VnReview
Hà Nội

Tàu ngầm Trường Sa có gì đặc biệt?

Tàu ngầm Trường Sa của doanh nhân quê lúa "5 tấn" Thái Bình được công chúng theo dõi từng bước bởi nếu thành công, đây sẽ là một đột phá về khoa học công nghệ của Việt Nam. Tại sao lại như vậy?

Tàu ngầm Trường Sa 1

Công nhân đưa tàu ngầm ra bể thử nghiệm. Ảnh: Đất Việt

Từ tháng 8/2013, lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí, tàu ngầm mini Trường Sa 1 do ông Nguyễn Quốc Hòa (57 tuổi), từng học tập chuyên ngành chế tạo máy tại Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ), Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa chế tạo đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cả giới truyền thông và dư luận. ;

Nhiều người đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, ủng hộ ông Hòa, bởi chỉ nghe thấy tàu ngầm đã biết đấy không phải là sản phẩm đơn giản, thông thường ai cũng làm được, kể cả nhà nước đầu tư; dám chi nhiều tiền để làm một sản phẩm quá phiêu lưu; hoặc tự hào đây là sản phẩm "thuần Việt" chứ không phải lắp ráp, chắp vá...

Bên cạnh đó, cũng có không ít hoài nghi vì chế tạo tàu ngầm là một ngành rất khó, Việt Nam có cả đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hùng hậu nhưng còn chế tạo được, nói gì đến một kỹ sư tỉnh lẻ; thậm chí có ý kiến cho rằng ông Hòa nhân sự kiện này để nổi tiếng.

Tất cả, dù khen ngợi hay không, cùng những cuộc điện thoại, những chuyến viếng thăm của nhiều đoàn khách đều gây áp lực lên ông Nguyễn Quốc Hòa. Thậm chí, có lúc quá mệt mỏi, căng thẳng, ông đã tuyên bố tạm dừng dự án tàu ngầm mini Trường Sa 1.

Nhưng bầu tâm huyết với tàu ngầm mini của ông Hòa chưa bao giờ giảm. Ông đã thử nghiệm tàu Trường Sa 1 nhiều lần và tàu đã lặn, nổi thành công. Nhiều đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Quốc hội đã đến tận nơi để chứng kiến chiếc tàu ngầm mini này vận hành. Và theo nhận xét của chuyên gia Lương Lục Quỳnh (Viện Thiết kế tàu quân sự của Bộ Quốc phòng) cho biết rất ngạc nhiên về chiếc tàu ngầm Trường Sa, "không thể ngờ người doanh nhân này đã tiến được những bước tiến xa như vậy, đặc biệt trong công nghệ AIP", ông nói.

Theo ông Hòa cho biết, sau nhiều tháng trời nghiên cứu tài liệu nước ngoài, ông và các cộng sự đã chế tạo thành công hệ thống không khí tuần hoàn độc lập AIP - công nghệ được cho là quyết định sự thành bại của tàu ngầm Trường Sa 1.

Tàu ngầm lắp động cơ công nghệ AIP đang là đề tài nhiều nhà khoa học quân sự quan tâm. AIP (Air Independent Propulsion) là động cơ đẩy sử dụng không khí riêng, nên động cơ giấu nhiệt (no exhaust heat)…Có khá nhiều khái niệm quanh công nghệ AIP, nhưng có cùng một mục đích là làm sao cho động cơ tàu ngầm hoạt động dưới nước mà không cần nổi vì không cần lấy ô-xy. AIP giúp tàu ngầm lặng lẽ hoạt động ngay trước "mũi" đối phương mà không bị lộ. Bí mật đánh đòn đột kích bất ngờ với hỏa lực mạnh luôn là mong muốn của mọi chỉ huy hải quân

Công nghệ phổ biến của động cơ tàu ngầm hiện nay là sử dụng động cơ diesel-điện, đòi hỏi tàu luôn phải nổi lên để lấy ô-xy, chạy máy, nạp điện, vì nó chỉ có thể lặn trong 3 đến 5 ngày sử dụng pin – acquy một cách hạn chế.

Trong phát triển công nghệ AIP, giải pháp sử dụng tế bào nhiên liệu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hydrogen được xem là khả thi và an toàn nhất. Hiện nay, ngoài Nga ra chỉ có vài nước như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, và Thụy Điển mới làm chủ được công nghệ này.

Trả lời phóng viên VnExpress, ông Hòa cho biết, "Có lẽ với nhiều người, công nghệ này tạo ra ở Việt Nam là điều không tưởng và có thể vì tôi 'điếc không sợ súng' nên làm được", ông Hòa nói. Nguyên lý công nghệ AIP do ông và đồng nghiệp tạo ra cũng giống các nước trên thế giới, nhưng vật liệu, hình thức và chu trình thì khác với mục đích là "ba nhất" là rẻ nhất, nhỏ nhất và dễ chế tạo nhất.

Đây chính là một điểm đáng chú ý nhất ở chiếc tàu ngầm mini tư nhân này. Nhưng chi tiết về nó như thế nào chưa từng được ông Hòa tiết lộ.

Hôm nay, ngày 28/3, ông Nguyễn Quốc Hòa đưa tàu ngầm mini ra thử nghiệm tại hồ nước trước khi đưa ra biển thử nghiệm với sự chứng kiến của đại diện quân đội, chính quyền và báo chí. Các phóng viên VnReview đã có mặt tại hiện trường để thông tin chi tiết về sự kiện này cũng như khám phá những bí mật phía sau tàu ngầm mini Trường Sa 1.

Bài liên quan:

Tổng hợp hình ảnh tàu ngầm Trường Sa

Thanh Xuân

Chủ đề khác