VnReview
Hà Nội

Châu Âu chìm trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 giữa lúc tranh cãi về vắc xin AstraZeneca

Ý đang quay trở lại với các lệnh cách ly, phong tỏa và hàng triệu người đã phải hủy bỏ kế hoạch đón lễ Phục sinh cùng gia đình thêm một lần nữa.

Tờ CNN đưa tin, rất nhiều nước châu Âu đang phải chiến đấu để ngăn chặn làn sóng thứ 3 của dịch bệnh Covid-19, sau 1 năm virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại 'lục địa già'. Tương tự như thời điểm này của năm ngoái, Ý hiện tại đã trở thành một trong quốc gia đầu tiên của châu Âu trong năm 2021 đưa ra các chính sách hạn chế di chuyển của người dân sau khi Covid-19 tiếp tục hoành hành. Công dân Ý bị cấm đi lại giữa các khu vực ở nước này từ ngày 15/3.

Thủ tướng Ý Mario Draghi cho rằng các quy tắc hạn chế, cách ly là cần thiết bởi 'nước Ý không may đang phải đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới'. Đây được coi là một thực tế đáng buồn sau 12 tháng virus SARS-CoV-2 hoành hành ở đất nước này.

Những lệnh cách ly mới có nghĩa là một lần nữa người Ý không thể tổ chức lễ phục sinh bên gia đình. Ông Draghi thừa nhận các biện pháp mới sẽ gây ra hậu quả đối với giáo dục, nền kinh tế và cả trạng thái tâm lý của người dân.

Bức tranh ảm đạm tương tự cũng diễn ra khắp châu Âu, nơi một số quốc gia vẫn đang vật lộn để đối phó với dịch bệnh. Ngày 15/3, Đức ghi nhận số ca bệnh Covid-19 tăng trở lại. Tại Pháp, số ca nhập viện vì Covid-19 lại gia tăng và tình hình ở trở nên nghiêm trọng vào cuối tuần trước khi cơ quan chức năng bắt đầu sơ tán khoảng 100 bệnh nhân đến các khu vực khác nhau bởi áp lực gia tăng với bệnh viện.

Người phát ngôn của chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết các bệnh nhân sẽ được chuyển tới khu vực khác, nơi áp lực về giường ICU ít căng thẳng hơn. Các bệnh viện ở Paris đã phải hủy nhiều cuộc phẫu thuật để chờ giải quyết đợt bùng phát dịch bệnh mới.

Nguyên nhân chính của đợt bùng phát dịch bệnh mới tại châu Âu liên quan đến biến thể Covid-19 lần đầu xuất hiện ở Anh vào cuối năm ngoái. Theo một số liệu chính thức, 66% ca Covid-19 mới ở Pháp liên quan đến biến thể này.

Biến thể này gây ra những hậu quả khủng khiếp tại Anh nhưng hiện tại đã giảm bớt tại quốc gia này với nỗ lực cách ly và tiêm vắc xin. Tuy nhiên, những quốc gia khác tại châu Âu không may mắn như vậy.

Hơn thế nữa, một số quốc gia tại châu Âu hiện nay đã phải tạm dừng việc tiêm vắc xin AstraZeneca do lo ngại về thông tin nó có thể gây đông máu. Tuy nhiên, AstraZeneca cho biết họ đã xem xét 17 triệu người được vắc xin của mình khắp châu Âu và Anh nhưng không tìm thấy mối liên hệ nào với tình trạng đông máu.

Việc một số quốc gia ở châu Âu tạm ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca xuất phát từ một phụ nữ ở Đan Mạch chết và nhiều người cho rằng việc này có liên quan đến vắc xin. Cuối tuần trước, Ireland và Hà Lan đã tạm dừng sử dụng vắc xin AstraZeneca. Chính phủ Hà Lan cho biết động thái trên là để 'đề phòng' và việc này sẽ kéo dài trong 2 tuần. Hiện nay đã có thêm Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Ý tạm dừng triển khai vắc xin này.

Trong khi đó, cơ quan dược phẩm châu Âu cho biết vẫn tin tưởng vào vắc xin AstraZeneca và nói 'không có dấu hiệu nào cho thấy việc tiêm vắc xin gây ra đông máu trong một số ít trường hợp được báo cáo'.

Cho đến nay, Vương quốc Anh đang dẫn đầu trong việc tiêm vắc xin AstraZeneca với hơn 11 triệu người đã được tiêm một liều. Dữ liệu thực tế từ quốc gia này cho thấy loại vắc xin kể trên có tác động đáng kể tới việc giảm số ca nhập viện vì Covid-19.

Nguyễn Dương Theo CNN

Chủ đề khác