VnReview
Hà Nội

Vì sao biến thể Delta lại có khả năng lây nhiễm khủng khiếp đến vậy?

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hiện đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia và được cho là có khả năng lây truyền cao hơn 60% so với các chủng chiếm ưu thế trước đây. Đặc biệt hơn, nó còn có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

Mặc dù rõ ràng biến thể Delta lây lan rất nhanh chóng nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu lý do tại sao. Vì vậy, một nhóm các nhà khoa học ở Trung Quốc đã tìm hiểu cách thức lây lan của Delta từ trường hợp đầu tiên biến thể này được xác định tại đây. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Virological cách đây chưa lâu.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Đông và một số địa phương khác của Trung Quốc đã tiến hành giám sát, sàng lọc những người nhiễm biến thể Delta và cả những người có tiếp xúc gần với họ. Tất cả đều được cách ly và làm xét nghiệm PCR Covid-19 hàng ngày. Các cơ quan chức năng đã xác định được 167 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ trường hợp gốc.

Các nhà khoa học so sánh dữ liệu từ những người này với dữ liệu từ các trường hợp của ngày đầu đại dịch hoành hành ở Trung Quốc (cuối năm 2019, đầu năm 2020). Họ phát hiện ra rằng thời gian trung bình một người tiếp xúc với virus đến khi có kết quả dương tính với xét nghiệm PCR (còn được hiểu là thời gian cần thiết để virus nhân lên đến mức đủ cao để phát hiện được) là 5,61 ngày đối với virus từ những ngày đầu của đại dịch và 3,71 ngày cho biến thể delta.

Các tác giả của nghiên cứu viết: 'Như chúng ta đã biết, con người trải qua một giai đoạn ẩn sau khi nhiễm bệnh, khi đó nồng độ virus quá thấp để có thể phát hiện tình trạng bệnh. Khi virus tiếp tục sinh sôi, tải lượng của nó cuối cùng sẽ đạt đến mức phát hiện được và trở nên lây nhiễm. Việc biết được khi nào một người bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus là điều cần thiết để thiết kế các chiến lược nhằm cắt đứt chuỗi lây truyền'.

Các nhà nghiên cứu cũng đo tải lượng virus khi SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu trong các xét nghiệm PCR. Họ phát hiện ra rằng tải lượng virus trong các ca bệnh do biến thể này cao hơn 1.260 lần so với các ca bệnh từ ngày đầu của đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy rằng biến thể delta có thể tái tạo trong cơ thể với tốc độ nhanh hơn so với virus SARS-CoV-2 của những ngày đầu.

Các tác giả của nghiên cứu viết: 'Những dữ liệu này nhấn mạnh rằng biến thể delta có thể lây nhiễm nhiều hơn trong giai đoạn đầu. Điều đó cho thấy rằng người nhiễm bệnh có thể thải ra nhiều virus hơn, làm cho nguy cơ lây truyền cao hơn'.

Tuy nhiên, khi nói về nghiên cứu kể trên John Connor, một chuyên gia đến từ Đại học Boston (Mỹ) cho biết: 'Tỷ lệ sao chép cao hơn có thể không giải thích đầy đủ tại sao biến thể delta lại có khả năng lây truyền cao như vậy và có 'rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời'.

Nguyễn Dương (Theo LiveScience)

Chủ đề khác