VnReview
Hà Nội

Làm rõ thông tin tiêm 10 triệu liều vắc-xin sởi chữa khỏi ung thư máu?

Sau khi VnReview đăng bài "Chữa khỏi ung thư máu bằng... 10 triệu liều vắc-xin sởi" dịch từ Gizmodo, nhiều bạn đọc đã thắc mắc về con số 10 triệu liều vắc xin sởi, làm sao có thể tiêm một lúc 10 triệu liều vắc xin...?

Để giải đáp các thắc mắc này, VnReview đã tìm hiểu thực hư về con số "10 triệu liều vắc xin sởi" cũng như thông tin cụ thể về trường hợp hy hữu chữa khỏi được bệnh ung thư máu bằng vắc xin sởi liều cao, quá trình đưa vắc xin liều cao như vậy vào cơ thể như thế nào...?

Tiêm 10 triệu liều vắc-xin sởi vào cơ thể như thế nào?

Bệnh nhân Stacy Erholtz, người đã được chữa khỏi ung thư máu nhờ... 10 triệu liều vắc-xin sởi.

Qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện truyền thông Mỹ thì đây là một nghi ên cứu bước ngoặt của ngành y tế.;

Theo thời báo Washington Post, nữ bệnh nhân này có tên là Stacy Erholtz. Suốt nhiều năm trời, người mẹ 50 tuổi đến từ Pequot Lakes, thuộc tiểu bang Minnesota (Mỹ) này đã phải chiến đấu kiên cường với bệnh u tủy và ung thư máu vốn ảnh hưởng nặng nề tới tủy sống. Bà không còn nhiều sự lựa chọn trong việc điều trị căn bệnh tai quái này…

Trước đó, bà đã trải qua phương pháp điều trị hóa trị và cấy ghép tế bào gốc, nhưng không có biến chuyển khả quan. Sau đó, khi scan người ta phát hiện ra các khối u đang phát triển tràn lan trên khắp cơ thể bà. Một trong số khối u đó nằm ngay trên trán, phá hủy cấu trúc xương trong hộp sọ và ăn cả vào não của bà. Lúc này, các tế bào ung thư đã thâm nhập sâu vào xương tủy của Erholtz…

Cùng đường, bà Erholtz quyết định tham gia vào cuộc thử nghiệm lâm sàng dành cho hai bệnh nhân (bà và một người nữa). Các bác sỹ tại Mayo Clinic (Mỹ) đã đưa vào cơ thể Erholtz một lượng vắc-xin lên tới 100 tỷ đơn vị virus sởi  - đủ để tiêm phòng sởi cho 10 triệu người, và phép màu đã xảy ra... Bệnh nhân đã khỏi bệnh hoàn toàn sau gần một tháng điều trị!

Tiêm 10 triệu liều vắc-xin sởi vào cơ thể như thế nào?

Erholtz đang được chuẩn bị "truyền" virus sởi vào người

Trả lời trên tạp chí StarTribune, Stephen Russell - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, ông và nhóm của mình đã thiết kế lại các virus (sởi) để nó phù hợp hơn cho điều trị ung thư, và chỉ sau một liều cỡ lớn (bằng 10 triệu liều thông thường), ung thư của Erholtz đã thuyên giảm và sau đó là khỏi bệnh hoàn toàn.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mới thành công với một trong số hai bệnh nhân ở đợt thử nghiệm này. Russell tỏ ra hối tiếc, "Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi cung cấp liều lượng lớn hơn (mức 100 tỷ virus) cho bệnh nhân thứ hai, chúng ta có thể đã có một kết quả khả quan hơn cho bệnh nhân này".

Người thử nghiệm còn lại đã không may mắn như Erholtz, khác với Erholtz vốn có các khối u nằm trong xương tủy, người thử nghiệm còn lại có các khối u chủ yếu nằm ở bắp chân, do vậy các nhà nghiên cứu còn cần phải tìm hiểu xem bản chất khối u ảnh hưởng thế nào tới quá trình tương tác với virus. Hơn nữa, phương pháp này mới chỉ có thể áp dụng cho những người chưa từng tiêm vắc-xin phòng sởi.

Vắc-xin là gì? Đưa 10 triệu liều vắc-xin sởi vào cơ thể như thế nào?

Theo Wikipedia, vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một (số) tác nhân gây bệnh cụ thể. Thuật ngữ vắc-xin xuất phát từ vaccinia, loại virus gây bệnh đậu bò nhưng khi đem chủng cho người lại giúp ngừa được bệnh đậu mùa (tiếng Latinh vacca nghĩa là "con bò cái"). 

