VnReview
Hà Nội

Tổng thống Mỹ trình Quốc hội thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam

Quốc hội Mỹ ngày hôm qua (8/5) bắt đầu tiến hành xem xét Thỏa thuận Hạt nhân Dân sự Việt Nam - Hoa Kỳ do Tổng thống Obama đệ trình. Quá trình xem xét thỏa thuận này sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng. Nếu được Quốc hội Mỹ chấp thuận, thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.

Nội dung thỏa thuận cho phép Hoa Kỳ chuyển giao các lò phản ứng hạt nhân và bí quyết công nghệ cho Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á này đang có tham vọng xây dựng một mạng lưới điện hạt nhân từ con số không nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao và tái thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

Thỏa thuận nói trên sẽ có hiệu lực sau khi được xem xét tại Quốc hội trong vòng 90 ngày. Những người ủng hộ thỏa thuận nói rằng, nó sẽ đem lại cho Hoa Kỳ hãng tỷ USD, nhưng cũng có những ý kiến quan ngại về vấn đề nhân quyền. Một vài thượng nghị sỹ muốn Quốc hội phê chuẩn một đạo luật về nhân quyền đính kèm với thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam.

Viện Năng lượng Hạt nhân - cơ quan đại diện cho ngành công nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, không nên gắn vấn đề nhân quyền với thỏa thuận thương mại, bởi vì thỏa thuận sẽ đem lại cho nước Mỹ từ 10 - 20 tỷ USD và tạo ra hơn 50.000 việc làm. "Nếu Quốc hội không phê chuẩn Thỏa thuận này, Nga và Nhật sẵn sàng nhảy vào lấp chỗ trống".

Tuy nhiên, vẫn có một số nhà lập pháp Hoa Kỳ quan ngại rằng thỏa thuận nói trên không đáp ứng được "Tiêu chuẩn vàng" giống như thỏa thuận mà Hoa Kỳ đã ký kết với Ả rập Thống nhất và Đài Loan. Những thỏa thuận đó không cho phép làm giàu cũng như tái chế uranium để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Trong một bức thư gửi kèm thỏa thuận, Tổng thống Obama nói với Quốc hội rằng Việt Nam đã đưa ra một "cam kết chính trị" là sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu hạt nhân từ thị trường quốc tế chứ không tìm cách tự sản xuất.

Thượng nghị sỹ Robert Menendez thuộc Đảng Dân chủ, người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện lại quan ngại về thời hạn của thỏa thuận. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong 30 năm và sau đó sẽ được gia hạn tiếp 5 năm một lần. Thời hạn như vậy sẽ khiến cho việc giám sát của Quốc hội bị sao nhãng. Nhưng cũng trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama cho biết, ông sẽ đưa ra một "khuyến cáo mạnh mẽ" cho Chính quyền kế nhiệm để tham vấn Quốc hội về thỏa thuận nói trên.

Đăng Khoa

Theo Global Post

Chủ đề khác