VnReview
Hà Nội

Độc – hại không ngờ từ nồi xoong

Đồ gia dụng nồi xoong tưởng chừng như vô hại, nhưng chọn mua, sử dụng không đúng cách sẽ có thể nhiễm độc hoặc không an toàn.

1. Nồi nhôm có thể gây nhiễm độc nặng

Bạn nên hạn chế lưu trữ thức ăn trong nồi nhôm kém chất lượng, vì chúng rất độc hại, hóa chất, tạp chất bẩn sẽ hòa tan vào thức ăn. Sau một thời gian phơi nhiễm, lượng nhôm tích tụ trong các mô cơ thể có thể gây nhiễm độc nặng như suy thoái não, hay dị hình xương.

Ngoài ra, bạn không nên để các đồ ăn mặn trong nồi nhôm vì nhôm có thể bị muối ăn mòn và gây hại cho sức khỏe. Khi cọ rửa, bạn cần nhẹ tay vì nồi nhôm dễ bị móp và không nên dùng nước rửa chứa nhiều chất tẩy rửa vì có thể làm thủng nồi.

2. Nồi đất dễ bị nấm mốc

Nếu không sử dụng nồi trong thời gian quá dài, nấm mốc có thể hình thành, rất nguy hiểm cho hệ tiêu hóa.

Để khắc phục, bạn bảo quản nồi ở nơi khô ráo, lau nồi khô trước khi cất giữ. Ngoài ra, bạn có thể dùng bột baking soda hòa với nước, ngâm nồi khoảng 20 – 30 phút, rồi dùng bàn chải cọ sạch, để khô rồi lót khăn giấy hút ẩm vào trong nồi.

3. Nồi áp suất - bom nổ chậm trong bếp

Sản phẩm tiện ích này có thể trở thành một quả bom nổ chậm, phát nổ ngay trong nhà nếu bạn vận hành không đúng cách hoặc mua phải nồi kém chất lượng. Khi sử dụng nồi áp suất cần đặc biệt lưu ý van giảm áp. Kiểm tra van giảm áp bằng cách nhấn lên nhấp xuống, nếu thấy không đảm bảo thì phải thay mới.

Để đảm bảo an toàn, bạn xả hết lượng hơi trong nồi rồi mới được mở vung, tránh hiện tượng áp suất lớn gây nổ. Khi nấu, chú ý lượng thực phẩm chiếm khoảng 2/3 dung tích nồi, không quá tải hoặc tràn nước.

4. Nồi tráng men chống dính

Các loại nồi này thường được tráng thêm lớp chống dính tiện lợi. Chất chống dính kém chất lượng chứa nhiều teflon thường có nguồn gốc từ polyme khi đốt nóng lên từ 300 độ C - 500 độ C thì hợp chất chống dính bong ra và tạo lớp khói có chứa chất độc gây tức ngực, khó thở, ung thư.

Vì thế bạn không nên dùng nồi ở nhiệt quá cao mà không có lớp dầu mỡ phía trên. Đồng thời, nếu thấy lòng chảo chống dính tráng men đã có nhiều vết xước, bị bong tróc… nên ngưng sử dụng để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

5. Nồi inox kém chất lượng

Một số sản phẩm inox được sản xuất từ các phế liệu, thành phần không đúng mác quy định rất dễ gỉ sét, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng. Khi chọn mua đồ inox, nên chọn loại có ký hiệu 304 (thích hợp trong môi trường dùng để nấu thức ăn).

Nồi inox có thể bị sét rỉ qua lây nhiễm với các loại kim loại khác (dao sắt) hoặc từ nước rửa có quá nhiều chất sắt. Trong quá trình đun nấu, xoong nồi inox bị cháy cũng không nên dùng giẻ sắt chà, cạo, bào mòn các lớp tráng hoặc gỉ sắt bề mặt.

6. Nồi gang

Nồi gang là vật dụng hữu ích nhưng nó vẫn có một vài nhược điểm. như dễ gặp phản ứng hóa học, có thể ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và sức khỏe của bạn do lượng kim loại thừa trong khẩu phần ăn hàng ngày. Vì thế bạn nên cân nhắc chọn mua nồi có chất lượng, không dùng các vật sắc, cứng để chà, cọ vào nồi, làm bụi kim loại thôi ra thực phẩm.

Theo Kiến Thức

Chủ đề khác