VnReview
Hà Nội

Tìm kiếm MH370 dưới đáy biển còn khó hơn cả trong... vũ trụ

Con người có thể nhìn vào vũ trụ mênh mông và phát hiện ra các hành tinh cách chúng ta hàng trăm năm ánh sáng. Ấy vậy mà ngay cả các công nghệ tối tân nhất cũng trở nên mù lòa ở độ sâu 3 dặm dưới mặt biển.

Con người có thể nhìn vào vũ trụ mênh mông và phát hiện ra các hành tinh cách chúng ta hàng trăm năm ánh sáng. Ấy vậy mà ngay cả các công nghệ tối tân nhất cũng trở nên mù lòa ở độ sâu 3 dặm dưới mặt biển.

Bluefin-21, tàu lặn không người lái được dùng để tìm kiếm MH370

Con người đã từng chơi golf trên mặt trăng (nhà phi hành gia Alan Shepard của Mỹ). Các bức ảnh của bề mặt Sao Hỏa giờ cũng đã trở thành một điều gì đó tương đối… bình thường. Kính viễn vọng Hubble có thể phát hiện ra các hành tinh ở cách xa chúng ta 10 đến 15 tỷ năm ánh sáng. Vậy, đâu là giới hạn tầm nhìn của con người?

Câu trả lời là 3 dặm dưới đáy đại dương!

Cuộc kiếm tìm chuyến bay xấu số MH370 cho thấy ở độ sâu này, vốn chẳng có ý nghĩa gì khi so sánh với vũ trụ mênh mông, con người gần như "mù" hoàn toàn và cũng gần như không biết một điều gì cả. Đến ngày chủ nhật 20/4, Bluefin-21, một tàu lặn không người lái tân tiến của Hoa Kỳ, đã lặn xuống Đại Tây Dương 6 lần để kiếm tìm các mảnh vụn của MH370. Song, ở độ sâu có áp lực nước khủng khiếp và gần như không có ánh sáng này, Bluefin-21 đã phải bỏ dở cả 2 chu trình tìm kiếm đầu tiên.

Còn tới 95% bề mặt đáy biển chưa có mặt trên bản đồ, và đáy biển Đại Tây Dương gần như chắc chắn là nơi dừng chân của MH370. Vấn đề là "Chúng ta hiểu rất, rất ít về bề mặt đáy biển", ông Erik van Sebille, một nhà đại dương học đang làm việc tại Đại học New South Wales, Sydney, Úc cho biết. Phân tích những hạt bụi, những hòn đá trên Hành Tinh Đỏ đã trở thành chuyện thường ngày của con người. Việc hiểu được những gì có trên bề mặt đáy biển của chúng ta không đơn giản như vậy.

Lý do con người hoàn toàn "mù mờ" về đại dương sâu thẳm là rất đơn giản. Tất cả các công nghệ điện toán liên lạc của chúng ta, từ vô tuyến, Wi-Fi, X-quang cho đến ánh sáng, đều là các loại sóng điện từ trường. Nước biển sẽ hấp thụ hoàn toàn các loại sóng này. "Loại sóng duy nhất có thể truyền trong môi trường đáy biển là âm thanh. Đó là lý do vì sao chúng ta phải dùng radar siêu âm", ông Sebille khẳng định.

Âm thanh được tạo thành từ các sóng cơ học và do đó có thể truyền trong các môi trường tương đối "đặc" như chất lỏng. Nhưng, ở độ sâu 3 dặm (5km) dưới mặt nước, ngay cả sóng siêu âm cũng phải chật vật để có thể truyền tín hiệu. Lúc đầu, theo các thông số do các con tàu có radar siêu âm đã từng đi qua vùng biển tìm kiếm MH370 thu lại, độ sâu tìm kiếm chiếc Boeing 777 xấu số này được xác định là từ 13.800 đến 14.400 foot, tức từ khoảng 4.200 đến 4.400 mét. Song, khi Bluefin-21 lặn xuống đáy biển Đại Tây Dương, tàu lặn không người lái này đã phát hiện ra rằng độ sâu thực tế của đáy biển ở khu vực tìm kiếm chắc chắn vượt quá ngưỡng 14.800 feet (4.500 mét).

