VnReview
Hà Nội

'Tôi luôn sống trong sợ hãi vì di chứng sau khi khỏi Covid-19'

Chưa kịp vui mừng vì thoát khỏi Covid-19, nhiều người phải đối mặt tình trạng di chứng kéo dài mà giới khoa học cũng chưa thể tìm ra nguyên nhân.

Với nhiều người, khỏi Covid-19 không phải dấu mốc khiến họ hạnh phúc. Những triệu chứng như tim đập nhanh, mất mùi vị, chóng mặt, mệt mỏi…, khiến họ không thể trở lại cuộc sống bình thường. Đây cũng là thách thức với các chuyên gia y tế vì chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác cho hiện tượng này.

Suy sụp, trầm cảm dù đã khỏi Covid-19

Ngày xuất viện, Rachel Van Lear, 35 tuổi, luôn nghĩ bản thân sẽ rất vui mừng vì đã chiến thắng Covid-19. Nhưng niềm vui chưa kịp tới, Rachel phải đối mặt hàng loạt triệu chứng khó lý giải. Một năm sau khi khỏi Covid-19, người phụ nữ đến từ thành phố Buda, Texas, Mỹ, vẫn chờ đợi ngày các nhà khoa học đưa ra lời giải thích chính xác về những gì cô mắc phải.

Rachel phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 11/3/2020. Thời điểm đó, người phụ nữ 35 tuổi có sức khỏe khá tốt, thường xuyên luyện tập thể dục. Triệu chứng đầu tiên của Rachel là cảm lạnh, rồi đến sốt cao. Ngay sau khi được lấy mẫu xét nghiệm, bà mẹ 3 con chuyển sang đau đầu, chói mắt, suy nhược thần kinh và mệt mỏi.

Rachel Van Lear chụp ảnh gần nhà riêng tại thành phố Buda, Texas, Mỹ, ngày 9/3, một năm sau khi cô mắc Covid-19. Ảnh: AP.

Diễn biến bệnh của Rachel nhanh đến mức chỉ sau nửa ngày xuất hiện triệu chứng, cô phải nhập viện cấp cứu gấp. "Tôi rất sợ hãi vì không ai có thể cho tôi biết điều gì sẽ xảy đến", Rachel nhớ lại.

Các triệu chứng bệnh xuất hiện rồi lại biến mất như nóng rát phổi, tim đập nhanh, chóng mặt, run tay và rụng tóc. Khoảng một năm sau, các triệu chứng hầu hết đã không còn nhưng cô phải đối phó tình trạng tim đập nhanh thường xuyên. Tuy nhiên, kiểm tra tim, xét nghiệm máu và các xét nghiệm khác đều cho kết quả bình thường.

Tương tự Rachel, Karla Jefferies, 64 tuổi, ở Detroit, Michigan, Mỹ, sống trong cảm giác lo âu dù đã khỏi Covid-19. Mệt mỏi, sốt và mất mùi vị là những triệu chứng đầu tiên bà gặp phải sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào tháng 3 năm ngoái.

Sau đó, người phụ nữ này đối mặt tình trạng sương mù não, chứng mất ngủ và luôn ngửi thấy mùi khét tỏa ra từ mọi vật xung quanh. Đến bây giờ, Karla vẫn chưa thể nghe bằng tai trái.

Các bác sĩ không thể tìm ra thủ phạm để giải thích cho những vấn đề mà bà gặp phải. Bệnh nhân 64 tuổi vốn có tiền sử tiểu đường, huyết áp cao. Ban đầu, khi biết mình mắc Covid-19, bà từng lo lắng bản thân sẽ phải giã từ cuộc sống này. Niềm vui vì khỏi Covid-19 chưa kịp đến, Karla đã phải đối mặt triệu chứng dai dẳng. Người phụ nữ cảm thấy suy sụp và trầm cảm: "Tôi luôn sống trong sợ hãi vì những triệu chứng bí ẩn, Covid-19 dường như không buông tha cho tôi".

