VnReview
Hà Nội

2015 có thể sẽ giành ngôi 'năm nóng kỷ lục'

2015 chỉ mới đi được khoảng 1/4 chặng đường, song 2 tháng đầu năm này đã "đốt cháy" các biểu đồ về nhiệt, dự báo một khả năng phá vỡ kỷ lục "năm nóng nhất" từng được ghi nhận từ 1880 cho đến nay của 2014.

Năm 2015 có thể sẽ giành ngôi năm nóng kỷ lục từ 2014

Những con số biết nói

Trong khi tháng 1 vừa qua là tháng 1 nóng thứ nhì trong 135 năm trở lại đây, theo ghi nhận của Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia (NOAA, Mỹ), thì tháng 2 này là tháng 2 nóng nhất. Nhiệt độ của tháng 2/2015 cao hơn 1,5 °F so với mức trung bình các tháng 2 của thế kỷ trước. Còn nếu cộng cả 2 tháng đầu 2015 lại thì nhiệt độ của chúng cao hơn 1,42 °F so với trung bình 2 tháng đầu năm các năm thế kỷ 20. Trong khi đó, tháng 2/2014 chỉ đứng thứ 21/135 về độ nóng với các tháng 2 còn lại.

Nhiệt độ tăng làm băng ở 2 cực tan chảy nhanh hơn bao giờ hết

Tuy vậy, dữ liệu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA, Mỹ) có chút khác biệt so với NOAA. Trong bảng xếp hạng của NASA, tháng 1/2015 đứng hạng 2 về độ nóng còn tháng 2/2015 đứng hạng 4. Các khác biệt này đến từ việc dữ liệu quan trắc và phương pháp đo đạc của hai cơ quan khác nhau. Nhưng kết quả của cả NASA và NOAA đều cho thấy 2015 là một năm rất nóng vì các tháng còn lại có thể còn vượt kỷ lục hoặc nằm trong top 10 về độ nóng so với cùng kỳ các năm trước.

Việc 2015 trở nên nóng như thế một phần được cho là nhờ hiện tượng El Niño vốn đang xảy ra ở nam bán cầu. El Niño là hiện tượng mà nước biển ở Nam Mỹ và Thái Bình Dương trở nên ấm hơn so với mức trung bình của các năm khác, dẫn tới nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn so với mọi khi.

Những hệ quả nhãn tiền

Thứ hạng mà NOAA lẫn NASA công bố không chỉ để "xem chơi". Thực tế những ảnh hưởng về khí hậu đang xảy ra khắp nơi trên toàn cầu và tàn khốc hơn nhiều. Ví dụ trong mùa đông vừa qua, chỉ có khu vực bờ đông nước Mỹ gặp lạnh, trong khi các khu vực còn lại trở nên ấm bất thường. Đặc biệt bờ tây nước Mỹ trở thành một điểm nóng, tương tự một phần ở Nga và bình dân Scandinavia (Bắc Âu).

Cháy rừng là một thảm hoạ thường gặp tại Mỹ, đặc biệt tần suất và quy mô của chúng ngày càng tăng trong những năm gần đây với sự gia tăng các làn sóng nhiệt.

Băng tan nhanh có thể đe doạ tới sự tồn tại của các loài động vật có đời sống mật thiết với băng như gấu Bắc cực hay chim cánh cụt

Sự thay đổi này cũng thể hiện rõ nhất ở các khu vực gần đại dương, nhất là ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Điều này xuất phát từ việc nước biển có "trí nhớ" về nhiệt độ "sâu hơn" các thể lưu nhiệt khác. Để tăng cùng mức nhiệt độ tương ứng so với khí quyển, nước biển cần hấp thụ một lượng nhiệt cao hơn. Ngược lại khi nguội đi, nước biển cũng giải phóng một mức năng lượng cao hơn khí quyển. Và đó cũng là một phần nguyên nhân mà 2014 được ghi nhận là năm nóng nhất trong vòng 135 năm vừa qua. Trong 12 tháng của 2014, có đến 9 tháng phá vỡ kỷ lục những tháng nóng nhất tương ứng với từng năm trước đó.

Hiệp hội Khí tượng Mỹ cảnh báo nguy cơ xuất hiện những cơn cuồng phong như Sandy đánh vào bờ đông nước Mỹ tăng lên gấp đôi so với năm 1950. Siêu bão Sandy đã huỷ hoại hết 65 tỷ USD của nước Mỹ

Mới đây, NASA cũng vừa công bố một đoạn clip về diện tích băng bao phủ trong mùa đông vừa qua tại Bắc Cực. Cụ thể cho đến ngày 25/2 vừa qua, khi mà con số này đạt mức tối đa - 14,54 triệu km2, thì nó vẫn thấp hơn con số của các năm trước đấy, đánh dấu 2015 là năm mà diện tích băng ở Bắc Cực đạt mức thấp nhất trong lịch sử của NASA.

Hình ảnh so sánh diện tích băng tối đa ở Bắc Băng Dương do NASA cung cấp. Màu vàng là mức chênh lệch diện tích băng tối đa bao phủ được ghi nhận từ 1979 - 2014

Không chỉ dừng ở đó

Jessica Blunden, nhà nghiên cứu khí hậu tại NOAA, nhận định: "Với việc El Niño đang tiếp tục, và thậm chí nếu nó mạnh hơn nữa, chúng ta có thể lại thấy một năm nóng kỷ lục khác nữa".

Việc 2014 hay 2015, năm nào "giật giải" nóng nhất không phải vấn đề chính. Vấn đề chính nằm ở chỗ nhiệt độ toàn cầu sẽ không tăng đột biến chỉ vài năm rồi sẽ "mát" trở lại mà đây là một tiến trình dài hạn, diễn ra từ từ suốt nhiều năm và chỉ có một chiều theo hướng càng ngày càng nóng hơn. Như vậy 2016, 2017 hoặc những năm tiếp theo có thể sẽ còn nóng nữa hoặc cũng nóng tương đương như các năm vừa qua.

Lược sử 63 năm ấm lên toàn cầu từ 1950

9 trong số 10 năm nóng kỷ lục từng được ghi nhận đều thuộc về thế kỷ 21. Trong khi chưa có năm lạnh kỷ lục mới nào xuất hiện kể từ 1911 cho tới nay. Và gần như chắc chắn hiện tượng ấm lên toàn cầu trong gần một thế kỷ qua có liên quan tới các khí nhà kính mà con người liên tục thải ra vào bầu khí quyển.

Chúng ta phải làm gì đây để ngưng hoặc giảm thiểu tiến trình "nướng chín" Trái đất? Mọi hành động có thể là đã quá trễ, nhưng chắc chắn trễ còn hơn không.

Bài liên quan:

Nước mắt Philippines và bài phát biểu làm thế giới bàng hoàng

Huyền Thế

Theo Discovery & NASA

Chủ đề khác