VnReview
Hà Nội

31 ngày sống thử dưới đại dương

Chúng ta có thể sống một ngày dưới nước không? Với Fabien Cousteau thì điều này hoàn toàn có thể. Fabien là cháu trai của nhà thám hiểm đại dương nổi tiếng đã quá cố Jacques Yves Cousteau. Bắt đầu từ tháng 6 này, Fabien sẽ dành ra 31 ngày để sống trong;Aquarius (Thủy Cung) – một phòng thí nghiệm dưới biển duy nhất trên thế giới.

Fabien cùng các cộng sự dự tính sẽ có 31 ngày sống ở phòng thí nghiệm dưới biển

Phòng thí nghiệm nằm ở độ sâu 19 mét so với mực nước biển, gần Key Largo, California. Fabien và một nhóm nhỏ các nhà khoa học chấp nhận sống trong điều kiện chật chội của Thủy Cung để nghiên cứu sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đại dương như thế nào. Nhóm của Fabien gọi chiến dịch này là Nhiệm vụ 31 (Mission 31), đặt tên theo số ngày họ sống dưới nước.

Để có thể sinh hoạt dưới nước, Fabien sẽ nhận được sự hỗ trợ của 30 cộng sự, bao gồm các nhà làm phim và các nhà khoa học đến từ Đại học Quốc tế Florida. "24 người sẽ ở bên trên trợ giúp cho 6 người sống ở phía dưới, cũng giống như cách NASA điều hành Trạm Không gian Quốc tế", Fabien cho biết.

Với diện tích 120m2, phòng thí nghiệm này có kích thước tương đương một studio nhỏ. Người ngồi bên trong là Fabien Cousteau

50 năm trước đây, nhà thám hiểm Jacques Cousteau đã từng sống ở dưới nước 30 ngày trong một phòng thí nghiệm có tên là Conshelf II đặt ở Biển Đỏ. Với Nhiệm vụ 31, Fabien hy vọng sẽ tôn vinh di sản của ông nội mình bằng cách sống dưới đáy biển nhiều hơn ông 1 ngày.

Chiến dịch của Fabien cũng đánh dấu lần đầu tiên những người hâm mộ có thể theo dõi cuộc sống dưới nước của các nhà khoa học theo thời gian thực. Với mạng Internet được kết nối tới Thủy Cung, Fabien Cousteau có thể tương tác với hàng triệu người xem thông qua Skype, Instagram, Twitter và phòng học video trực tuyến tại địa chỉ mission-31.com.

Các nhà nghiên cứu của dự án Nhiệm vụ 31. Ngồi thứ ba từ trái sang là Fabien Cousteau

Chúng tôi đã có cơ hội hiếm có xuống tận Thủy Cung để thăm Cousteau và xem phòng thí nghiệm đã từng được NASA sử dụng để huấn luyện phi hành gia này có gì đặc biệt. Phòng thí nghiệm 81 tấn này nằm vững chắc dưới đáy biển, được bao phủ bởi tảo biển, hàu và các loại rong rêu. Có rất nhiều cá, cá đuối gai độc, cá cháo, cá mập y tá và hàng nghìn con cá mú bơi xung quanh.

Chúng tôi vào bên trong bể bơi Mặt Trăng (Moon) - tên gọi của một căn phòng nhỏ dẫn tới lối vào Thủy Cung. Đi từ ngoài vào trong, chúng tôi vẫn được thở thứ không khí bình thường, nhưng thân thể đã cảm nhận được áp lực nước. Vì thế, thời gian thăm quan của chúng tôi bị giới hạn.

Phòng thí nghiệm rộng 120 mét vuông, kích thước tương đương một studio nhỏ. Điều hòa không khí đang bị hỏng, vì thế ai cũng cảm nhận rõ được độ ẩm trong phòng.

"Các anh có thể cảm thấy lạ lẫm và ngột ngạt, nhưng tôi có cảm giác như ngồi ở nhà. Thật là thú vị. Tôi không thể tưởng tượng được có ngôi nhà nào tốt hơn ngôi nhà ở dưới nước này", Fabien nói.

Thủy Cung nhìn từ bên ngoài, các thiết bị bên trong được điều khiển bởi các các nhà khoa học Đại học Quốc tế Florida. Đây là phòng thí nghiệm dưới biển duy nhất trên thế giới.

Nhìn xung quanh, chúng tôi thấy rất nhiều gói thức ăn khô và snack khoai tây. Các nhà thám hiểm sẽ phải ăn đồ khô vì họ không thể nấu nướng. Để làm nóng một cái chảo cũng có thể tạo ra tia lửa điện, quá nguy hiểm với môi trường ôxy dễ cháy xung quanh.

Mặc dù thức ăn rất đơn giản nhưng công nghệ ở đây thì rất tiên tiến. Phòng thí nghiệm được trang bị Wi-Fi, cho phép Fabien kết nối với thế giới bên ngoài. Trên bàn đặt vài chiếc máy quay chất lượng hình ảnh 4K và hàng chục máy ảnh GoPro cũng như máy tính. Trong phòng cũng có một tủ lạnh và giường tầng gồm sáu giường. Một vài tấm ảnh gia đình được treo xung quanh.

Trong thời gian dưới đáy biển, Cousteau và cộng sự sẽ nghiên cứu tác động của ô nhiễm môi trường tới đại dương. Trong ảnh là hai nhà nghiên cứu đang chuẩn bị các đồ thí nghiệm bên ngoài Thủy Cung

Khi con người ở lâu dưới nước cơ thể sẽ gặp nhiều tác động xấu. Ví dụ sau 10 ngày bạn sẽ mất dần vị giác, tóc mọc nhanh hơn và giọng nói trở nên "thánh thót" do tác động của áp suất khí quyển. Bạn thậm chí còn không thể thổi sáo. Sau khi lặn từ 6 đến 8 tiếng dưới nước, bạn có thể chìm vào giấc ngủ mê mệt như một đứa trẻ. Tuy nhiên điều này lại khá hữu ích khi các nhà khoa học có thể nghiên cứu giấc ngủ dài nhất dưới nước của nhóm Fabien Cousteau. Giấc ngủ của họ sẽ được theo dõi thường xuyên bằng đồng hồ thông minh.

Mặc dù những nghiên cứu như thế này là cần thiết, nhưng vẫn có một câu hỏi cần giải đáp là: mục đích cuối cùng của Nhiệm vụ 31 là gì?

Cousteau nói rằng đó không hẳn chỉ là việc phá vỡ kỷ lục. "Đại dương là một nơi rất thú vị, là biên giới cuối cùng của chúng tôi. Con người mới chỉ thám hiểm được dưới 5% đại dương. Vì thế, còn rất nhiều việc để chúng ta có thể làm ở đó".

(Các nhà khoa học của Đại học Quốc tế Florida đang chuẩn bị quần áo khô
và máy quay phim gửi xuống dưới Thủy Cung

Đăng Khoa

Theo CNN

Chủ đề khác