VnReview
Hà Nội

Bài học từ chiến dịch vaccine thần tốc của Mỹ

Dù vẫn là nơi chịu hậu quả Covid-19 nặng nề nhất thế giới, Mỹ đã dần kiểm soát được dịch bệnh nhờ nỗ lực tiêm chủng nhanh chóng của Nhà Trắng.

Khi còn chạy đua vào Nhà Trắng, ông Joe Biden hồi đầu tháng 12/2020 hứa hẹn tiêm chủng ít nhất 100 triệu liều vaccine Covid-19 cho người dân Mỹ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ. Nước Mỹ khi ấy chưa có loại vaccine nào được phê duyệt.

Đúng giao hẹn, Tổng thống Joe Biden ngày 21/4 thông báo Mỹ đã đạt tổng cộng 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, gấp đôi cột mốc 100 triệu. Đến nay, Mỹ có trong tay ba loại vaccine được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp là Pfizer-BioNTech, Moderna, và Johnson & Johnson.

Chiến dịch tiêm chủng của Mỹ đã đạt được thành công nhất định. Đến ngày 18/5, quốc gia này có khoảng 158,4 triệu người được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, chiếm 47,7% dân số. Trong đó, 60% người trưởng thành tại Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Tuy vẫn là nước đứng đầu thế giới về tổng số bệnh nhân Covid-19, số ca nhiễm mới tại Mỹ đã giảm dần trong 30 ngày qua, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Nếu tính tỷ lệ người dân tiêm chủng đầy đủ, Mỹ đứng thứ 4 thế giới với 38%, sau Israel, Chile, và Bahrain, theo The New York Times.

Trong một tín hiệu đáng mừng khác, Mỹ ghi nhận 29.128 ca mắc Covid-19 trên cả nước vào ngày 20/5, đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm ở dưới mức 30.000 kể từ tháng 6/2020.

Trong hai tuần qua, vùng dịch lớn nhất thế giới ghi nhận trung bình mỗi ngày thêm 32.256 ca mắc Covid-19 trên cả nước. Sự sụt giảm này phần nào đến từ việc gần 40% dân số đã nhận được đầy đủ vaccine.

Điều gì đã giúp Mỹ đạt được tiến độ tiêm chủng thuộc vào mức nhanh trên thế giới như vậy?

"Một khởi đầu tuyệt vời"

"Họ (chính quyền ông Biden) có một khởi đầu tuyệt vời", tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc CDC Mỹ, nói với The Financial Times trong bài viết cuối tháng 4. "Họ phân rõ ràng ai phụ trách cái gì. Họ trao đổi cởi mở và rõ ràng với người dân về các sự kiện".

Một số người chỉ ra rằng nền móng thành công của chương trình tiêm chủng đã được tạo dựng từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump với Chiến dịch Thần tốc. Đây là chương trình đầu tư chính phủ nhằm dành ra 10 tỷ USD kinh phí cho phát triển vaccine và công tác điều trị Covid-19.

Trong khuôn khổ Chiến dịch Thần tốc, chính quyền ông Trump ký thỏa thuận đặt trước 800 triệu liều vaccine từ 6 công ty. Nhờ đó, những công ty này có thể thực hiện thử nghiệm lâm sàng và mở rộng sản xuất mà gần như không phải chịu rủi ro tài chính.

Các tài xế xếp hàng chờ tiêm vaccine tại điểm tiêm chủng diện rộng trong bãi đỗ xe tại thành phố Los Angeles, Mỹ vào ngày 15/1. Ảnh: Getty.

So sánh với các nước châu Âu, Mỹ đã có tốc độ nhanh hơn trên phương diện vaccine, ít nhất là trong giai đoạn đầu, theo The Atlantic. Không như Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ mua hàng triệu liều vaccine từ nhiều ứng viên vào mùa hè năm 2020, trong lúc chưa rõ loại nào sẽ hiệu quả. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng sớm phê duyệt vaccine hơn cơ quan tương đương tại EU.

"Mỹ nắm bắt nguồn cung trước khi biết hiệu quả của vaccine. EU e dè hơn", Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ), nói.

Một lô vaccine mRNA như của Pfizer và Moderna cần gần ba tháng để sản xuất và thử nghiệm. Như vậy, gần như mọi liều vaccine được sử dụng trong thời ông Biden được bắt đầu sản xuất từ khi ông Trump còn tại vị.

Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia cho rằng chính quyền Biden đã đưa ra hai thay đổi lớn giúp đảm bảo những liều vaccine ấy được mau chóng sử dụng.