Hầu hết mọi người hiện nay đều đã được tiêm vắc-xin, khiến cho hệ thống miễn dịch được "diễn tập" và tạo ra khả năng miễn nhiễm, chống lại các virus bệnh. Trong khi các bệnh nhân bị đa u tủy hoặc ung thư, hệ thống miễn dịch đã trở nên suy yếu và dễ dàng bị các virus tấn công.

Mỗi lần tiêm một mũi vắc xin sởi thường được hiểu là một liều vắc xin sởi. Như Washington Post đã đề cập ở trên, việc bà Erholtz "hấp thụ" 10 triệu liều vắc xin sởi không có nghĩa các nhà nghiên cứu đã tiêm vào cơ thể bà 10 triệu lần (mỗi lần tiêm là một liều vắc xin).

Tiêm 10 triệu liều vắc-xin sởi vào cơ thể như thế nào?

Thực chất, đó là một quá trình đưa liều lượng tương đương 10 triệu liều vắc-xin sởi vào cơ thể bệnh nhân, kéo dài gần một giờ đồng hồ (chính xác là 55 phút). Sau đó, bà Erholtz bắt đầu cảm thấy bị nhức đầu khủng khiếp. Hai giờ sau, bà có các triệu chứng run rẩy và nôn mửa. Thân nhiệt tăng lên 105 độ F (khoảng 40,5 độ C), trưởng nhóm nghiên cứu Russell cho biết.

"36 giờ sau khi truyền vắc-xin, bà ấy nói với tôi rằng khối u đã bắt đầu co lại", ông Russell cho biết. Sau một vài tuần, khối u trên trán cô biến mất hoàn toàn và theo thời gian, các khối u khác trên cơ thể cô cũng dần biến mất…

Làm thế nào để hệ thống miễn dịch không chặn đứng các virus sởi trước khi nó tiếp cận và tiêu diệt các tế bào ung thư? Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu đã đưa các virus sởi này vượt hệ thống miễn dịch bằng cách "dùng một tế bào của người bệnh và chuyển đối nó thành những "Trojan nội gián". Virus được nạp vào các tế bào và lây nhiễm thông qua mạch máu. Bằng cách này, nó sẽ không bị tiêu diệt trước khi tiếp cận tới mục tiêu (các tế bào ung thư) của nó", Russell mô tả.

Tiêm 10 triệu liều vắc-xin sởi vào cơ thể như thế nào?

Vắc-xin sởi

Russell cho biết, một liều vắc-xin thông thường chứa khoảng 10.000 đơn vị virus lây nhiễm đã được làm suy yếu để… làm quân xanh trong cuộc "tập trận" của hệ thống miễn dịch, tương đương với 10.000 con virus sởi trong một liều. Các bác sỹ tại Mayo đã bắt đầu truyền cho bệnh nhân với liều lượng một triệu virus sởi (đã được làm suy yếu) và tăng dần liều lượng theo chỉ định, tuy nhiên nó vẫn không hiệu quả cho đến khi Erholtz (và một bệnh nhân khác) được truyền tới 100 tỷ virus sởi, tương đương số virus có trong 10 triệu liều vắc-xin sởi thông thường.

Các bác sỹ ở Mayo Clinic đã không nói rõ phương thức tiêm/truyền lượng vắc-xin sởi khổng lồ này vào cơ thể Erholtz như thế nào, nhưng theo bác sỹ Đức Minh ở Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, có thể các bác sỹ ở Mayo Clinic không đưa vắc-xin vào bệnh nhân theo kiểu tiêm thông thường, mà có thể họ đã sử dụng công nghệ nano để dẫn thuốc tới các mô nhất định theo yêu cầu, đặc biệt mức giá của 10 triệu liều vắc-xin sởi này tương đương với 7 tỷ đồng và công nghệ nano kia hiện chưa phổ biến, gần như chỉ ở những nước phát triển mới thực hiện được.

Có thể nói, vẫn đang còn quá sớm để kết luận về việc chứa trị ung thư máu/u đa tủy nói riêng và ung thư nói chung, nhưng thông tin khả quan trên đã đem lại hy vọng về đột phá mới trong phòng chống ung thư của y học tiên tiến và có thể chúng ta sẽ sớm được chứng kiến những đột phá mới trong lĩnh vực này.

Bài liên quan:

Chữa khỏi ung thư máu bằng... 10 triệu liều vắc-xin sởi

Hữu Thắng

Chủ đề khác