VnReview
Hà Nội

Giải mã 10 hành vi "biết xấu mà vẫn làm"

Đó là nói dối, tám chuyện hay thích đánh nhau, ăn cắp…. Mặc dù biết rõ đó là những hành vi xấu xa và nguy hiểm, nhưng con người vẫn làm và thích làm. Vì sao thế?

Dưới đây là 10 hành vi con người thường "biết xấu mà vẫn làm" được diễn giải dưới góc nhìn của trang Livescience do VnReview chuyển ngữ và gửi tới bạn đọc:

Nói dối

Không ai biết chắc chắn vì sao con người lại nói dối nhiều như thế, nhưng nghiên cứu phát hiện ra nói dối là hành vi thường xuyên xảy ra với con người và nó thường gắn liền với các yếu tố tâm lý.

"Nó gắn liền với lòng tự trọng", nhà tâm lý học Robert Feldman của trường Đại học Massachusetts nói. "Chúng tôi thấy rằng khi mọi người cảm thấy rằng lòng tự trọng của họ bị đe dọa, ngay lập tức họ bắt đầu nói dối".

Feldman đã tiến hành nhiều nghiên cứu cho thấy mọi người thường xuyên nói dối, có 60% người nói dối ít nhất một lần trong cuộc trò chuyện 10 phút.

Nói dối không hề dễ dàng gì. Một nghiên cứu đã kết luận rằng người nói dối mất hơn 30% thời gian suy nghĩ so với việc nói thật. Ngoài ra, nghiên cứu gần đây cũng thấy rằng mọi người nói dối khi giao tiếp bằng email nhiều hơn khi giao tiếp bằng văn bản giấy tờ.

Bạo lực

Bạo lực luôn luôn xuất hiện trong suốt lịch sử loài người, khiến một số nhà nghiên cứu kết luận rằng con người khát khao bạo lực, rằng bạo lực có sẵn trong gene của chúng ta và ảnh hưởng đến các trung tâm não của chúng ta. Tuy nhiên, trở lại hàng triệu năm trước đây, bằng chứng cho thấy tổ tiên loài người yêu hòa bình hơn con người hiện đại, mặc dù vẫn có những dấu hiệu về tục ăn thịt người của những con người tiền sử xa xưa nhất.

Một nghiên cứu thực hiện năm 2008 cho thấy, con người dường như ngày càng thích bạo lực như thể thích sex, thức ăn hay thuốc phiện.

"Hành vi xâm lược xảy ra ở hầu hết các loài vật có xương sống và là hành vi cần thiết để có và giữ nguồn tài nguyên quan trọng như bạn tình, lãnh thổ, thực phẩm", giáo sư Craig Kennedy của trường Đại học Vanderbilt ở Tennessee, Mỹ, nói. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng bạo lực ở con ngời là một xu hướng tiến hóa cần thiết để sống còn.

"Hành vi bạo lực đã tiến hóa ở nhiều loài, nó làm gia tăng sự sống còn hoặc tái sinh sản cho cá nhân. Hành vi này cũng phụ thuộc vào các điều kiện môi trường, xã hội và lịch sử của một loài. Con người được xếp vào nhóm những loài bạo lực nhất", nhà sinh vật học David Carrier của trường Đại học Utah nói.

Ăn cắp

Trộm cắp có thể do nhu cầu. Nhưng với những người táy máy, cảm giác hồi hộp, lo sợ cũng khiến họ thích trộm cắp. Một nghiên cứu về 43.000 người đã phát hiện ra 11% số đó thừa nhận họ từng ăn cắp ít nhất một lần.

"Những người này ăn cắp dù họ không cần phải ăn cắp vẫn có thể mua được đồ vật đó", Jon E. Grant của Đại học Minnesota School of Medicine cho biết.

