VnReview
Hà Nội

Tiêm vắc-xin gây ra tự kỷ?

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Y khoa Anh The Lancet năm 1998 nói rằng vắc-xin là một yếu tố gây ra chứng tự kỷ. Tuy nhiên, cuối cùng nghiên cứu đó đã bị chứng minh là sai lệch và đã bị gỡ xuống. Mọi nghiên cứu đã khẳng định không hề có mối liên hệ nào giữa chứng tự kỷ và vắc-xin.

Năm 1998, một nghiên cứu đã cho rằng trẻ em có nguy cơ bị tự kỷ vì tiêm vắc-xin. Các bậc bố mẹ đã vô cùng kinh ngạc với thông tin trên, bởi vì họ được tuyên truyền trong nhiều năm qua rằng vắc xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tật. Thế mà phương pháp trên lại có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, dù chỉ là tự kỷ nhẹ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet sau đó đã bị rút xuống. Tác giả của nghiên cứu, Andrew Wakefield, đã bị chứng minh là làm sai lệch dữ liệu. Cái gọi là "khoa học" của ông được chứng minh là gian lận, và có những xung đột về lợi ích. Hội đồng Y khoa Anh đã khai trừ Andrew Wakefield ra khỏi ngành y tế, không cho phép ông hành nghề y tại Anh nữa.

Tuy nhiên, thiệt hại mà nghiên cứu trên gây ra vẫn còn đó, nó tạo ra những nhận thức xã hội sai lệch, và thông tin vắc-xin gây bệnh tự kỷ vẫn là một mối lo cho nhiều phụ huynh. Trong một khảo sát được công bố năm 2011 tại Mỹ, có 30% - 36% phụ huynh lo ngại con cái của họ đã tiêm quá nhiều loại vắc-xin trong vòng 2 năm đầu đời, những vắc-xin đó có thể gây ra các khuyết tật như bệnh tự kỷ. 10% phụ huynh nói rằng họ sẽ trì hoãn hoặc từ chối tiêm chủng, và tin rằng làm như thế sẽ an toàn hơn là làm theo lịch tiêm chủng.

Trong thực tế, vô số nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy hoàn toàn không hề có mối liên kết nào giữa chứng tự kỷ và vắc-xin, và có thể khẳng định: vắc-xin không gây ra tự kỷ.

Tự kỷ được định nghĩa chung là một chứng "rối loạn phát triển". Những người bị chẩn đoán tự kỷ có thể có một loạt các vấn đề về nhận thức và hành vi bất thường. Họ có thể có các khả năng xã hội, hành vi và trí tuệ khác nhau.

Tiến sỹ thần kinh học nổi tiếng Henry Markram (người gốc Israel) cũng nhận ra những cách nhìn và hiểu của các nhà khoa học, nhà tâm lý học về tự kỷ không giống như những gì ông thấy ở cậu con trai bị tự kỷ của mình và các trường hợp mà ông đã nghiên cứu. Là một trong những nhà thần kinh học hàng đầu thế giới, kể từ đó Tiến sỹ Markram đã nghiên cứu rất sâu về bộ não. Tham gia cùng ông trong nỗ lực này là Tiến sĩ Kamila Markram, người vợ của ông.

Sau một bước nghiên cứu đột phá quan sát các tế bào siêu kết nối ở các đối tượng, họ lưu ý rằng các tế bào của các đối tượng nghiên cứu không hề bị lỗi, cũng không phải là không đáp ứng, mà thực tế là có nhiều kết nối hơn bình thường, khiến cho "mạng lưới thần kinh" có thể học nhanh hơn, song nếu không được kiểm soát một cách chính xác, đặc biệt ở giai đoạn đầu, có thể gây ra những kết quả tiêu cực. Ví dụ, trong thử nghiệm, các con chuột bị chứng bất thường này không chỉ nhận biết rất nhanh mà ngay lập tức sợ hãi về một cái gì đó có thể khiến chúng rất sốc, chúng còn nhanh chóng trở nên sợ hãi không chỉ với những vật điện thí nghiệm, mà còn với mọi thứ khiến chúng liên tưởng đến cơn sốc, như màu sắc và mùi vị. Những con chuột cũng gặp khó khăn hơn khi xoá bỏ những liên kết mạnh mẽ này.

Việc tưởng tượng một thế giới mà các trải nghiệm tác động vào bộ não tự kỷ theo cách này đã dẫn đến lý thuyết tự kỷ "Intense World" (Thế giới mãnh liệt) của Markram. Có lẽ điều đó cũng giải thích lý do tại sao phải mất rất lâu trẻ sơ sinh mới biểu hiện các triệu chứng mạnh mẽ của chứng tự kỷ trong nhiều trường hợp.

Trở lại với vắc-xin, nếu nghiên cứu của Markram chính xác, vắc-xin sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến chứng tự kỷ. Sự siêu kết nối (Hyperconnectivity) là một quá trình phát triển trước khi sinh.

Nhưng còn về những lý thuyết, quan điểm đã được chấp nhận rộng rãi thì sao? Sau tất cả thì nghiên cứu của Markram vẫn cần hiệu đính kỹ lưỡng trước khi công nhận, dù nó có vẻ đầy hứa hẹn.