Karla Jefferies và Rachel Van Lear là hai trong số hàng nghìn thành viên của Survivor Corps - nhóm hỗ trợ trực tuyến được tạo ra trong đại dịch. Nhiều người trong số họ đã tình nguyện tham gia các dự án nghiên cứu hậu Covid-19.

Phần nổi của tảng băng chìm?

Rachel chỉ là một trong số hàng nghìn bệnh nhân miêu tả gặp phải di chứng của Covid-19. Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, nhận định: "Chúng ta đang phải đối mặt một hiện tượng bí ẩn".

Nhưng liệu đó có phải di chứng duy nhất của Covid-19 hay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm? Có bao nhiêu người bị ảnh hưởng và bệnh sẽ kéo dài bao lâu? Điều họ gặp phải chăng là dạng mới của hội chứng mệt mỏi mạn tính?

Đó là hàng loạt câu hỏi mà các nhà khoa học trên toàn cầu phải đối mặt khi họ tìm kiếm dấu hiệu, phương pháp điều trị Covid-19. Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã thực hiện dự án theo dõi ít nhất 20.000 người mắc Covid-19 với số tiền tài trợ 1 tỷ USD từ chính phủ nhằm tìm kiếm câu trả lời. Nhưng nó không hề dễ dàng. Tiến sĩ Francis Collins cho rằng đây là điều chưa từng có.

Mệt mỏi, khó thở, mất ngủ và trầm cảm là những triệu chứng lâu dài mà các bệnh nhân chia sẻ. Tổn thương nội tạng (bao gồm sẹo phổi và viêm tim) cũng đã được ghi nhận. Các nhà khoa học cần xác định liệu những triệu chứng này có liên quan trực tiếp đến virus hay có thể là một số tình trạng đã có từ trước.

Tiến sĩ Michael Sneller, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đang dẫn đầu một nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Khoảng 200 người đã đăng ký dự án này, tương tự Karla Jefferies và Rachel Van Lear. Họ gồm những người thoát khỏi lưỡi hái tử thần của Covid-19, thực hiện loạt bài kiểm tra thể chất và tinh thần khoảng 1-2 lần mỗi năm, liên tục trong 3 năm. Những người này cũng được làm xét nghiệm nhằm tìm dấu hiệu của tình trạng viêm mà họ đang gặp phải cũng như kháng thể bất thường và tổn thương mạch máu.

Ông Sneller cho biết đến nay, ngoài những triệu chứng mà bệnh nhân báo cáo, nhóm dự án không tìm thấy tổn thương nghiêm trọng nào về tim hoặc mô phổi. Ông lưu ý rằng nhiều loại virus, thậm chí là virus cảm lạnh, cũng có thể gây viêm tim nhẹ. Những người đã hồi phục nhưng mắc bệnh nặng cũng có thể bị suy tim.

Di chứng kéo dài hậu Covid-19 là điều các nhà khoa học chưa thể lý giải. Ảnh: Freepik.

Ngoài ra, nhóm phát hiện mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất ở những người từng nhiễm SARS-CoV-2. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra lời giải thích. Bên cạnh đó, không ít người báo cáo về tình trạng mất ngủ.

Một số giả thuyết cho rằng nCoV vẫn còn trong cơ thể với tải lượng rất nhỏ, đến mức không thể phát hiện qua xét nghiệm, nhưng vẫn gây tổn thương mô, cơ quan. Hoặc nó kích thích hệ thống miễn dịch quá mức khiến cơ thể không thể trở lại trạng thái bình thường. Giả thuyết thứ 3 là virus tấn công mạch máu, gây ra các cục máu đông nhỏ không thể phát hiện. Chúng di chuyển khắp cơ thể và gây ra những tổn thương.

Các nhà khoa học nhận thấy không có mẫu số chung cho những trường hợp gặp di chứng hậu Covid-19. Tiến sĩ Steven Deeks, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, phát hiện ngay cả những người mắc Covid-19 nhẹ cũng có thể gặp di chứng. Tuy nhiên, nhóm có nguy cơ cao nhất là bệnh nhân Covid-19 nặng và phụ nữ. Kết luận này đang được nghiên cứu thêm.

Theo Zing

Chủ đề khác