VnReview
Hà Nội

Giải mã kho dữ liệu di truyền của phòng thí nghiệm Vũ Hán

Vào ngày 5/8 vừa qua, CNN đã đưa tin về một kho dữ liệu khổng lồ chứa các thông tin di truyền về các mẫu virus từng được nghiên cứu tại Viện virus học Vũ Hán. Đây được xem là một trong những thông tin vô cùng đáng giá trong việc tìm hiểu về nguồn gốc của virus Corona – chủng virus gây ra đại dịch COVID-19.

Cơ quan tình báo Mỹ không chia sẻ thông tin về nguồn gốc và cách thức có được kho dữ liệu này. Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận của CNN cho biết, có thể những dữ liệu này đã bị tấn công bởi các nền tảng công nghệ. Vì hầu hết những máy móc dùng để thống kê và xử lý thông tin di truyền của virus phần lớn được kết nối với các máy chủ và lưu trữ trên nền tảng đám mây.

Mặc dù vậy, việc thu thập được lượng dữ liệu khổng lồ và vô cùng đáng giá này cũng là một trong những thách thức lớn đối với các nhà chức trách. Vì chúng là một kho dữ liệu thô nên việc xử lý chúng thành những thông tin hữu ích cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ trước khi công bố tới công chúng.

Để làm được điều đó, các cơ quan tình báo Mỹ phải sử dụng các siêu máy tính tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, nơi tập hợp 17 viện nghiên cứu ưu tú của chính phủ. Không chỉ dùng lại ở những nỗ lực về nền tảng công nghệ, Mỹ còn đối mặt với một vấn đề khác chính là nhân lực. Các cơ quan tình báo Mỹ không những cần phải tập hợp các nhà khoa học đủ khả năng phân tích dữ liệu phức tạp về trình tự gene, có khả năng bảo mật thông tin, mà còn phải biết tiếng Quan Thoại do dữ liệu được viết bằng tiếng Trung.

Theo CNN, giới chức tình báo Mỹ sẽ tiến hành diễn giải các dữ liệu thô nói trên trong vòng 90 ngày với hy vọng tìm ra câu trả lời bằng cách nào virus corona lây lan từ vật sang người đồng thời xác định nguồn gốc gây ra sự rò rỉ SARS-CoV-2 đến từ Viện virus học Vũ Hán hay được truyền từ vật sang người trong tự nhiên? Các nhà điều tra trong và ngoài Chính phủ Mỹ từ lâu đã tìm kiếm dữ liệu di truyền của 22.000 mẫu virus được nghiên cứu tại Viện virus học Vũ Hán. Dữ liệu này đã bị giới chức Trung Quốc gỡ khỏi Internet vào tháng 9/2019.

Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đã từ chối công khai dữ liệu này cũng như các dữ liệu gốc khác về các ca mắc COVID-19 đầu tiên ở nước này với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và với Mỹ. mặt khác, Bắc Kinh đã kiên quyết bác bỏ giả thuyết virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một trong các phòng thí nghiệm của nước này, khẳng định khả năng rò rỉ là "không thể xảy ra".

Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục sự ủng hộ của mình bằng cách khuyến khích WHO tiến hành giai đoạn 2 của cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19. Vào tháng 7, WHO nói giai đoạn 2 điều tra nên bao gồm việc kiểm tra các phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Thanh Mai – Theo CNN

Chủ đề khác