Đầu tiên, chính quyền Biden đảm bảo gửi số liều vaccine tối thiểu cho các bang trước 3 tuần. Điều này giúp thống đốc và quan chức y tế các bang có thời gian phân bổ đúng người và sắp xếp đúng nguồn lực để tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng tăng hỗ trợ tài chính và điều động thêm nhân lực để giúp các bang lập nhiều điểm tiêm chủng diện rộng. Chính quyền Biden thậm chí còn thông qua Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang - cơ quan chuyên ứng phó thảm họa - để xây dựng điểm tiêm chủng của riêng mình.

Nguồn lực bổ sung cùng những biện pháp đảm bảo đã giúp Mỹ dần tăng tốc độ tiêm chủng.

Phương sách cho tương lai

Mục tiêu trước mắt của Tổng thống Biden là tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 70% người trưởng thành trước ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, theo AP.

Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 đã bắt đầu giảm ở quy mô quốc gia trong 6 tuần qua. Trong ngày 11/4-11/5, số lượt tiêm chủng trung bình mỗi tuần giảm gần một nửa, xuống còn 1,7 triệu liều, theo số liệu ngày 18/5 của CDC Mỹ.

Để sốc lại đà tiêm chủng, ông Biden cho biết Nhà Trắng sẽ tập trung vào 3 nhóm đối tượng: Người trưởng thành cần được thuyết phục tiêm chủng, người gặp khó khăn để tiêm chủng hoặc không cảm thấy cần gấp, và trẻ em tuổi 12-15.

Trong đó, vấn đề nhóm thứ 3 bước đầu được giải quyết vào ngày 12/5, cố vấn cho CDC ủng hộ sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em 12-15 tuổi. Động thái này sẽ mở đường cho hàng triệu người nữa ở Mỹ đủ điều kiện tiêm vaccine.

Với hai nhóm còn lại, nhà chức trách tin rằng họ phải làm cho việc tiêm chủng trở nên thuận tiện và thu hút hơn, đặc biệt là đối với thanh niên - nhóm người ít rủi ro hơn nên không thấy phải gấp rút tiêm chủng.

Ngày 21/4, Tổng thống Biden tuyên bố hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ để nhân viên tại đây được nghỉ có lương khi đi tiêm chủng hoặc khi cần nghỉ ngơi do gặp tác dụng phụ của vaccine.

Được chi trả qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được thông qua vào tháng 3, chương trình hỗ trợ thuế trên sẽ cho công ty nào có ít hơn 500 lao động được hưởng tín dụng thuế 511 USD/ngày/nhân viên. Mức hỗ trợ này đảm bảo công ty và người lao động không bị tác động tiêu cực vì tiêm chủng.

Với công ty lớn có nhiều tài nguyên hơn, Nhà Trắng kêu gọi nhóm doanh nghiệp phổ biến kiến thức và cho người lao động được hưởng ích lợi tương tự như trên.

"Chúng tôi hy vọng chủ lao động lớn nhỏ ở mọi bang đều sẽ cho nhân viên được nghỉ có lương trong thời gian cần thiết để tiêm chủng", ông Biden nói.

Nhờ sự hợp tác giữa Nhà Trắng và hơn 40.000 cửa hàng dược bán lẻ, hiện hơn 90% người dân Mỹ đều sống trong bán kính 5 dặm quanh một địa điểm tiêm chủng. Chính quyền ông Biden còn kêu gọi cơ quan tiêm chủng ở bang và địa phương mang vaccine trực tiếp tới với người dân, bao gồm việc đến tận nhà hoặc lập cơ sở tiêm chủng tại công ty lớn.

Nhiều bang cũng bắt đầu mở cơ sở tiêm chủng theo hình thức tự do mà không phải dựa vào hệ thống đặt chỗ rắc rối.

Theo Rolling Stone, chính quyền các bang cũng tự nghĩ cách để thuyết phục người dân tiêm chủng.

Một nhân viên tàu điện ngầm quảng cáo phần thưởng vé tàu miễn phí cho người nào tiêm chủng tại địa điểm gần đó. Ảnh: Getty.

Chẳng hạn, nếu tiêm vaccine liều đầu trước ngày 31/5, người dân bang Maine có thể được miễn phí vé vào công viên, giấy phép săn bắn câu cá, hoặc thẻ quà tặng trị giá 20 USD. Bang Ohio tuyên bố quay số trúng thưởng một triệu USD cho những người tiêm vaccine trong bang. Sáng tạo hơn, Sở Y tế bang Alabama cho người dân cơ hội lái xe hai vòng trên đường đua siêu tốc trong bang sau khi tiêm vaccine.

Thừa nhận tốc độ tiêm chủng đang chậm lại, ông chủ Nhà Trắng cho biết "sẽ khó khăn hơn nhiều" khi phải thuyết phục "những người còn nghi ngờ". Theo ông Biden, cách thuyết phục hiệu quả nhất với nhóm người này sẽ là "để bảo vệ người thân yêu".

Theo Zing

Chủ đề khác