VnReview
Hà Nội

Hôn nhân lục đục vì đường máu thấp?

Bạn cảm thấy cáu kỉnh, khó chịu với chồng/vợ? Có thể bạn nên đi kiểm tra lượng đường trong máu.

Một nghiên cứu mới cho thấy nồng độ glucose trong máu thấp có thể làm tăng sự giận dữ và thái độ công kích giữa các cặp vợ chồng. Các nhà nghiên cứu nói phát hiện của họ cho thấy có mối liên hệ giữa lượng đường gluco và sự tự kiểm soát, nhưng nhiều chuyên gia chưa đồng ý với những ý kiến này.

Glucose là một nguồn nhiên liệu cho cơ thể, và mức độ glucose trong máu tăng, giảm liên tục trong ngày, khi cơ thể chuyển hoá các bữa ăn chứa chất carbohydrate. Các nhà nghiên cứu đã nghi ngờ từ những năm 1960 rằng lượng glucose thấp hoặc sự dao động lượng glucose có thể đóng vai trò tạo ra trạng thái cảm xúc công kích, gây sự.

Trong 2 nghiên cứu năm 2010, nhà tâm lý học Brad Bushman của trường Đại học Ohio, Columbus, Mỹ đã cố gắng tìm hiểu vai trò đó là gì, đầu tiên bằng cách đo mức độ gây sự giữa những người có triệu chứng tiểu đường nhóm 2 (cơ thể không thể điều chỉnh được lượng đường glucose), và sau đó bằng cách cung cấp thức uống có đường cho những người không quen biết nhau đang tranh giành nhau một nhiệm vụ trên máy tính. Cả hai nghiên cứu đều cho thấy nồng độ glucose cao hơn có thể khiến mọi người đối xử với nhau ít căng thẳng hơn.

Bushman đã tự hỏi về mối quan hệ giữa nồng độ glucose và trạng thái công kích giữa các cặp vợ chồng lãng mạn. Vì thế ông và các đồng nghiệp tại trường Đại học Kentucky và Đại học North Carolina đã khảo sát 107 cặp vợ chồng và trang bị cho họ các thiết bị như máy đo đường huyết, búp bê và 51 chiếc ghim để họ ghi lại các mức độ glucose và mức độ giận dữ trong một khoảng thời gian.

Trong 21 ngày, các cặp vợ chồng đã dùng máy đo đường huyết để đo mức độ glucose vào mỗi sáng trước khi ăn sáng và mỗi tối trước khi đi ngủ. Họ cũng tự đánh giá mức độ giận dữ với vợ/chồng vào cuối mỗi ngày, bằng cách ghi xem có bao nhiêu trong số 51 chiếc ghim mà họ đã gắn vào các con búp bê trước khi đi ngủ.

Sau 21 ngày, các cặp vợ chồng được mời vào phòng thí nghiệm. Ở đó, họ chơi game trên máy tính, cho phép họ phá bĩnh đối tác bằng một tiếng ồn khó chịu – đó là hỗn hợp các âm thanh móng tay cào cấu, tiếng còi xe cứu hoả và tiếng khoan đục của nha sỹ - tiếng động rất to và kéo dài tuỳ thích, như thể khiến vợ/chồng khó chịu và kích thích đối tác phải gây sự.

Các cặp vợ chồng được phát búp bê và đinh ghim để đánh dấu các cơn giận dữ

Kết quả cho thấy tại nhà và trong phòng thí nghiệm, các cặp vợ chồng với nồng độ glucose thấp hơn trong buổi tối dễ đối xử giận dữ và gây sự với vợ/chồng hơn. Bushman cho rằng "glucose cung cấp năng lượng mà bộ não cần để tự kiểm soát cảm xúc bản thân" và khi lượng glucose thấp, trạng thái khó chịu, công kích dễ xảy ra.

"Đây là một nghiên cứu rất ấn tượng", nhà tâm lý học Roy Baumeister của trường Đại học Florida, nói. "Khả năng kiểm soát bản thân và các trạng thái cảm xúc là một trong những yếu tố quan trọng nhất của tâm lý con người, do đó những hiểu biết về khả năng tự kiểm soát và những điều tác động đến nó thực sự quan trọng".

Nhưng nhà tâm lý học David Benton của trường Đại học Swansea ở Anh, người chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của chế độ ăn uống đến não bộ và các hành vi, lại ít ấn tượng với phát hiện này. Ông cho đó là "không có gì bất ngờ".

"Dựa trên những nghiên cứu được tiến hành tốt hơn trước đó, có vẻ như lượng đường glucose trong máu thấp có thể là một trong những yếu tố dẫn đến các hành vi hung hăng", Benton viết. Ông chỉ ra rằng uống rượu có thể vừa khiến lượng đường glucose trong máu thấp hơn vừa hay dẫn đến các hành vi hung hăng hơn. Nhưng nghiên cứu này đã không thu thập thông tin về những thứ các cặp vợ chồng đã ăn hoặc uống.

Tuy vậy, Bushman nói rằng ít nhất thì "nếu biết bạn sắp sửa nói chuyện với vợ/chồng về một vấn đề có thể gây xung đột, có thể bạn nên ngồi xuống và uống một cốc nước đường trước đã".

Nên uống một cốc nước đường trước khi nói chuyện về vấn đề dễ gây xung đột với vợ/chồng?

Hoàng Lan

Theo Sciencemag

Chủ đề khác