VnReview
Hà Nội

10 loài ký sinh đáng sợ có khả năng 'hack' não vật chủ

Sinh vật ký sinh (parasite) vốn là một điều bình thường của tự nhiên, ngay cả với con người. Tuy vậy có những loài ký sinh đã đạt tới đẳng cấp biến vật chủ thành zombie, thậm chí là khiến cho vật chủ trở thành "xăng pha nhớt", điều khiển và chiếm đoạt luôn thân xác vật chủ.

Có thể nói sinh vật ký sinh có ở mọi nơi. Nhiều loài vật thậm chí mang trên mình nhiều loài ký sinh cùng lúc. Cá biệt hơn, có cả loài ký sinh sống "bám" vào loài ký sinh khác. Có những trường hợp, một thể vật chủ có nhiều loài ký sinh khác nhau, với những "chương trình làm việc" khác nhau. Những "chương trình" này mâu thuẫn lẫn nhau và các loài ký sinh buộc phải... tranh giành vật chủ theo ý mình.

Dưới đây là một số loài ký sinh đáng sợ tiêu biểu:

1. Nấm ký sinh kiến | Tên khoa học Ophiocordyceps unilateralis

Kiến là một loài rất giỏi về năng lực định vị, đặc biệt trong tìm kiếm thức ăn. Nhưng khi bị nhiễm loại nấm Ophiocordyceps unilateralis, loài kiếm Camponotus leonardi vốn sống ở các rừng mưa nhiệt đới tại Thái Lan, Châu Phi và Brazil bắt đầu "lạc đường" đến những nơi không cần đến.

Một bản nghiên cứu từ 2009 cho thấy, khi một bào tử nấm Ophiocordyceps unilateralistìm được vật chủ, nó sẽ mất từ 3 - 9 ngày để phát triển. Đến khi cây nấm này gần kết thúc chu kỳ sống, nó sẽ điều khiển con vật xa rời khỏi tổ ấm, ra đi với một hành tung tựa như zombie.

Nấm ký sinh kiến

Xác chú kiến tội nghiệp bị nấm bao phủ

Tất cả những chú kiến bị nhiễm loại nấm này đều tìm đến những địa điểm tương đồng - leo lên cao khoảng 25 cm trên một cái cây, nơi mà ẩm độ thích hợp cho nấm phát triển. Sau đó con vật sẽ bò xuống mặt dưới của một chiếc lá, bám mình vào đấy và chết.

Trong vòng 24 giờ sau đó, những cây nấm sẽ mọc ra từ xác con vật chết. Chúng gieo các bào tử rơi xuống nền đất của rừng mưa, nơi những con kiến khác có thể đi qua và tiếp tục một chu kỳ mới. Tương tự như loài ký sinh trong bộ phim viễn tưởng Alien, loài nấm này cũng "bung" ra ngoài cơ thể vật chủ, nhưng thay vì lồng ngực thì Ophiocordyceps unilateralis chọn đầu con kiến làm nơi kết thúc công việc của mình.

2. Sâu đuôi ngựa Kamikaze | Tên khoa học Paragordius tricuspidatus

Khi trưởng thành, loài sâu này có thể dài tới 30 cm, giống như một sợi mỳ Ý. Nhưng trước khi đạt được tới kích thước đó, nó cần tìm một tổ ấm nằm bên trong một chú dế hoặc châu chấu.

Nhưng để có thể lọt vào bụng một con dế, trước hết ấu trùng loài sâu này "chấp nhận" bị ăn bởi ấu trùng của một loài côn trùng khác, ví như ấu trùng muỗi (bọ gậy) hoặc các sinh vật phù du có trong nước. Khi các ấu trùng vật chủ trưởng thành, chúng ra khỏi mặt nước và bị châu chấu hoặc dế ăn thịt. Đấy là lúc ấu trùng sâu đuôi ngựa bắt đầu "cựa mình".

Sâu đuôi ngựa Kamikaze

Sâu đuôi ngựa chui ra từ bụng chú dế vừa "tự sát"

Tuy ngụ cư ở trên mặt đất, nhưng đến cuối đời, loài sâu này lại tìm cách trở lại với ao hồ. Và vì dế hay châu chấu không biết bơi, nên loài sâu này buộc phải "can thiệp" vào não của vật chủ để đạt được mục đích.

Sau khi bị tác động vào hệ thống thần kinh trung ương, chú châu chấu hay dế đáng thương sẽ "tự" chết đuối trong hồ nước. Chỉ chờ có thế, loài sâu đuôi ngựa này chui ra khỏi bụng của vật chủ và bắt đầu đẻ trứng, chuẩn bị cho vòng tuần hoàn của một thế hệ sâu đuôi ngựa mới.

