh (24,3%) và Hoa Kỳ (17,00%). Tỷ lệ của đất nước tại Nam Mỹ này cao hơn cả Liên minh châu Âu (5,19%) và Trung Quốc (2,82%). Thậm chí, tỷ lệ tiêm vắc xin trên đầu người của nước này cao hơn Brazil (2,77%) - quốc gia có tỷ lệ tốt thứ 2 ở Mỹ Latinh.

Vậy điều gì đã khiến Chile có thể xoay chuyển tình thế về đại dịch một cách đáng kinh ngạc như vậy? Theo CNN, lý do cho việc này đến từ Chile không tiếc công sức để mua vắc xin và họ mua mọi loại vắc xin có thể. Đến hiện nay, Chile đã thu xếp được việc mua 35,7 triệu liều vắc xin Covid-19. Điều này có nghĩa họ đủ khả năng tiêm được cho 90% dân số.

Theo Bộ trưởng Y tế Chile, tiến sĩ Enrique Paris, nước này đã mua hoặc đang trong quá trình đàm phán mua 10 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech và thêm 10 triệu liều từ Sinovac. Chile cũng cố gắng thỏa thuận mua vắc xin từ Johnson & Johnson và Astrazeneca để đạt đến con số 35,7 triệu liều.

Tiến sĩ Elmer Huerta, một chuyên gia về chính sách sức khỏe cộng đồng thì: 'Chile đã không ngần ngại ký hợp đồng với Sinovac, Pfizer hoặc AstraZeneca. Điều quan trọng là ngay từ sớm đất nước này đã nhận ra cần phải chốt nhiều hợp đồng với các nhà sản xuất'.

Sau đó, cơ quan chức năng Chile đã biến bất kỳ không gian công cộng nào mà họ có thể trở thành trung tâm tiêm chủng. Phóng viên CNN đã thăm một trung tâm tiêm chủng tạm thời tại một khuôn viên trường đại học ở Santiago, Chile. Không gian này trước đây là nơi có rất nhiều sinh viên và giờ trở thành một phòng khám có tổ chức cao và hoạt động hiệu quả.

Gabriele Valderrma, một cư dân ở Santiago mô tả quá trình tiêm chủng ở Chile là 'tuyệt vời' và 'được tổ chức rất tốt'. Chile cũng phân chia ngày tiêm chủng cho các nhóm tuổi khác nhau. Đất nước này cũng biến nhiều trung tâm thương mại hay sân vận động trở thành các trung tâm tiêm chủng tạm thời.

Theo Huerta, Chile đã có hệ thống phân phối và tiêm chủng vắc xin Covid-19 tuyệt vời, thuận tiện cho mọi người và điều này khác hẳn với Mỹ. Ngoài ra, đất nước này đã đưa ra một lịch trình tiêm chủng rõ ràng, ai tiêm trước, ai tiêm sau. Theo đó, nhân viên y tế, người cao tuổi, giáo viên, dược sĩ và cảnh sát sẽ được tiêm vắc xin trước tiên. Mục tiêu của Bộ Y tế Chile là đến cuối tháng 3 sẽ có 5 triệu người được tiêm vắc xin và con số này khi hết quý II/2020 là 80% dân số.

Nguyễn Dương Theo CNN

Chủ đề khác