VnReview
Hà Nội

Thời tiết khi AirAsia Flight 8501 mất tích diễn biến thế nào?

Chuyến bay AirAsia Flight 8501 đã biến mất hôm Chủ Nhật (28/12/2014) trên đường bay từ Indonesia đến Singapore, sau khi cơ trưởng đề nghị thay đổi đường bay do thời tiết xấu. Thời tiết là một nghi can chính trong sự biến mất của chuyến bay 8501, sau khi xem xét có nhiều trận giông bão xảy ra tại vùng lân cận nơi chiếc Airbus A320 này mất tích.

 

Thời tiết – từ sương mù đến bão tố - là nguyên nhân chính trong phần lớn các vụ tai nạn hàng không, trong đó có vụ biến mất của máy bay Airbus 330 của hãng hàng không Pháp Air France ngoài khơi biển Brazil năm 2009.

Một khu vực lớn thời tiết bị xáo trộn, bao gồm những vùng có bão mạnh và các đám mây dày đặc tại đường bay của chuyến bay AirAsia, đều có khả năng đã xuất hiện ở các vùng lân cận khi máy bay biến mất. Trong tuần qua, lượng mưa lớn bất thường đã gây lũ lụt trên diện rộng ở các khu vực của Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Phi công của AirAsia Flight 8501 yêu cầu chuyển hướng bay để tránh vùng thời tiết xấu phía trước, đó là biện pháp xử lý đúng khi các chuyến bay phải đối mặt với vùng thời tiết xấu và nhiễu loạn.

Sự hội tụ giữa hai chí tuyến thường xảy ra trong khoảng thời gian này trong năm, xuyên qua cả Indonesia và Malaysia.

Sự việc xảy ra ở gần Vùng Hội tụ giữa hai chí tuyến, mà các nhà khí tượng học và các phi công gọi là ITCZ. Đây là khu vực gần đường xích đạo, nơi gió mậu dịch ở cả hai bán cầu giao nhau, khiến độ ẩm, không khí nhiệt đới tăng. Khi không khí tăng lên, nó nguội và ngưng tụ vào những đám mây, hình thành những cơn mưa lớn và bão mạnh.

Những chuyến bay đi qua vùng ITCZ thường phải đối mặt với những cơn bão này, và phi công thường cố tình tránh vùng này ra vì sự nhiễu loạn không khí và các nguy hiểm khác, như sét và mưa đá.

Hình ảnh vệ tinh hồng ngoại cho thấy các khu vực nơi các chuyến bay AirAsia đã mất tích

Những cơn bão tố kèm sấm sét ở vùng ITCZ được xem là tác nhân chính gây ra vụ tai nạn cho chuyến bay Flight 447 của Air France năm 2009, khiến 228 người tử vong. Chiếc máy bay có hệ thống điều khiển bay tương tự như chiếc A320, lúc đó đang trên đường từ Brazil tới Paris thì bị mất liên lạc với kiểm soát không lưu trên Đại Tây Dương khi nó gặp phải khu vực có giông bão. Nguyên nhân cuối cùng của vụ tai nạn năm 2009 còn liên quan đến các bộ cảm biến tốc độ không khí bị lỗi, gây nhầm lẫn cho các phi công, và cản trở họ ứng phó đúng cách với sự nhiễu loạn thời tiết.

Khu vực nơi chuyến bay của AirAsia mất tích nằm trong một vùng của ITCZ, ở đó nhiệt độ đại dương cao hơn mức trung bình, góp phần gây ra những cơn bão lớn.

Lượng mưa toàn cầu đã tích tụ trong khoảng thời gian ba giờ đồng hồ ngày 28/12/2014. Các khu vực nơi máy bay AirAsia đi qua được khoanh màu cam.

Gần đây, Indonesia, Malaysia và Thái Lan bị thiệt hại nặng nền do những trận mưa lớn bất thường, dẫn đến lũ lụt gây chết người. Chính vì thế, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, đã bị chỉ trích gay gắt vì chơi golf với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hawaii vào hôm 24/12, trong khi hàng ngàn người dân ở quê hương đang phải chạy lũ.

Vì thế, sau đó ông Razak đã giảm bớt kỳ nghỉ của mình, bay về nước để đối phó với trận lũ lụt làm hơn 180.000 người đã phải di chuyển và ít nhất 18 người ở Malaysia và Thái Lan đã tử vong.

Những hình ảnh động về tổng lượng nước ngưng kết trong khí quyển sau đây đã cho thấy một khu vực rộng lớn có độ ẩm sâu tại vùng lân cận Indonesia (góc trên bên trái) trong vài ngày qua.

Tim Vasquez, từng là nhà khí tượng học của Không quân Mỹ, hiện đang làm trong mảng thời tiết tư vấn, đã đăng tải một số khả năng về đường bay của AirAsia Flight 8501. Vasquez từng nghiên cứu rất kỹ về yếu tố thời tiết trong vụ tai nạn Air France năm 2009. Ông đã chia sẻ các hình ảnh vệ tinh cho thấy có giông bão dữ dội dọc theo tuyến đường bay của máy bay lúc bị mất liên lạc.

Những phân tích của ông cho thấy sự giống nhau kỳ lạ giữa vụ mất tích của máy bay AirAsia với vụ việc của Air France, vì cả hai chuyến bay đều gặp phải cơn bão lớn khi đang bay ở độ cao, và biến mất mà không có một cảnh báo nào. Trong vụ của Air France, các chỉ số về tốc độ bay đã bị đóng băng, nên đã cung cấp dữ liệu tốc độ bay không chính xác cho hệ thống điều khiển bay của máy bay.

Những phân tích của nhà khí tượng học Tim Vasquez về vị trí gần đây nhất của chuyến bay AirAsia Flight 8501 và điều kiện thời tiết tại thời điểm đó

Tuy nhiên, không giống như trường hợp của Air France, sự cố của AirAsia xảy ra vào ban ngày, vì thế phi công có thể nhìn rõ hơn về tốc độ bay của họ và đường bay của máy bay.

Trong một bài viết đăng trên hôm sáng Chủ Nhật vừa qua, Vasquez nói sự tích tụ băng trên bộ cảm biến bên ngoài cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong vụ tai nạn, khi máy bay bay qua vùng nước siêu lạnh trong các tầng trên của giông bão.

Theo Vasquez, các cơn bão mà chuyến bay 8501 có khả năng đã gặp phải bắt nguồn từ ngoài khơi bờ biển phía tây nam của Borneo, ngọn mây đạt độ cao từ 47.000 feet đến 52.000 feet so với mặt đất. Điều này có nghĩa là máy bay đang bay qua các đám mây có chứa đá – đó có thể là ở dạng tinh thể nước đá hoặc những giọt nước siêu lạnh, đóng băng ngay khi tiếp xúc, hoặc cả hai.

Dựa trên những phân tích về điều kiện khí tượng vào thời điểm xảy ra sự việc,Vasquez kết luận thời tiết là một tác nhân gây ra vụ việc. Tất nhiên, ông cũng nói thêm rằng "Đây chỉ là những đánh giá thông tin về khí tượng, không phải là quyết định cuối cùng về nguyên nhân vụ việc".

Hoàng Lan

Theo Mashable

Chủ đề khác