Nhìn từ bên ngoài, chúng ta sẽ không thể biết được chú dế có bị nhiễm sâu hay không. Chỉ đến khi chúng "tự tử". Nhà nghiên cứu Ben Hanelt thuộc ĐH New Mexico tại Albuquerque, khi nghiên cứu loài sâu này, đã chứng kiến cảnh có đến 32 con sâu chui ra chỉ từ trong bụng một vật chủ duy nhất!

3. Hà Sacculina | Tên khoa học Sacculina sp.

Nếu bạn nghĩ bắt dế "nhảy lầu" thật ấn tượng thì câu chuyện về loài hà ký sinh sau đây còn khiến bạn rùng mình hơn nữa.

Loài hà Sacculina tìm nơi ẩn mình trên cơ thể một con cua. Nó sẽ xâm nhập vào bên trong bằng cách tìm một kẽ hở nằm giữa tiếp điểm của những chiếc càng. Sau khi xé được lớp vỏ cứng bên ngoài, hà Sacculina bấu chặt mình vào cơ thể vật chủ. Lúc này, nhìn nó giống một con ốc hơn là một loài hà vốn cả đời bám mình trên vách đá hoặc ở mạn dưới một chiếc tàu biển.

Hà Sacculina

Tuy là hà nhưng Sacculina lại "thích" bám trên bụng cua chứ không phải vách đá

Đột nhập được vào bên trong, hà Sacculina chỉ việc "ăn và đẻ". Đến khi trưởng thành, hà Sacculina trông như một trái trứng mềm, nhún nhẩy trên cơ thể con cua.

Điều đặc biệt là, nếu con cua giống cái, hà Sacculina sẽ bắt nó chăm sóc hàng triệu ấu trùng loài hà này khi nó đu bám trên vật chủ. Nhưng nếu con cua giống đực, hà Sacculina sẽ bắt nó... lại cái để thực hiện cùng một hành vi. Chưa hết, hà Sacculina còn khiến cho tuyến sinh dục của con cua tiêu biến, ngưng phát triển các càng cua và chỉ nở to bụng lên để nuôi ấu trùng loài hà này.

4. Sâu dẹt khoang xanh | Tên khoa học Leucochloridium paradoxum

Nếu bạn thấy một chú ốc sên với 2 cuống mắt rực rỡ, ngoe nguẩy với những dải màu ngọc bích hoặc xanh dầu oliu, đỉnh được bọc bằng những vết đốm màu xám của than, hãy chú ý. Đó không chỉ là một chú ốc thông thường. Thực ra, chú ốc này đang bị nhiễm sâu dẹt.

Những con ốc này chỉ là vật chủ trung gian trong chu kỳ sống của loài sâu dẹt. Trước hết chúng tìm cách bò lên cho được tới đỉnh cuống mắt của con ốc. Từ đó những con ốc này sẽ trở nên dễ phát hiện và "ngon mắt" hơn trong mắt những con chim ở gần ấy.

Sâu dẹt khoang xanh

Chú ốc sên đã bị nhiễm sâu dẹt khoanh xanh với những đốm mắt đầy màu sắc

Trong một nghiên cứu hồi 2013, hai nhà sinh vật học Wanda Wesolowska và Tomasz Weslowski thuộc ĐH Wroclaw (Ba Lan) đã tìm thấy những chú ốc sên có hành vi kỳ lạ so với những con ốc thông thường khác. Những con ốc này bị nhiễm sâu dẹt và chúng tìm cách leo lên những cái cây cao, nằm vắt vẻo ở những vị trí "lộ thiên" phù hợp làm bữa ăn cho đám chim săn mồi.

Và mục tiêu sau cùng của loài sâu dẹt chính là bụng những con chim. Tại đấy chúng sẽ sinh sôi và đẻ trứng. Và theo đường chim bay, chu kỳ lây nhiễm lại tiếp tục.

5. Ong ký sinh bọ rùa Ladybird | Tên khoa học Dinocampus coccinellae

Trứng là một trong những món ăn khoái khẩu với những kẻ săn mồi. Vậy làm sao để bảo vệ trứng của mình trước các mối nguy rình rập? Một loài ong bắp cày có cách riêng của chúng.

Loài bọ rùa Ladybird nhìn có vẻ đáng yêu với những đốm hoa văn trên lưng chúng. Nhưng chúng không dễ bị "bắt nạt". Khi bị tấn công, chúng sẽ tiết ra một độc chất đáng sợ. Những cái đốm trên lưng chúng cũng ám chỉ cho các loài săn mồi đừng nên động vào (vì có độc). Và đây là lý do mà loài ong bắp cày trên "lợi dụng" Ladybird. Chỉ với một cú châm, một quả trứng nằm lại trên vỏ chú bọ rùa này.