Đối với các lý thuyết đã được chấp nhận rộng rãi, người ta có thể nghĩ rằng một căn bệnh không phải do một nguyên nhân duy nhất nào, mà là do một nhóm các điều kiện với những triệu chứng liên quan. Di truyền học và điều kiện môi trường sống đều có vai trò trong việc gây ra bệnh tật.

Đối với chứng tự kỷ, chúng ta đã biết di truyền có vai trò trong đó. Nghiên cứu đã chỉ ra những trẻ có anh chị em chẩn đoán bị tự kỷ sẽ có 15% -20% rủi ro mắc tự kỷ, so với những người có nguy cơ thấp chỉ 1%. Một số dị dạng nhiễm sắc thể, như hội chứng Fragile X, xơ cứng củ, hội chứng Joubert, và nhân đôi của các nhiễm sắc thể 15q11-13, có thể dẫn đến chứng tự kỷ.

Vắc-xin có rất nhiều loại. Một số vi khuẩn sống gây ra phản ứng miễn dịch, một số vắc-xin chứa vi khuẩn không hoạt động gây ra phản ứng miễn dịch. Một số chỉ có các kháng nguyên gây ra phản ứng miễn dịch và không phải toàn bộ vi khuẩn. Loại vắc-xin bị cho là nguyên nhân tiềm tàng gây bệnh tự kỷ là MMR (vắc-xin sởi, quai bị, rubella).

Trong nghiên cứu đăng trên số tháng 2/1998 của tạp chí Lancet, ông Wakefield đã giải thích các vấn đề tiêu hóa và hồi quy phát triển (liên quan đến bệnh tự kỷ) có liên quan đến yếu tố môi trường. Về cơ bản, Wakefield muốn nói đến sự kích hoạt của vắc-xin MMR.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý ở đây là ông Wakefield, người đã sử dụng các vấn đề tiêu hóa như một liên kết trong nghiên cứu của mình, là một chuyên gia tư vấn cho các luật sư đại diện cho những vị cha mẹ nghĩ rằng con mình bị tổn thương bởi vắc-xin và ông Wakefield được các luật sư này trả tiền hẳn hoi.

Vấn đề nảy sinh khi mọi người nhìn vào các phương pháp nghiên cứu giả mạo của ông Wakefield, và nhân rộng kết quả của ông. Bỏ qua chuyện dữ liệu nghiên cứu bị làm sai lệch, thì rất nhiều nghiên cứu được thực hiện từ năm 2002 đến 2005 đều cho thấy không có mối liên hệ nào giữa bệnh tự kỷ và vắc-xin MMR.

Tháng 4/2013, một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Nhi khoa (The Journal of Pediatrics) một lần nữa cho thấy không có mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với vắc-xin và bệnh tự kỷ. Như những nghiên cứu trước, nghiên cứu này cho thấy dù trẻ đã tiêm bao nhiêu vắc-xin trong cùng một lúc hay trong một khoảng thời gian, đều không phát sinh bất cứ rủi ro nào liên quan đến sự phát triển của trẻ.

Do các điều kiện có khả năng ảnh hưởng đến triệu chứng tự kỷ rất nhiều, nghiên cứu này, cũng như nhiều nghiên cứu khác, đã chỉ ra rằng những ảnh hưởng tiềm tàng của sự tiếp xúc miễn dịch ở trẻ sơ sinh có thể loại trừ hoàn toàn. Tuy nhiên, như đã nói, sự thiếu hiểu biết chính xác về những gì đang xảy ra với bệnh tự kỷ là động lực chính gây ra những nghi ngờ vụn vặt.

Các nhà khoa học cũng chỉ rõ: "Chúng tôi không tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với kháng nguyên từ vắc-xin trong giai đoạn sơ sinh và sự phát triển của chứng tự kỷ". Hơn nữa, "Khả năng kích thích miễn dịch từ vắc-xin trong 1-2 năm đầu đời có thể liên quan đến sự phát triển của tự kỷ không hề được các nhà thần kinh học nổi tiếng nghiên cứu về tự kỷ công nhận. Chứng tự kỷ có xu hướng được xác định do di truyền, có nguồn gốc phát triển từ trước khi sinh".

Dựa trên nghiên cứu của ông Wakefield vào năm 1998, các bậc cha mẹ đã đúng khi quan tâm về vấn đề vắc-xin gây ra bệnh tự kỷ. Song cuối cùng, khoa học chân chính đã chiếm ưu thế và đã cho chúng ta thấy hoàn toàn không có liên kết nào giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ. Trẻ sơ sinh được tiêm phòng và những trẻ không được tiêm phòng đều có tỷ lệ rủi ro mắc tự kỷ như nhau.

Vì thế, cho con trẻ tiêm vắc-xin hay không là quyết định của bạn, song ít nhất bây giờ bạn đã biết tự kỷ không phải là vấn đề bạn nên xem xét khi đưa ra quyết định này.

Bài liên quan:

Bill Gates phản đối tin vắc xin có thể gây tự kỷ

Hoàng Lan

Theo Today I found out

Chủ đề khác