VnReview
Hà Nội

Mỹ - Trung căng thẳng trong cuộc đua vũ khí siêu thanh

Cả hai cường quốc đều đang nỗ lực chế tạo ra một thế hệ vũ khí mới, với khả năng di chuyển nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, và sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của chiến tranh trong tương lai.

Mỹ đối đầu Trung Quốc trong cuộc đua vũ khí siêu thanh

Ngày 25/8 vừa qua, một vụ nổ kinh hoàng đã xé toạc bầu trời phía nam bang Alaska, Mỹ, làm rung chuyển những hòn đảo xa xôi, nơi mà Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đang tiến hành thử nghiệm một loại tàu bay siêu thanh không người lái (hypersonic glide vehicle – HGV). Chuyến bay của phi thuyền tối mật này chỉ kéo dài được 4 phút trước khi một "yếu tố bất thường" ở bộ phận tên lửa phóng buộc nhóm thử nghiệm phải tiến hành cơ chế tự hủy khẩn cấp.

Vụ phóng này là thử nghiệm cuối cùng của Lầu Năm Góc trong một chuỗi thí nghiệm bắt đầu từ năm 2011, dưới áp lực ngày càng tăng khi mà theo báo cáo, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất hai thử nghiệm vũ khí siêu thanh trong năm nay (mặc dù cả hai đều không thành công). Hai cường quốc này đang trong cuộc đua chế tạo một loại phương tiện có thể di chuyển nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, bất chấp những trở ngại rất lớn: Một con tàu như vậy đòi hỏi loại vật liệu có thể chịu được nhiệt độ gần 2.000oC và một hệ thống bẻ lái đủ nhạy.

Chi tiết về các chương trình phát triển vũ khí này của Mỹ và Trung Quốc vẫn còn đang nằm trong vùng bí mật, nhưng những vụ thử nghiệm thực tế đang được tiến hành cho thấy rằng loại tên lửa này đã không còn chỉ nằm trên giấy tờ. Các chuyên gia dự đoán rằng HGV có thể sẽ hoạt động được vào năm 2019 và đạt được vận tốc lên tới Mach 25 (khoảng 26.000 km/h).

Nếu được trang bị vũ khí, HGV có thể bay xa như một tên lửa đạn đạo liên lục địa (hơn 5.600km) nhưng có độ chính xác cao hơn nhiều. Do loại tên lửa này ;không bay theo một quỹ đạo hình parabol như những tên lửa đạn đạo khác, nó sẽ khó bị bắn hạ bởi các tên lửa phòng không bình thường. Và tốc độ của nó sẽ có thể thay đổi hoàn toàn diện mạo của chiến tranh trong tương lai. Ví dụ, khi phát hiện ra vị trí của một nhà lãnh đạo khủng bố tại Syria, một tên lửa HGV được phóng từ một căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Âu sẽ đánh trúng mục tiêu chỉ sau gần nửa tiếng đồng hồ.

Mỹ đối đầu Trung Quốc trong cuộc đua vũ khí siêu thanh

Cơ chế hoạt động của HGV

1. Phóng đi từ một tên lửa đẩy tách ra trên tầng khí quyển thượng tầng

2. Xuống đến độ cao khoảng 50 km so với mặt đất và sau đó đi lên để cân bằng hướng di chuyển.

3. Nhẹ nhàng lướt nhẹ dọc theo một quỹ đạo không thể đoán trước, đồng thời chuyển hướng sang trái và phải một cách linh hoạt để tránh tên lửa phòng thủ.

4. Hạ xuống để đánh trúng mục tiêu dự kiến

5. Phá hủy mục tiêu bằng chất nổ hoặc bằng chính động năng của con tàu.

Anh Minh

Theo Popsci

Chủ đề khác