Khi xuống tới độ sâu 4.500 mét, các cảm biến của Bluefin-21 sẽ ra lệnh cho tàu tự động nổi lên phía trên mặt nước, bởi đơn giản độ sâu 4.500 mét vượt quá giới hạn hoạt động của tàu lặn không người lái này. Đây chính là điều đã xảy ra trong lần lặn đầu tiên của Bluefin-21 vào ngày 16/4 vừa qua. Theo Hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ, để thực hiện những lần lặn tiếp theo, các nhà chức trách đã phải chấp nhận rủi ro cho Bluefin-21 hoạt động ở độ sâu vượt quá mức giới hạn 4.500 mét.

Vấn đề với Bluefin-21, theo ông van Sebille, là "ngay cả các bản đồ đáy biển tốt nhất của chúng ta cũng không thể coi là 'tốt' thực sự".

http://time.com/67705/mh370-ocean-oceanography-sonar-exploration/

Ocean Shield, con tàu đóng vai trò trung tâm trong cuộc tìm kiếm MH370 tại Đại Tây Dương và cũng là tàu điều khiển Bluefin-21

Một vấn đề khác gây cản trở tầm nhìn của Bluefin-21 là lượng rác thải khổng lồ dưới đáy biển. Các chuyên gia cho biết tổng lượng rác thải nhựa có mặt dưới đáy biển lên tới 500.000 tấn, bao gồm 5.250 tỷ mảnh rác plastic khác nhau. Trái đất hiện nay có tới 5 "bãi rác đại dương" khổng lồ do các dòng biển tạo ra. Bãi rác lớn nhất trên thế giới nằm tại Thái Bình Dương, với diện tích ước tính từ 700.000 km2 đến 15 triệu km2. Các loài cá, chim biển và các loại động vật biển khác có thể ăn nhầm các loại rác thải nhựa này, gây đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái toàn cầu.

Thực tế, rác thải dưới đại dương đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc tìm kiếm MH370. Rất nhiều lần, các đợt tìm kiếm đã được tổ chức tại các địa điểm được thông báo là có mảnh vụn "có thể" thuộc về MH370. Cuối cùng, những mảnh vụn này hóa ra lại là rác thải của con người.

Đến ngày thứ sáu vừa qua, quy mô của cuộc tìm kiếm đã được nâng lên thành 12 máy bay và 11 tàu thủy, với phạm vi tìm kiếm là 52.000 km2 ở khu vực cách Perth 2.000 km về phía tây bắc. Song, các nhà chức trách cho rằng cuộc tìm kiếm đang trở nên vô vọng. Ngày 17/4 vừa qua, thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết trong vòng 1 tuần tới, nếu không tìm thấy manh mối nào mới, Úc sẽ phải "ngừng tìm kiếm, tập hợp lại, và cân nhắc lại" khả năng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vô vọng này.

Chắc chắn, Bluefin-21 sẽ bị rối loạn vì lượng rác thải khổng lồ dưới đáy biển. Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Đại dương Monterey Bay (MBARI) phát hành vào tháng 6 năm ngoái đã phân tích 8.000 giờ quay video do các thiết bị lặn điều khiển từ xa (ROV) của đơn vị này thu lại, và phát hiện ra rằng lượng rác thải tác các vùng nước sâu nhất là "rất đáng ngạc nhiên".

Nghiên cứu của MBARI phát hiện ra rằng, 1/3 lượng rác bị tích trữ dưới đáy biển là nhựa (túi nilon, chai, thùng…), lượng rác thải kim loại có mặt dưới đáy biển cũng là rất đáng lo ngại. Đây không hẳn là một điều nằm ngoài dự đoán của nhiều người, bởi theo ước tính mỗi năm các tàu chở hàng có thể để mất tới 10.000 container. Trong không gian sâu thẳm dưới đáy Đại Tây Dương, mật độ rác thải dày đặc như vậy sẽ khiến cuộc kiếm tìm MH370 trở thành một nhiệm vụ bất khả thi.

Khi MH370 biến mất một cách bí ẩn, có người đã đặt ra giả thuyết rằng chiếc Boeing 777 xấu số của Malaysia Airlines đã… biến mất vào vũ trụ. Sau gần 1 tháng rưỡi tìm kiếm vô vọng, có người đã phải thốt lên rằng: "Giá như MH370 đã bay vào không gian!". Bởi, nếu như điều đó là sự thật, chắc chắn đến giờ này chúng ta đã biết chính xác chuyến bay xấu số này đang ở đâu!

Bài liên quan:

Tàu ngầm Bluefin-21 tìm MH370 dưới biển như thế nào?

Các phương tiện hi-tech dùng để tìm MH370

Vì sao cuộc tìm kiếm MH370 trở nên vô vọng?

Lê Hoàng

Theo Time

Chủ đề khác