Ong ký sinh bọ rùa Ladybird

;Hai chú bọ Ladybird đang "bảo vệ" chiếc kén của loài ong bắp cày

Khi trứng ong nở, ấu trùng sẽ ăn dần nội tạng của chú bọ rùa trước khi đục thủng bụng con vật đáng thương để đóng kén ngay dưới chân nó. Giờ đây, chú bọ rùa hoá thành "vệ sỹ" bất đắc dĩ cho chiếc kén bên dưới bụng. Chú bọ rùa sẽ không chết ngay mà cố bảo vệ con vật đã ăn mòn cơ thể mình. Chưa rõ tại sao chúng lại hành động như thế, nhưng có vẻ độc chất mà ấu trùng ong bắp cày để lại đã tác động lên hệ thần kinh của chú bọ.

6. Ong ngọc lục bảo ký sinh trên gián | Tên khoa học Ampulex compressa

Cơ thể óng ánh màu ngọc lục bảo với những chấm đỏ thẫm nằm trên 2 chân mình, ong ngọc lục bảo có mặt tại khu vực nhiệt đới của Châu Á, Châu Phi và Thái Bình Dương là một loài côn trùng tuyệt đẹp. Song với những chú gián ở gần đấy thì ngược lại.

Tuy chỉ nhỏ bằng 1/6 kích thước chú gián, nhưng ong ngọc lục bảo không hề ngần ngại. Chỉ một cú châm gây tê liệt, con ong đã "hack" được hệ thần kinh của chú gián, thông qua một hoá chất truyền tín hiệu giữa các neuron. Chú gián trở thành một zombie bất đắc dĩ.

Ong ngọc lục bảo ký sinh trên gián

Ong ngọc lục bảo chui ra từ xác chú gián đã bị ăn thịt

Sau khi làm tê liệt chú gián tội nghiệp, con ong hút chất dinh dưỡng trong cơ thể vật chủ, ngoạm đứt những cái râu đóng vai trò ăng-ten định hướng của chú gián. Giờ đây con ong có thể "dắt" chú gián đi bất kỳ đâu nó muốn giống như chúng ta dắt chó đi dạo. Điểm đến của con ong là chiếc tổ của nó, nơi mà bụng chú gián sẽ chứa đầy trứng ong chờ được nở.

Cẩn thận hơn, con ong "nhốt" chú gián lại trong hang bằng những viên đá nhỏ. Tuy vậy việc làm này không cần thiết lắm vì chú gián vô tội không hề tìm cách trốn. Ấu trùng ong nở ra và chúng chỉ việc "đánh chén" cơ thể con vật tội nghiệp, trước khi tháo bung ra ngoài khỏi phần còn lại.

7. Trùng Toxoplasmosis | Tên khoa học Toxoplasma gondii

Đây có lẽ là một trong những loài ký sinh nổi tiếng nhất. Vì vật chủ mà loài trùng đơn bào này nhắm tới thường sống quanh nơi ở của con người. Đối tượng đầu tiên bị lây nhiễm là chuột đồng và chuột nhà.

Theo một nghiên cứu từ 2007, những con chuột bị nhiễm loại trùng trên mất cảm giác sợ loài mèo. Ngược lại, chúng còn tỏ ra bị hấp dẫn bởi pheromone có trong nước tiểu mèo. Con vật ít trốn tránh hơn và thường lảng vảng xung quanh nơi lũ mèo sinh sống, nhằm một mục tiêu sau cùng - đưa loài trùng này vào bụng lũ mèo.

Trùng Toxoplasmosis

Trùng Toxoplasmosis dưới kính hiển vi

Vì mèo là một thú nuôi phổ biến nên lượng người mắc phải loài trùng này khá nhiều. Có từ 30 - 60 % người mắc phải trùng T. gondii. Tuy vậy, liệu loài ký sinh này có tác động lên thần kinh con người không vẫn còn chưa sáng tỏ. Một bản nghiên cứu từ 2006 của Kevin Laffery tại Phòng Thăm dò Địa Chất thuộc Santa Barbara, California (Mỹ) cho thấy một số thay đổi về mặt hành vi của người bị nhiễm T. gondii. Dù vậy, điều này dường như chỉ là sự trùng hợp vì có nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới hành vi con người, ví dụ như tiền bạc, công việc.

Trùng Toxoplasmosis cũng dường như có liên quan tới những người bị tâm thần phân liệt (schizophrenia), nhưng chưa rõ ràng cho lắm. Lafferty cho biết trong báo cáo: "Tâm thần phân liệt là một hội chứng phức tạp, bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi cảm thấy an toàn khi nói rằng Toxoplasmosis là một rủi ro có liên quan tới tâm thần phân liệt". Ông cũng nhấn mạnh rằng có những người bị tâm thần phân liệt nhưng không nhiễm Toxoplasmosis và có những người nhiễm Toxoplasmosis nhưng không bị hội chứng trên.

