VnReview
Hà Nội

Vũ khí laser đầu tiên của Hải quân Mỹ có gì đặc biệt?

Hải quân Mỹ vừa triển khai đưa tàu chỉ huy hải quân đến vùng Vịnh Ba Tư. Đây là con tàu được trang bị vũ khí laser đầu tiên của Mỹ, có khả năng hủy diệt các mục tiêu.

Theo các quan chức Mỹ, từ cuối tháng Tám vừa qua, Hệ thống Vũ khí Laser công suất 30 kilowatt đã được Mỹ lắp đặt trên con tàu vận chuyển USS Ponce. Các vũ khí laser được gắn hướng về mũi tàu, có thể bắn theo nhiều chế độ - từ chùm sáng cảnh báo đến tia lazer hủy diệt - khiến một chiếc máy bay không người lái hoặc một chiếc thuyền nhỏ bốc cháy.

Vũ khí thử nghiệm được lắp đặt trên con tàu USS Dewey năm 2012

Theo Phó Đô đốc John Miller, chỉ huy Hạm đội 5, tàu USS Ponce "cung cấp một nền tảng độc nhất" để triển khai các khả năng mới "tại một khu vực hoạt động liên quan". Đó là con tàu chỉ huy chính của Hạm đội 5.

Kể từ năm 2011, Hải quân Mỹ liên tục có mặt tại vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, nơi chứa đến 1/5 lượng dầu bán ra của thế giới. Được trang bị thủy lôi và các tàu nhỏ chiến thuật để tấn công vào các tàu chiến lớn hơn, các quan chức Iran luôn đe dọa đóng cửa cửa ngõ này.

Đầu năm nay, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert từng nói rằng vũ khí laser hải quân vốn không được thiết kế hay xây dựng riêng để chiến đấu với các tàu vũ trang nhỏ của Iran. "Tôi không chủ trương nhắm đến một quốc gia nào đó vì vũ khí, cũng không loại trừ việc sử dụng nhiều hệ thống vũ khí để chống lại một quốc gia", ông nói.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendal từng nói rằng triển khai vũ khí laser là "một thử nghiệm đáng giá" bởi "nó sẽ giúp chúng tôi nhận ra những hạn chế khi tác chiến", chẳng hạn như việc thiếu điện. Tuy nhiên, ông cho rằng "vẫn còn một số vấn đề về mặt công nghệ".

Trong khi đó, Tham mưu trưởng Jonathan Greenert băn khoăn "vũ khí đó sẽ hoạt động như thế nào trong một môi trường – với sức nóng, độ ẩm, bụi và trên biển. Cần phải thử nghiệm, đưa vũ khí ra hoạt động để xem nó cần bao nhiêu điện, hoạt động như thế nào và vịnh Ả Rập là một môi trường rất khắc nghiệt".

Các chuyên gia kỹ thuật của Hệ thống Hải lực Hải quân Mỹ (Naval Sea Systems Command) đã phát triển vũ khí thử nghiệm trong hơn 7 năm với chi phí khoảng 40 triệu USD. Đội thủy thủ tàu Ponce được ủy quyền triển khai vũ khí sau khi vượt qua một loạt các thử nghiệm trên biển, bao gồm việc bắn laser các mục tiêu tĩnh trên mặt biển.

Theo Báo cáo của Ủy ban nghiên cứu Quốc hội Mỹ, vũ khí thử nghiệm tập trung ánh sáng từ 6 laser hàn thể rắn vào một điểm duy nhất. Nó "có thể chống lại những mối đe dọa trên mặt đất, trên không, đe dọa đến từ các con thuyền nhỏ" và cả máy bay không người lái. Mỗi phát bắn ra có chí phí 1 USD.

Tàu USS Ponce tại vịnh Ba Tư hôm 25/9/2014

Người đứng đầu cơ quan nghiên cứu Hải quân, Chuẩn đô đốc Matthew Klunder cho biết vũ khí này có thể phát ra những tia sáng mạnh dần, đầu tiên là để cảnh báo đối phương và sau đó nếu cần thiết sẽ hủy diệt đối phương. Laser có thể được điều chỉnh, bắn ra tia sáng chói mắt nhưng không gây chết người vào tàu nhỏ đang đi tới, vì thế đối phương sẽ hiểu rằng "tia laser có thể nâng lên mức chết người", Klunder nói. Tầm bắn của laser vẫn đang được Mỹ giữ bí mật.

Công ty L-3 Communications ở New York và Trung tâm Điện quang thuộc trường Đại học Pennsylvania đã cung cấp các linh kiện và hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất hệ thống vũ khí này. Kinh nghiệm từ việc triển khai vũ khí laser cho con tàu Ponce trong 1 năm qua sẽ giúp các công ty dẫn dầu như BAE Systems Plc (BAESY), Northrop Grumman Corp. (NOC) và Raytheon Co. (RTN)cùng Hải quân Mỹ phát triển hệ thống vũ khí mạnh hơn nữa, có thể là vào năm 2021.

Những vũ khí này hoàn toàn khác với các thiết bị laser quân sự để hướng dẫn đầu đạn chính xác, thiết bị kiểm soát đám đông hoặc các dụng cụ nhằm vô hiệu cảm biến điện quang của đối phương.

Hoàng Lan

Theo Bloomberg

Chủ đề khác