VnReview
Hà Nội

Covid-19 đã tước đoạt ít nhất 20 triệu năm tuổi thọ

Theo một nghiên cứu mới đây, đại dịch Covid-19 đã tước đi 20 triệu năm tuổi thọ của con người trên toàn thế giới. Trung bình, cứ mỗi ca tử vong do Covid-19 làm mất đi 16 năm tuổi thọ.

Những ngôi mộ trong một khu vực dành riêng cho các nạn nhân COVID-19 tại nghĩa trang El Palmar, Mexico (Ảnh: Francisco Robles/AFP)

Đến nay, nhóm các nhà nghiên cứu, từ Đại học Pompeu Fabra ở Barcelona (Tây Ban Nha) và Viện nghiên cứu Nhân khẩu học Max Planck ở Rostock (Đức), đã phân tích dữ liệu từ hơn 1,2 triệu người ở 81 quốc gia có người chết do Covid-19. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng số liệu từ cơ sở dữ liệu ghi nhận các ca mắc Covid-19 và số ca tử vong COVerAge-DB với thông tin được cập nhật từ 112 quốc gia trên thế giới. Toàn bộ các quốc gia có ít nhất 1 ca tử vong do Covid-19 tính đến 6/1/2021 đều được đưa vào phân tích. Sau đó, nhóm tính toán "số tuổi thọ bị mất đi" hoặc sự chênh lệch giữa tuổi thọ khi tử vong và tuổi thọ dự tính của những bệnh nhân này dựa trên số liệu tuổi thọ trung bình ở mỗi quốc gia.

Chỉ tính riêng 81 quốc gia, tổng cộng đã có hơn 20,5 triệu năm tuổi thọ bị dịch Covid-19 xóa bỏ.

"Về mặt sức khỏe cộng đồng mà nói, số năm tuổi thọ mất đi thể hiện cuộc sống của cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã bị cắt ngắn bao nhiêu", tác giả đề tài nghiên cứu viết giải thích trong báo cáo được công bố hôm 18/2/2021 trên tạp chí Scientific Reports.

Chỉ có 1/4 trong số 20 triệu năm kia là từ những nạn nhân trên 75 tuổi. Gần 1/2 tuổi thọ mất đi đến từ nhóm bệnh nhân có độ tuổi từ 55 đến 75 tuổi và gần 1/3 đến từ nhóm bệnh nhân dưới 55 tuổi. Theo báo cáo, đối với những quốc gia có thống kê số ca tử vong theo giới tính, số năm tuổi thọ mất đi ở nam giới cao hơn nữ giới đến 44%.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ở những nước có nhiều ca nhiễm Covid-19, số năm tuổi thọ bị mất đi cao hơn từ 2 đến 9 lần so với hậu quả do các dịch cúm mùa hằng năm gây ra.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết kết quả này có một số điểm hạn chế quan trọng. Đầu tiên là nhiều nước dường như thống kê số liệu ca tử vong do Covid-19 không đầy đủ, do đo dẫn đến kết quả phân tích có thể thấp hơn thực tế. Mặt khác, các ca tử vong do Covid-19 có thể có tuổi thọ dự kiến thấp hơn so với tuổi thọ trung bình của cộng đồng đó, từ đó dẫn đến việc ước tính tuổi thọ có thể cao hơn thực tế. Nghiên cứu cũng không bao phủ toàn bộ 195 quốc gia trên thế giới, có nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với kết quả 20 triệu năm mà nghiên cứu đưa ra.

Cuối cùng, nghiên cứu chỉ kiểm chứng trên những ca tử vong sớm mà không xem xét di chứng tiềm tàng về sức khỏe của những ca đã được chữa trị, hay "những năm sống tàn tật" do Covid-19 gây ra. Nhóm nghiên cứu cho rằng vẫn cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để xác định các di chứng lâu dài của Covid-19 đối với sức khỏe và tần suất gặp phải.

Minh Bảo (Tham khảo Live Science)

Chủ đề khác