VnReview
Hà Nội

Tại sao kết luận MH370 đâm xuống đại dương qua tín hiệu "ping"?

Công ty vệ tinh Anh Inmarsat hôm qua cho biết vị trí của chiếc máy bay mất tích MH370 được thu hẹp sau nhiều giờ phân tích tín hiệu "ping" từ MH370 phát đi. Sau đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết máy bay MH370 đã "kết thúc" ở khu vực ngoài khơi phía Tây Perth, Australia.

Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 sau khi nghe tuyên bố của Thủ tướng  Malaysia

Thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 đau đớn sau khi nghe tuyên bố của Thủ tướng Malaysia;

Theo hãng tin Reuters, Inmarsat đã sử dụng hiện tượng sóng âm được phát hiện từ thế kỷ 19 để xác định vị trí MH370. Công ty này cho biết họ đã mất hai tuần phân tích dữ liệu trước khi đi đến bất kỳ một kết luận nào.

Như các báo đã đưa tin trước đó, chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines có số hiệu MH370 đã liên tục gửi đi các tín hiệu "ping" trong hàng giờ mặc dù hệ thống truyền thông của máy bay đã bị ngắt. Những tín hiệu này thông thường được sử dụng để đồng bộ hóa thông tin thời gian.

Với việc nghiên cứu chúng, Inmarsat có thể xác định rằng chiếc máy bay này đã bay ít nhất 5 giờ đồng hồ sau khi rời không phận Malaysia và rằng có khả năng nó bay theo hai hướng - một theo hướng bắc hoặc một theo hướng nam.

Vệ tinh Inmarsat dự đoán MH370 có thể bay theo hai hướng: bắc hoặc Nam

Công ty Vệ tinh Inmarsat dự đoán MH370 có thể bay theo hai hướng: Bắc hoặc Nam qua phân tích các tín hiệu "ping" tự động phát đi từ MH370

Ông Chris McLaughlin, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách đối ngoại của Inmarsat cho phóng viên báo Anh Telegraph biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu hiệu ứng Doppler để tìm hiểu sự thay đổi trong tần số do sự chuyển động của vệ tinh trong quỹ đạo của nó. Những gì thu được sau đó đã cho chúng tôi dự đoán được đường bay một về phía bắc và một đường về phía Nam".

Hiệu ứng Doppler là một hiệu ứng vật lý, đặt theo tên nhà vật lý học người Áo Christian Andreas Doppler (1803-1853), theo đó tần số và bước sóng của các sóng âm, sóng điện từ hay sóng nói chung, mà các máy bay phát ra rất nhiều, bị thay đổi khi nguồn phát sóng chuyển động đối với thiết bị quan sát được giữ cố định.

Mặc dù thông tin này đã được trao cho nhà chức trách Malaysia hôm 12/3 nhưng sau đó Inmarsat vẫn tiếp tục phân tích dữ liệu.

Kể từ đó, đã có nhiều so sánh được đưa ra với các máy bay khác trên cùng tuyến và Inmarsat có thể thiết lập một "sự phù hợp đặc biệt" giữa tuyến về phía nam họ đã dự báo và những gì họ nhận được từ các máy bay khác.

Thông tin này, cùng với tốc độ giả thuyết của MH370, đã thu hẹp khu vực tìm kiếm xuống còn 3% của hành lang phía Nam.

"Chúng tôi tìm ra tín hiệu ping cuối cùng phát ra ở đâu và chúng tôi biết rằng máy bay hẳn đã cạn kiệt nhiên liệu trước khi tín hiệu ping tự động tiếp theo phát đi, nhưng chúng tôi không biết tốc độ của MH370 đang bay lúc đó – chúng tôi giả thiết là 450 knot (khoảng 833 km/h - pv)", ông McLaughlin nói. "Chúng tôi không thể biết khi nào nhiên liệu thực sự cạn kiệt và chúng tôi không thể biết liệu máy bay đã trượt hay đâm xuống biển. Chúng tôi cũng không thể biết liệu máy bay có bay chậm hơn ở những phút cuối hay không".

Phân tích này sau đó được chuyển qua cho Boeing và Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Anh xem xét.

Inmarsat cho rằng vị trí cuối cùng của MH370 là ở giữa Án Độ Dương

Inmarsat cho rằng vị trí cuối cùng của MH370 là ở giữa Ấn Độ Dương và hẳn đã cạn kiệt nhiên liệu trước khi phát đi tín hiệu ping tiếp theo

Trong phát biểu tối qua, ngày 24/3, Thủ tướng Malaysia nói nhờ thông tin và phân tích từ Inmarsat mà có thể kết luận về đường bay và vị trí cuối cùng của MH370 ở giữa Ấn Độ Dương, phía Tây bờ biển Australia, đồng nghĩa với việc chiếc máy bay này đã hết nhiên liệu phía trên Ấn Độ Dương.

"Đây là một khu vực hẻo lánh, nằm cách xa bất kỳ địa điểm hạ cánh khả thi nào. Vì thế với sự đau buồn và thương tiếc sâu sắc, tôi phải thông báo với các bạn rằng dựa trên dữ liệu mới này, chuyến bay MH370 đã kết thúc chặng đường đi của mình ở Nam Ấn Độ Dương", Thủ tướng Najib Razak nói.

Tuy nhiên, sau đó vài giờ, Mỹ tuyên bố chưa có "bằng chứng độc lập" cho thấy máy bay bị mất tích mang số hiệu MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương.

Theo hãng tin AFP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: "Tôi không có bằng chứng độc lập về vấn đề này. Tôi không có lý do để tin rằng việc máy bay bị rơi xuống Nam Ấn Độ Dương là đúng".

Bà Harf cho biết thêm Washington đang hợp tác "rất chặt chẽ" với chính phủ Malaysia. Trong khi đó, quân đội Mỹ cho biết đã gửi một thiết bị định vị hộp đen và một robot tìm kiếm dưới đáy biển tới Ấn Độ Dương để giúp tìm máy bay của Malaysia.

Chuyến bay định mệnh MH370 chuyên chở 239 hành khách và phi hành đoàn từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hôm 8/3/2014 đã mất tích một cách bí ẩn. Tính đến nay, cuộc tìm kiếm MH370 đã huy động hàng chục máy bay và tàu các loại từ 25 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, tìm kiếm trên diện tích hàng chục nghìn km2.

Thanh Xuân

Chủ đề khác