VnReview
Hà Nội

Cuộc đại tuyệt chủng tiếp theo sẽ do con người gây ra?

Một nghiên cứu bởi tạp chí danh tiếng Nature cho biết, nếu theo đà huỷ hoại tự nhiên của con người như hiện nay thì Trái Đất có thể sẽ lại một lần nữa rơi vào một cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 vào năm 2200.

Biểu đồ về những loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng bao gồm thú có vú, lưỡng cư, chim và côn trùng (Ảnh Nature)

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ rất nghiêm trọng;của một cuộc tuyệt chủng lớn vào năm 2200. Theo tính toán tới thời điểm đó, sẽ có tới 41% loài động vật lưỡng cư, hơn 1/4 loài động vật có vú và 13% loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Nguyên nhân chính được các nhà nghiên cứu nhắc tới nhiều nhất cho nguy cơ này chính là do hoạt động sống của con người.

Theo nhà sinh thái học về biển Derek Tittensor trực thuộc Trung tâm Giám sát Bảo tồn thế giới của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, tình trạng đa dạng sinh học hiện nay trên thế giới đang ngày càng xấu đi và đi cùng với đó là các hành vi phá hủy môi trường sống, gây ô nhiễm, đánh bắt cá theo kiểu hủy diệt...của con người. Chưa kể, các mối đe dọa lại càng thêm tồi tệ hơn do những tác động mạnh mẽ của hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng biểu lộ rõ rệt hơn.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng cũng được tạp chí Nature nhắc đến đó là khoảng cách lớn về sự hiểu biết của các nhà khoa học về đa dạng sinh học trên Trái Đất. Ví dụ được đưa ra cho thấy, ít nhất có khoảng 993 loài côn trùng hiện nay đang có nguy cơ bị đe đọa tuyệt chủng. Nhưng thực tế, trong những phát hiện và nghiên cứu của các nhà khoa học cho tới nay mới chỉ tìm ra được khoảng 0,5% số loài trong khoảng gần 1 triệu loài theo ước tính ở trên.

Điều đó khiến mọi việc cũng hết sức trớ trêu, bởi hầu hết các nhóm loài quý hiếm đều sống ở một số khu vực rất nhỏ, khó phát hiện trên thế giới. Trong khi đó, cũng chính tại những nơi đó thường là nơi mà môi trường đang bị hủy hoại một cách nghiêm trọng nhất do tổ hợp những tác động từ cả yếu tố con người lẫn thiên nhiên gây nên.

Rất nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng lớn như chim cánh cụt Magellanic (trong hình), voi đảo Sumatran và báo Amur...

Mặc dù con người đã đưa ra các chính sách bảo tồn nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tuyệt chủng của các loài nhưng thực sự kết quả không được như kỳ vọng. Tỷ lệ tuyệt chủng của các loài theo tính toán hiện nay vẫn đang dao động trong khoảng từ 0,01- 0,07%/năm.

Trong một phân tích được đăng trên tạp chí Science (Mỹ) hồi tháng 7 vừa qua, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một nghịch lý rằng, nếu hầu như 5 cuộc đại tuyệt chủng trước đó đều do những nguyên nhân khách quan là sự biến đổi bất ngờ của khí hậu hay tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất,...thì với cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 theo dự đoán trong hơn 185 nữa lại hoàn toàn do lỗi của loài người.

Theo tính toán của các nhà khoa học, kể từ năm 1500 tới nay đã có hơn 320 loài vật có xương sống trên cạn đã bị tuyệt chủng và cùng với đó, quần thể các loài còn sống sót cũng đã giảm 25% về số lượng.

Ngược lại, dân số loài người lại không ngừng tăng lên nhanh chóng trong vòng 35 năm qua. Trong khi cùng thời kỳ này, số lượng các loài không xương sống như bọ cánh cứng, bướm, nhện và sâu tiếp tục được ghi nhận đã giảm đi 45% số lượng. Như vậy có thể thấy rằng, dân số cũng là một trong những lý do lớn nhất để giải thích cho sự tuyệt chủng của một số loài bởi lẽ tác động từ việc gia tăng dân số lên môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên có lẽ không còn là điều phải bàn cãi.

Loài đười ươi trên đảo Sumatran (Indonesia) cũng đang lâm vào tình trạng vô cùng nguy hiểm và có thể tuyệt chủng bất cứ lúc nào.

Theo một nghiên cứu gần đây của trường ĐH. Brown (Mỹ), tác nhân con người đang gây nên sự tuyệt chủng cho các loài khác nhanh hơn 1.000 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng do tác động của tự nhiên 60 triệu năm trước. Tốc độ này trong tương lai dự kiến còn có thể lên tới 10.000 lần.

Có thể kết luận rằng, giống như một quy luật tất yếu mà ai cũng biết đến đó là "gieo gió ắt gặp bão", do vậy việc con người hủy diệt loài khác cũng chính là hành vi tự hủy hoại sự sinh tồn của chính mình. Một ví dụ được đặt ra cho khẳng định trên rằng: "Liệu chúng ta có bao giờ tưởng tượng một kịch bản nếu những con côn trùng đóng vai trò thụ phấn cho khoảng 75% các cây lương thực trên thế giới đều bị tuyệt chủng, lúc đó thế giới sẽ ra sao?".

Câu trả lời này chắc chắn sẽ do chính con người tự trả lời và quyết định lấy, bởi lẽ chúng ta đang là những người nắm giữ "chìa khóa" số phận của muôn loài và cũng là của chính chúng ta nữa.

Tiến Thanh

Theo DailyMail

Chủ đề khác