Trong một nghiên cứu năm 2009, những người tham gia đã uống một loại thuốc naltrexone có tác dụng ngăn chặn hành vi nghiện như nghiện rượu, thuốc phiên và đánh bạc. Naltrexone đã giúp giảm sự thôi thúc ăn cắp hoặc hành vi ăn cắp. Ăn cắp có thể có trong gene của chúng ta. Sau tất cả, ngay cả loài khỉ cũng có tật "táy máy".

Lừa dối

Trong khi hầu hết mọi người đều nói trung thực là một đức tính tốt, nhưng có gần 1/5 người Mỹ nghĩ rằng gian lận về thuế là điều chấp nhận được về mặt đạo đức hoặc đó không thuộc phạm trù đạo đức. Khoảng 10% nói rằng họ vừa thích vừa ghét việc lừa dối vợ/chồng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tán thành các các tiêu chuẩn đạo đức cao lại là những người gian dối nhất. Trong một số trường hợp, họ xem xét gian lận là một "hành vi đạo đức hợp lý".

Việc các chính trị gia hay người nổi tiếng được cho là có đạo đức lừa dối vợ hoặc chồng đã trở nên phổ biến. Cách giải thích cho hành vi này rất đơn giản. Theo các chuyên gia, đó là vì đàn ông thường muốn sex hơn các cô gái và vì thế họ nói dối nhiều hơn. Hành vi lừa dối này có thể đặc biệt phổ biến ở những nam giới có quyền lực.

"Mọi người không nhất thiết phải làm theo những gì họ được giáo huấn", Lawrence Josephs, một nhà tâm lý học của trường Đại học Adelphi ở New York, nói. "Vẫn chưa rõ các giá trị đạo đức của con người thực sự tác động đến những gì họ làm và không làm như thế nào".

Thói quen xấu

Nghiên cứu phát hiện ra ngay cả khi biết rằng một thói quen xấu nào đó rất nguy hiểm, con người vẫn rất khó từ bỏ thói quen xấu đó.

"Không phải vì mọi người không biết thông tin về việc những thói quen xấu này là những mối nguy hiểm lớn", Cindy Jardine của trường Đại học Alberta nói. "Chúng ta thường có xu hướng sống cho hiện tại mà ít nghĩ đến tương lai".

Jardine chuyên nghiên cứu về việc tại sao con người lại gắn kết với các thói quen xấu, đã liệt kê ra những lý do như:

- Vì bẩm sinh.

- Vì nhu cầu muốn được xã hội chấp nhận.

- Vì không thực sự; hiểu bản chất mối nguy hiểm.

- Vì áp đặt quan điểm cá nhân về thế giới và khả năng hợp lý hóa các thói quen xấu.

- Tình trạng bẩm sinh nghiện các thói quen xấu.

Mọi người thường nhiễm các thói quen xấu vì vin vào các trường hợp ngoại lệ kiểu như "thói quen đó chẳng làm hại gì tôi cả", hay "bà ngoại tôi hút thuốc rất nhiều và vẫn sống đến 90 tuổi".

Bắt nạt

Các nghiên cứu chỉ ra rằng có đến một nửa hoặc nhiều hơn số trẻ em ở độ tuổi đến trường phải trải qua những lần bị bắt nạt. Nghiên cứu tại châu Âu trong năm 2009 cho thấy, những trẻ em bắt nạt bạn bè ở trường cũng thường bắt nạt anh chị em ở nhà. Điều đó khiến một nhà nghiên cứu suy đoán rằng hành vi bắt nạt thường xuất phát từ ở nhà.

Nhưng bắt nạt không chỉ là trò chơi của con trẻ. Một nghiên cứu đã phát hiện ra khoảng 30% nhân viên văn phòng Mỹ bị đồng nghiệp hoặc sếp bắt nạt, từ việc giấu thông tin quan trọng trong công việc, đến những tin đồn thất thiệt và những hành vi làm xấu mặt, bẽ mặt khác. Một khi đã xuất hiện thì hành vi bắt nạt sẽ ngày càng tệ hơn.

Vì sao mọi người lại bắt nạt người khác? Theo các nhà tâm lý học, là để tạo quyền uy và vị thế. Và với một số người, họ khó mà không bắt nạt ai.

