VnReview
Hà Nội

Trung Quốc khoe máy bay tàng hình trước chỉ Mỹ chế tạo được

Lực lượng Không quân Trung Quốc sẽ ra mắt máy bay chiến đấu mới tại một triển lãm có các quan chức cấp cao Mỹ tham dự. Đây được xem là một hành động nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở khu vực châu Á.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, máy bay chiến đấu tàng hình J-31 sẽ chính thức ra mắt tại triển lãm hàng không Zhuhai Air Show khai mạc ngày hôm nay tại tỉnh Quảng Đông. Triển lãm diễn ra đồng thời với cuộc họp tại Bắc Kinh giữa các nhà lãnh đạo Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), trong đó có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Máy bay F-22 Raptor tại một cuộc triển lãm quốc tế;

Được chi nhánh tại Thẩm Dương của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) sản xuất, máy bay tàng hình J-31 như một bằng chứng về công nghệ quốc phòng tiên tiến của Trung Quốc. Theo bình luận của trang Bloomberg, việc sản xuất J-31 có thể tăng thêm sức ảnh hưởng hàng không trong khu vực của Trung Quốc, đồng thời tăng sức mạnh của Trung Quốc sau nhiều thập kỷ Mỹ thống trị cả về kinh tế lẫn quân sự.

"Có vẻ đây là chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và cho đến nay chỉ có Mỹ mới có thể sản xuất loại máy bay này", Richard Bitzinger, một chuyên gia cấp cao tại của Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nói. "Vì thế, đó là một dạng gây ấn tượng của Trung Quốc".

Các bức ảnh phi công đang vận hành J-31 đã xuất hiện trên nhiều blog quân sự của Trung Quốc những tuần gần đây. Ti ền thân của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này bắt đầu được đưa vào sử dụng vào năm 2005 - chiếc F-22 Raptor. Loại máy bay này có khả năng tránh được các cảm biến hồng ngoại và bay ở tốc độ siêu thanh. Một số thông tin cho biết J-31 lắp đặt các động cơ của Nga.

J-31 là  một trong hai máy bay chiến đấu thế hệ mới nổi tiếng của Trung Quốc, trong đó chiếc J-20 do chi nhánh AVIC ở Thành Đô của quân đội Trung Quốc (PLA) sản xuất. Ngoài J-31, Lực lượng không quân của PLA cũng sẽ trưng bày hai máy bay chiến đấu phản lực JH-7A và J-10, máy bay trực thăng Z-8KA và máy bay ném bom H-6M tại triển lãm.

Những hành động xây dựng thiết bị quân sự của Trung Quốc làm dấy lên nhiều câu hỏi. Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đã cử một tàu giám sát đến Hawaii. Lực lượng Hải quân của Trung Quốc lần đầu tiên cũng đã tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế do Mỹ tổ chức. Trong năm nay, Trung Quốc cũng đã tăng ngân sách quốc phòng lên 12,2%, lên mức 132 tỷ USD.

Một số báo chí Mỹ còn đưa tin ngay từ năm 2007, tổ chức mạng Trung Quốc đã liên tục xâm nhập vào mạng lưới các nhà thầu chính của Máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike Fighter – như Lockheed Martin (LMT), Northrop Grumman và BAE Systems – và lấy cắp một số kế hoạch thiết kế.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, lo sợ công nghệ bị đánh cắp chính là lý do khiến Hàn Quốc rút khỏi triển lãm.

Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ tham gia triển lãm hàng không ở Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tướng Lori Robinson sẽ đại diện cho Lực lượng Không quân Mỹ, cùng với 15 phi công và một chiếc máy bay vận tải quân sự Mỹ hạng lớn Boeing C-17 Globemaster III.

Triển lãm này diễn ra cùng lúc với việc Tổng thống Obama gặp gỡ các lãnh đạo, gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào ngày cuối cùng của Hội nghị APEC tại Bắc Kinh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có cuộc gặp chính thức đầu tiên vào hôm qua khi ông Abe lên nắm quyền vào tháng 12/2012, các quốc gia đang tìm cách củng cố quan hệ sau những mâu thuẫn về việc có một số máy bay giáp mặt nhau trên các đảo ở vùng Biển Đông.

Các máy bay đang bay tại triển lãm hàng không Chu Hải hồi năm 2012

Bloomberg cho rằng các hành động của Trung Quốc trái ngược với định hướng phát triển máy bay thương mại của Trung Quốc. Theo trang web của triển lãm Zhuhai Air Show, tập đoàn máy bay thương mại Commercial Aircraft Corp of China Ltd đã sắp xếp các cuộc họp báo vào ngày khai mạc triển lãm, để công bố các mối hợp tác.

Tân Hoa Xã viết rằng "khả năng thâm nhập vào thị trường quốc tế là điều rất quan trọng đối với ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc. Rất khó để duy trì sự phát triển của công nghệ quốc phòng nếu Trung Quốc không có được sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế và không thể khai thác các thị trường toàn cầu lớn".

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằn công nghệ quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa được thử thách trong chiến tranh, những gì diễn ra tại triển lãm không thể hiện được năng lực thực sự.

Hoàng Lan

Theo Bloomberg

Chủ đề khác