VnReview
Hà Nội

Con người có thể đã tính sai kích thước Dải Ngân Hà

Nếu kết quả quan sát lần này đúng, thì đường kính thực tế của Dải Ngân Hà (Milky Way) lớn gấp 1,5 lần so với thông tin hiện có của chúng ta, tức lên đến 150.000 - 180.000 năm ánh sáng thay vì "chỉ" 100.000 - 120.000 năm ánh sáng.

Con người có thể đã tính sai kích thước Dải Ngân Hà

Tại sao Dải Ngân Hà lại "phát phì" nhanh đến vậy? Điều này bắt nguồn từ việc liệu chiếc vòng khổng lồ Monoceros có là một phần của Dải Ngân Hà hay không. Nếu có, đường kính thiên hà mà chúng ta đang ở sẽ to gấp 1,5 lần. Nếu không, mọi thứ trở về vị trí cũ.

Vòng Monoceros là một chuỗi dài và lớn, bao bọc 3 vòng quanh Dải Ngân Hà. Nó mang trong mình lượng vật chất được ước tính tương đương với 100 triệu ngôi sao cỡ Mặt Trời. Được phát hiện lần đầu hồi 2002 bởi hệ thống đài thiên văn Sloan Digital Sky Survey, tại thời điểm ấy, vòng Monoceros được cho là tàn dư của thiên hà lùn Canis Major sau khi nó va chạm và sát nhập vào Dải Ngân Hà.

Cấu trúc không gian của Nhóm Địa Phương, gồm 2 thiên hà lớn là Dải Ngân Hà và Andromeda cùng vài chục thiên hà lùn khác

Tuy vậy, có nhiều nhà thiên văn cho rằng Monoceros thực chất thuộc về Dải Ngân Hà chứ không phải của Canis Major. Nhà thiên văn Heidi Newberg, thuộc Học viện Rensselaer Polytechnic nằm ở New York (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi từng nghĩ nó là tàn dư của một dòng vật chất hình thành dưới tác động của hiệu ứng thuỷ triều - khi một thiên hà lùn va chạm (vào Dải Ngân Hà) và sau đó tan vỡ ra xung quanh thành một chiếc vòng lớn. Trong suốt 15 năm, đã có một cuộc tranh cãi nổ ra khi phân nửa các nhà thiên văn nghĩ rằng nó là tàn dư thuỷ triều, phân nửa khác lại cho rằng nó thuộc về chính Dải Ngân Hà. Và tôi ở phe tàn dư thuỷ triều".

Song, điều oái ăm là khi Newberg tìm dữ liệu để chứng minh nó là dòng thuỷ triều, cô lại nhận ra mình cần thay đổi quan điểm. "Thứ tôi từng tìm kiếm là bằng chứng cho việc nó là dòng thuỷ triều. Tôi mất rất nhiều thời gian để có được kết quả này, một phần là vì tôi phải thay đổi cách nghĩ của mình. Giờ thì với tôi, chiếc vòng giống như một phần của Dải Ngân Hà".

Dải Ngân Hà này thực sự lớn tới cỡ nào?

Nhưng điều gì khiến cho Newberg thay đổi quan điểm? Nếu Monoceros thực sự chỉ là đám tàn tro của một vụ va chạm, nó sẽ không có hình thái chuyển động tương tự với phần còn lại của Dải Ngân Hà. "Đối với tôi, những hình thái này có lẽ đi theo cấu trúc xoắn ốc của Dải Ngân Hà. Tức chúng có liên quan ở góc độ nào đấy".

Thêm vào đó, khi sử dụng dữ liệu quan sát qua nhiều năm của đài thiên văn Sloan, các nhà quan sát đã phân tích độ sáng cũng như khoảng cách của những ngôi sao nằm ở rìa mép thiên hà chúng ta. Họ nhận ra rằng chiếc đĩa Ngân Hà đã bị "nhăn nhúm" lại, tạo thành các "đỉnh" và "vực", giống như một tờ giấy bị vò lại.

Chiếc vòng Monoceros bao quanh Dải Ngân Hà với các nếp gấp gồm "đỉnh" và "vực". Đây có thể là kết quả của vụ va chạm mà Monoceros vốn là một phần của Dải Ngân Hà

Từ đó, Newberg cùng các đồng nghiệp nhận định rằng đó có thể là kết quả khi thiên hà lùn va chạm vào Dải Ngân Hà. Nó giống như việc cầm một hòn đá ném xuống mặt nước, tạo thành các gợn sóng với "đỉnh" và "vực" mà các nhà khoa học quan sát được trên Monoceros. Những đợt sóng thuỷ triều trên cũng góp phần tạo ra một loạt ngôi sao mới khi chúng "dồn ép" lớp khí bụi vào với nhau, giúp quá trình hình thành tiền sao (stellar nursery hay nebula) diễn ra nhanh hơn.

Tất nhiên, các kết quả nghiên cứu này cần có thêm thời gian để hoàn thiện. Nhưng nếu điều này đúng, Hệ Mặt Trời của chúng ta sẽ không còn nằm ở khu "ngoại ô" của Dải Ngân Hà nữa mà sẽ được "nhập cư" vào khu vực "nội thành" của thiên hà này.

Huyền Thế

Theo Mashable

Chủ đề khác