Phẫu thuật thẩm mỹ

Đến năm 2015, 17% dân Mỹ sẽ đi phẫu thuật mỹ phẩm. Đã có nhiều trường hợp tử vong vì phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng vì sao vẫn có nhiều người thích giải pháp làm đẹp nhân tạo này?

Đầu tiên, cần lưu ý rằng các hành vi phẫu thuật thẩm mỹ thực chất đã có từ ngày xưa, thường gắn với phong tục, tín ngưỡng tôn giáo và địa vị, quyền lực. Chẳng hạn, mọi người thường nắn lại đầu, kéo dài cổ, kéo dài tay và môi, sơn lên cơ thể hoặc đục, xâu các món đồ thời trang lên người từ hàng ngàn năm nay.

Có lẽ động cơ lớn nhất của phẫu thuật thẩm mỹ là để làm đẹp. Nghiên cứu cho thấy chúng ta thường mua hàng nhiều hơn khi người bán hàng xinh đẹp, hoặc những người xinh đẹp cũng thu hút sự chú ý của chúng ta hơn những người khác và những người xinh đẹp dễ được tuyển dụng và thăng tiến hơn.

"Người ta nghĩ rằng nếu bạn đẹp bạn sẽ hạnh phúc hơn, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với bản thân", nhà tâm lý học Diana Zuckerman, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Phụ nữ và Gia đình của Mỹ, nói.

Căng thẳng

Căng thẳng có thể dẫn đến tử vong, tăng nguy cơ bệnh tim và thậm chí cả ung thư. Căng thẳng dẫn đến trầm cảm, có thể tự sát. Nhưng lý do chính xác tại sao chúng ta căng thẳng lại rất khó xác định. Tuy nhiên, cuộc sống làm việc hiện đại là một nguồn cơn gây căng thẳng cho nhiều người.

Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng tập thể dục và ngủ đủ giấc là hai cách tốt nhất để chống chọi với sự căng thẳng.

Đánh bạc

Đánh bạc dường như cũng có trong gene của chúng ta và ăn vào trí não chúng ta, điều đó giải thích tại sao một hành vi có khả năng gây tác hại như vậy lại có nhiều người mắc phải.

Thậm chí cả... khỉ cũng đánh bạc. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Neuron năm ngoái cho thấy, việc giành chiến thắng kích hoạt não bộ và khuyến khích chúng ta lao vào đánh bạc nhiều hơn. "Con bạc cảm thấy bị kích thích như tham dự một sự kiện đặc biệt", Luke Clark ở trường Đại học Cambridge cho biết. "Phát hiện của chúng tôi cho thấy não phản ứng mạnh mẽ nếu người chơi chiến thắng, và phản ứng mạnh ngay cả khi họ bị thua".

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy nếu người chơi bị thua, họ sẽ lại tiếp tục chơi bạc, họ thay đổi chiến thuật chơi và thậm chí còn đặt cược nhiều hơn.

Tám chuyện

Con người thường thích tạo thành nhóm và nói về người khác, dù điều đó có gây tổn thương chăng nữa. Theo nhà nghiên cứu linh trưởng học Robin Dunbar của trường Đại học Oxford, khỉ đầu chó chải đầu cho nhau để giữ mối giây liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhưng con người tiến hóa hơn, vì thế chúng ta dùng những câu chuyện ngồi lê đôi mách làm chất keo gắn kết xã hội.

Trong nhiều trường hợp, mục đích của các "bà tám" không phải là tính sự thật hay chính xác của sự thật, mà đó là mối giây liên lạc mà những câu chuyện này có thể tạo ra và gắn kết.

"Khi hai người chia sẻ ý kiến chê bai về một người khác, câu chuyện này khiến họ xích lại gần nhau hơn", Jennifer Bosson, Giáo sư tâm lý của trường Đại học South Florida, nói.

Hoàng Lan

Theo LiveScience

Chủ đề khác