VnReview
Hà Nội

Thuốc uống mới có thể ngăn lây nhiễm sởi

Trong nhiều năm liền, bệnh sởi được coi là đã bị "xóa sổ" tại các quốc gia phát triển, song biến đổi môi trường và xã hội khiến cho căn bệnh có mức lây nhiễm rất cao này xuất hiện trở lại. Các trường đại học Đức và Mỹ đã tìm ra lời giải cho căn bệnh này.

Trong nhiều năm liền, bệnh sởi được coi là đã bị "xóa sổ" tại các quốc gia đang phát triển, song biến đổi khí hậu và xã hội khiến cho căn bệnh có mức lây nhiễm rất cao này xuất hiện trở lại.

Để đối phó với diễn tiến rất đáng lo ngại của bệnh sởi, các nhà nghiên cứu tại Đại học Georgia State, Mỹ và Viện Paul Ehrlich, Langen, Đức đã hợp tác chế tạo ra một loại thuốc mới có tên ERDRP-0519. Loại thuốc này vốn được sử dụng để chống ngăn ngừa một loại virus gần giống như sởi trên loài chồn và giờ có thể dùng để ngăn bệnh sởi lây lan sang người.

Các nhà nghiên cứu này hy vọng rằng một ngày nào đó loại thuốc của họ sẽ được kết hợp sử dụng cùng với quá trình tiêm vắc-xin (vaccine) sởi trên toàn cầu nhằm xóa sổ hoàn toàn căn bệnh này.

"Chiến dịch tiêm vaccine đã có những bước tiến vượt bậc, và chúng tôi tin chắc rằng quá trình xóa sổ bệnh sởi sẽ có trọng tâm là vaccine", giáo sư Richard Plemper, người đang giản dạy tại bộ môn Lây nhiễm, Miễn dịch và Nhiễm khuẩn tại Đại học Georgia State và cũng là tác giả chính của nghiên cứu nói trên cho biết. "Thuốc của chúng tôi không phải là lựa chọn thay thế cho vaccine, nhưng chúng tôi muốn tạo ra một hiệu ứng kết hợp – nhằn nhanh chóng giải quyết và xóa bỏ các đợt dịch sởi tại các vùng dân số nhìn chung có tỉ lệ tiêm vaccine cao".

Do có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp, ho hoặc xổ mũi, sởi là một căn bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao và có thể gây ra các phát ban, chứng ho dữ dội và các cơn sốt cao. Thực tế, sởi có khả năng truyền nhiễm cao tới mức 90% những người chưa được miễn dịch (chưa tiêm vaccine, chưa bị sởi lần đầu) sẽ bị nhiễm sởi khi lần đầu tiên tiếp xúc với loại virus này – dựa theo tuyên bố của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.

Cũng giống như nhiều loại bệnh do virus gây ra khác, bệnh sởi sẽ có thời gian "ủ bệnh" khoảng 2 tuần, tính từ khi người bệnh bị nhiễm virus cho tới khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Các nhà nghiên cứu của Georgia State và Paul Ehrlich đang cố gắng tập trung vào giai đoạn ủ bệnh khá âm thầm này.

"Khi các triệu chứng xuất hiện, virus đã kiểm soát được các phản ứng miễn dịch của người bệnh. Tất cả các triệu chứng này đều do hệ miễn dịch gây ra khi cố gắng chống lại virus. Khi các triệu chứng ở giai đoạn nặng nhất, số lượng virus có trong người bệnh đã giảm xuống rất thấp, do hệ miễn dịch đã liên tục chống lại virus. Lúc này, sử dụng thuốc chống virus đã là quá muộn".

Thuốc ERDRP-0519 sẽ phát hiện và ngăn ngừa enzyme (enzim) RNA polymerase, một loại enzim mà virus sởi cần có để có thể tự nhân lên và phát triển. Bằng cách chặn loại enzim này, virus không thể tổng hợp các loại protein mới và sẽ không thể lây truyền trên cơ thể.

Nhằm tìm ra mức độ hiệu quả của loại thuốc này, Plemper và các đồng sự đã sử dụng ERDRP-0519 cho một số con chồn bị nhiễm virus CDV, một loại bệnh rất giống với virus sởi có thể đe dọa tới tính mạng vật nuôi. Khi được điều trị bằng thuốc ERDRP trong vòng 3 ngày sau khi nhiễm CDV, tất cả các vật mẫu đều sống sót và virus này cũng bị triệt tiêu hoàn toàn.

"Các con chồn cũng đã tự phát triển tính miễn dịch. Do đó các con vật còn sống sót sẽ có kháng thể để chống lại loại virus này. Do đó khi chúng tôi tái lây nhiễm virus cho chúng, chúng hoàn toàn miễn dịch và không xuất hiện các triệu chứng nữa".

Plemper cho biết ông rất hi vọng ERDRP-0519 sẽ không nhiễm độc cho người và có thể được sử dụng làm thuốc uống, giúp giảm chi phí so với thuốc tiêm.

Trong trường hợp lý tưởng nhất, các nhà nghiên cứu hy vọng thuốc ERDRP-0519 sẽ được dùng để chống lại các đợt dịch bùng nổ tại các vùng có dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ. Hiện tại, khả năng di chuyển toàn cầu của con người và tỉ lệ cha mẹ không cho con tiêm vaccine đã khiến số lượng các ca nhiễm sởi gia tăng tại Mỹ và Tây Âu. Mặc dù tỉ lệ tử vong của các ca nhiễm sởi chỉ là 1/1000 tại các quốc gia phát triển, các biến chứng của bệnh sởi sẽ gây ra các hậu quả rất tai hại.

"Đây không phải là loại bệnh cho phép chúng ta có thể chủ quan. Ảnh hưởng của virus tới hệ miễn dịch trong một thời gian dài ngay cả khi đã bị loại bỏ.Đó là lý do vì sao chúng ta thường thấy có những đợt lây nhiễm rất nguy hiểm sau khi bệnh sởi đã chấm dứt. Do đó chúng tôi hi vọng sẽ không chỉ cứu bệnh nhân khỏi bệnh sởi mà còn giúp họ chống lại các biến chứng liên quan tới hệ miễn dịch về sau", giáo sư Plemper khẳng định.

Lê Hoàng

Theo Fox News

Chủ đề khác