VnReview
Hà Nội

Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 ở Việt Nam, 40 tháng nữa mới tiêm xong cho 70 triệu dân?

Nếu những khó khăn khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 không sớm được khắc phục, tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh hơn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ vaccine COVID-19 hết hạn sử dụng trước khi tiêm cho người dân vì vaccine có thời hạn sử dụng rất ngắn.

Gần 12 triệu liều vaccine đã về, mới chỉ tiêm gần 4.5 triệu liều

Sáng 23/7, 1.228.500 liều vaccine COVID-19 AstraZeneca đã về Việt Nam, lượng vaccine lớn nhất từ trước đến nay thuộc hợp đồng của Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam VNVC với AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Tính đến nay, hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 3,1 triệu liều, tương đương với khoảng 37% tổng lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong nước.

Hôm 19/7, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong tuần này sẽ có 3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Moderna về Việt Nam. Đây là lô vaccine do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ thông qua cơ chế Covax facility.

Bộ Y tế cũng cho biết Pfizer đã đồng ý tăng số lượng vaccine COVID-19 cung cấp cho Việt Nam trong Quý 3 từ 3 triệu lên 3,5 triệu liều và đồng ý bán thêm 20 triệu liều trong năm 2021, nâng tổng số liều vaccine Pfizer dự kiến bán cho Việt Nam là 51 triệu liều, tăng 20 triệu liều so với kế hoạch.

Như vậy, ngoài 105 triệu liều đã cam kết, đã ký hợp đồng, 70 triệu liều đang đàm phán và có khả năng sẽ ký được thì dự kiến trong năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam dự kiến có tổng cộng 175 triệu liều.

Tính đến nay Việt Nam đã nhận gần 12 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có tới 8,6 triệu liều là AstraZeneca; vaccine Moderna (2 triệu liều), Pfizer (194.200 liều)...

Dự kiến trong quý 3 năm nay sẽ có khoảng hơn 26 triệu liều vaccine, quý IV là khoảng 65,5 triệu liều về Việt Nam. Tổng cộng 2 quý là khoảng hơn 91,5 triệu liều, trong đó có khoảng 20 triệu liều vaccine Pfizer dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên, về tiến độ tiêm chủng, tính đến nay tổng cộng Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng 4.411.659 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.077.099 liều, tiêm mũi 2 là 334.560 liều. Riêng trong ngày 22.7, có 43.720 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm.

40 tháng nữa mới tiêm xong 2 mũi cho 70 triệu dân

Các chuyên gia nhận định tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam đang rất chậm, từ đầu tháng 7 mỗi ngày chỉ đạt 20.000 - 40.000 mũi tiêm, trong khi vaccine đã về nhiều.

"Nếu Việt Nam tiêm đều, trung bình đạt 100.000 mũi/ngày, thời gian cần để tiêm đủ 2 mũi cho 70 triệu người trên 18 tuổi như mục tiêu, chưa tính 9 triệu trẻ vị thành niên, thì phải hơn 40 tháng mới tiêm xong. Thời gian như thế, có thể nói, rất khó khăn cho các mục tiêu chung" - một chuyên gia y tế nhận định.

Hơn nữa, tại một số nơi, cách thức tổ chức tiêm chủng đang lộ ra nhiều bất ổn, một số điểm tiêm chủng đã phải tạm dừng để tìm giải pháp khắc phục. Đơn cử, trong ngày 22.7, tại bệnh viện E, những người đi tiêm nôn nóng, tập trung đông đúc và không thực hiện nghiêm việc giãn cách. GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc bệnh viện E đã phải quyết định tạm dừng điểm tiêm này, xin ý kiến bộ Y tế và thành phố.

Ông Thành cho biết việc tụ tập đông người là "sự cố ngoài ý muốn", người dân đến đăng ký tiêm nhưng không theo thời gian hẹn, dẫn đến việc ùn ứ, chen chúc. "Điểm tiêm vaccine này đã được thực hiện từ trước, đến nay đã tiêm cho khoảng 50.000 người. Nhưng hôm nay mới có sự cố, chúng tôi đã quyết định dừng để xin ý kiến và tổ chức lại theo đúng quy định", ông Thành nói.

Đã có không ít câu hỏi đặt ra, tại sao Hà Nội không tổ chức các điểm tiêm chủng tại sân vận động, cung văn hóa rộng lớn để có thể tiêm cho số lượng đông và đủ giãn cách. Với chỉ có hơn chục điểm tiêm tại các bệnh viện như hiện nay ở Hà Nội đang trở lên bất cập. Và số người được tiêm sẽ rất hạn chế.

Nếu những khó khăn khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 không sớm được khắc phục, tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh hơn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ "vứt bỏ" vaccine COVID-19 vì vaccine có thời hạn sử dụng rất ngắn, trong khi hàng triệu người dân mong chờ từng ngày để được tiêm vaccine. Thực tế này đang khiến dư luận bức xúc.

Một vấn đề nữa là những người tiêm mũi 1 đang mòn mỏi chờ tiêm mũi 2, dù đã qua 12 tuần. Nếu cứ phải chờ đợi dài dài không được tiêm, liệu rằng có phải tiêm lại mũi 1? Như thế có nghĩa là lãng phí một số lượng vaccine không hề nhỏ.

"Vaccine phòng COVID-19 hiện hạn sử dụng rất ngắn, chỉ 6 tháng, hơn nữa vaccine về đến Việt Nam còn phải kiểm định, nên thời hạn chỉ còn 4 tháng, thậm chí ít hơn"- chuyên gia y tế lo ngại.

Người dân móng chờ từng ngày để được tiêm nhưng nếu cứ tình hình này thì có lẽ phải chờ đến 30-40 tháng nữa mới được tiêm như nhận định của 1 chuyên gia sẽ thành sự thật.

Chiến dịch tiêm chủng đối mặt khó khăn nào?

Theo báo cáo tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng phải đối mặt rất nhiều khó khăn.

"Đây là loại vaccine mới nên trong các đợt đầu triển khai thận trọng, e ngại phản ứng sau tiêm và cần có thời gian phê duyệt kế hoạch triển khai. Hơn nữa, do nguồn cung vaccine COVID-19 trên toàn cầu còn hạn chế ảnh hưởng đến việc cung ứng cho Việt Nam, kế hoạch triển khai của các địa phương phụ thuộc số lượng vaccine được phân bổ về" - báo cáo nêu.

Hiện tại việc quản lý thông tin đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19 đang sử dụng nhiều hình thức. Do vậy, khi chiến dịch triển khai trên diện rộng cần tăng cường quản lý thông tin tiêm chủng trên nền tảng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19.

Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đề nghị các tỉnh thành xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai chiến dịch, bao gồm nhân lực, kinh phí, cách thức tổ chức, tiếp nhận, vận chuyển vaccine và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với từng đợt, yêu cầu Sở Y tế phân bổ vaccine đến các quận/huyện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phối hợp với các Quân khu để vận chuyển từ kho tỉnh đến các huyện. Các huyện xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết đến các xã/điểm tiêm chủng để sử dụng hiệu quả vaccine.

Theo báo Lao Động

Chủ đề khác