8. Virus bệnh dại

Bạn có vẻ thấy lạ lẫm khi nghĩ virus dại như một thể ký sinh, nhưng các nhà sinh vật học lại hoàn toàn nghĩ như thế. Levi Morran, thuộc ĐH Emory tại Atlanta, Georgia (Mỹ), cho rằng: "Tôi sẽ gọi virus dại hay cảm cúm là những thể ký sinh. Bởi vì chúng làm suy giảm thể chất của vật chủ, hoặc vì chúng đạt được mục đích của mình bằng cái giá mà vật chủ bỏ ra".

Dại là một căn bệnh đáng sợ khi nó làm nhoà đi khoảng cách giữa con người và động vật. Virus dại lây nhiễm thông qua nước miếng của vật chủ, thường là từ vết thương hở như bị cấu cào hay cắn. Nó khiến cho những vật bị nhiễm - thường là dơi hoặc chó, thậm chí cả con người - trở nên hung hãn, can thiệp hành vi của vật chủ chỉ nhằm mục đích lây lan chúng ra ngoài bằng cách cắn hoặc cào.

Virus bệnh dại

Virus bệnh đại đang đào thoát khỏi vật chủ sau khi sinh sản xong

Chuyên gia ký sinh học Andres Gomez thuộc trung tâm ICF International tại Washington DC (Mỹ), nhận định: "Virus dại thể hiện bản thân chúng thông qua một loạt các dấu hiệu thần kinh, bao gồm cả thay đổi hành vi nhưng cũng đồng thời dẫn tới việc mất kiểm soát. Và điều sau cùng dẫn tới các khó khăn cho chính vật chủ ví như nuốt thức ăn, làm cho vật chủ bị đói, suy giảm đường huyết và mất nước".

9. Virus bệnh cúm

Nghe khá lạ nhưng một nghiên cứu từ 2010 của Chris Reiber thuộc ĐH Binghamton tại New York (Mỹ) cho thấy virus cúm khiến con người thay đổi hành vi.

Cụ thể là những người bệnh trở nên... hoà đồng hơn với mọi người. Nhóm nghiên cứu của Chris nhận ra rằng những người được tiêm vaccine cúm (là thể virus được làm yếu) bỗng dưng tương tác hơn với nhiều người. Khi so sánh 48 giờ trước và 48 giờ sau của những người bị phơi nhiễm, họ nhận ra rằng những người này có xu hướng tìm đến những chốn đông người như quán bar hay các bữa tiệc.

Virus bệnh cúm

Virus cúm H1N1

Tuy chỉ là một nghiên cứu nhỏ, song nó cũng gây ra nhiều suy nghĩ. Rõ ràng việc tiếp xúc với nhiều người hơn sẽ giúp virus lan truyền tốt hơn. Kể cả khi virus còn đang ủ bệnh và chưa gây ra các triệu chứng thực sự. Nhưng một khi bệnh đã xảy ra thì thường nó kéo theo nhiều người bệnh cùng lúc do họ đã bị phơi nhiễm từ trước.

10. Sán Schistocephalus solidus

Trong nghiên cứu của mình, Nina Hafer và Manfred Milinski tại Phòng Sinh học Tiến hoá, thuộc Học viện Planck tại Ploen (Đức), đã cho một số sinh vật giáp xác (copepod) bị lây nhiễm loài sán Schistocephalus solidus. Mục tiêu sau cùng của loài sán trên là tìm cách nhiễm vào loài cá gai (stickleback), bằng cách kích thích loài giáp xác lộ diện trước mặt sinh vật săn mồi để bị ăn thịt.

Sán Schistocephalus solidus

Vật chủ cá gai và loài ký sinh sán dây Schistocephalus

Nina và Manfred nhận ra rằng nếu 2 con sán trên cùng một thể giáp xác cùng muốn "chuyển nhà", chúng sẽ cùng tác động vật chủ khiến hành vi này trở lên mạnh mẽ.

Song ngược lại, nếu chỉ có 1 con sán (già hơn) muốn "chuyển" nhưng con còn lại (trẻ hơn) chưa sẵn sàng, thì con giáp xác vẫn tự kiểm soát hành vi của chính nó. Và sau cùng, dường như đã có cuộc "tranh giành" giữa 2 con sán để nắm quyền kiểm soát vật chủ. Kết quả Nina và Manfred ghi nhận, có vẻ con sán già hơn đã "phá hoại" thành công tên đồng loại ít tuổi mà "ngang ngạnh".

Huyền Thế

Theo BBC

Chủ đề khác