VnReview
Hà Nội

Intel lên kế hoạch sản xuất chip 10nm từ năm 2016 và 7nm từ năm 2018

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu và cho ra mắt chip xử lý thế hệ mới Skylake với quy trình 14nm, Intel giờ đây đang đặt kế hoạch sẽ sớm cho ra mắt quy trình sản xuất chip 10nm vào năm 2016 và 7nm vào năm 2018.

Chip xử lý Intel Core thế hệ thứ 6 (Skylake) sản xuất dựa trên quy trình 14nm và được thiết kế theo một kiến trúc hoàn toàn mới, giúp cải tiến hiệu suất và tối ưu năng lượng sử dụng. Tuy nhiên để tiếp tục chiến lược phát triển của mình, Intel dự kiến sẽ tiếp tục sớm cho ra mắt những mẫu chip xử lý 10nm và 7nm trong vài năm tới.

Như đã biết nm (nanometer) là đại lượng phản ánh kích thước của các thành phần linh kiện nằm trong một con chip silicon. Đại lượng này càng nhỏ thì chip sẽ có kích thước càng nhỏ. Việc thu nhỏ kích thước của các chip xử lý cũng đang là cách hàng đầu hiện nay được các nhà sản xuất lựa chọn để cải tiến hiệu quả năng lượng và giảm nhiệt lượng sản sinh trong quá trình vận hành của thiết bị.

Intel đã có một khoảng thời gian khá chật vật với quy trình sản xuất 14nm trên chip xử lý Broadwell trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo như giám đốc cao cấp Kiến trúc Tiến trình & Tích hợp thuộc bộ phận Công nghệ và Sản xuất của Intel cho biết, quy trình 10nm dự kiến ra mắt vào năm 2016 và nhiều cải tiến khác trên chip xử lý mới sẽ được đẩy nhanh gấp hai lần so với quy trình 14nm hiện tại.

Tiếp tục tới quy trình 7nm sau đó dự kiến vào năm 2018, Intel cũng hy vọng sẽ đạt được những thành tựu ấn tượng hơn so với quy trình sản xuất chip hiện nay. Để đạt được điều này chắc chắn rằng Intel sẽ phải vượt qua giới hạn của định luật Moore.

Biểu đồ thể hiện sự cải thiện về chi phí và kích thước bóng bán dẫn qua từng thế hệ chip xử lý gần đây của Intel.

Định luật Moore (được đặt theo đồng sáng lập Intel là Gordon Moore) cho rằng, số lượng các bóng bán dẫn trên một con chip sẽ tăng gấp đôi sau 18 tháng mà sau này được nâng lên thành 2 năm và thậm chí có thể bị xê dịch tới 2,5 năm. Có thể tạm hiểu đó là các chip silicon trên máy tính, điện thoại,...có thể chạy nhanh hơn và tiêu thụ ít điện năng hơn khi được nâng cấp từ thế hệ này qua thế hệ khác sau 2 năm hoặc lâu hơn.

Tuy nhiên, thực sự thì định luật Moore đang dần đi tới giới hạn của chính nó khi các kỹ sư sẽ phải cố gắng làm sao có thể chế tạo được ra các bóng bán dẫn nhỏ hơn mà vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả, nếu không thì chip sẽ quá lớn, đắt đỏ và quá nóng khi vận hành. Cái chết của định luật Moore đã được dự đoán sớm từ nhiều năm trước nhưng nhiều khả năng Intel vẫn sẽ tiếp tục duy trì nó ít nhất là tới năm 2018, khi mà quy trình 7nm dự kiến sẽ được ra mắt.

Tiến Thanh

Theo GSMArena, PcWorld

Chủ đề khác