VnReview
Hà Nội

Thấy gì qua những sự cố phóng xạ gần đây?

"Chẳng hẹn mà gặp", không rõ vì đâu nhưng khoảng vài tuần trở lại đây, hàng loạt sự cố liên quan tới phóng xạ diễn ra trên khắp thế giới. Không chỉ tại Việt Nam mà ở Mỹ, Nhật, Đức và Đài Loan, các vụ việc đã dấy lên mối lo ngại về an toàn hạt nhân.

Nhắc lại chuyện xưa...

Cũng rất "tình cờ", cách đây hơn 4 năm, vào ngày 11/3/2011, một trận động đất với sức mạnh 9 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi Nhật Bản. Trận động đất này đã tạo ra một loạt đợt sóng thần và chúng đã đập vào bờ biển đảo quốc này. Tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi nằm trên đường đi của những đợt sóng thần và lõi của một số lò phản ứng đã bị hư hại.

Ảnh minh hoạ lò phản ứng số 1 với lõi nhiên liệu bị nóng chảy do quá nhiệt. Nguồn: TEPCO

Theo tính toán của đơn vị chủ quản TEPCO, 70 % nhiên liệu lõi của lò phản ứng số 1 đã bị nóng chảy, 33 % tương ứng ở lò số 2 trong khi thiệt hại ở lò số 3 chưa được xác định rõ. Trong khi đó, lò số 4 đã được ngưng hoạt động kịp thời và rút các thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng nên không gây hậu quả nghiêm trọng. Các lò 5 và 6 ngưng hoạt động tại thời điểm đấy. Tuy vậy, hậu quả từ việc nóng chảy lõi các thanh nhiên liệu ở lò 1 và 2 cũng hết sức nghiêm trọng.

Mặc cho các nỗ lực của chính phủ Nhật Bản, vẫn có một lượng không ít chất phóng xạ đã bị phát tán ra môi trường từ Fukushima và hoà lẫn vào đại dương. Đã có nhiều nước cấm nhập khẩu thực phẩm từ các địa phương bị ảnh hưởng sang nước họ.

Thấy gì qua những sự cố phóng xạ gần đây?

Quang cảnh khủng khiếp của tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sau khi xảy ra động đất.

Thực phẩm "Fukushima" tràn vào Đài Loan

Nhưng chuyện gì đến đã đến. Việc sản phẩm từ các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của nhà máy điện Fukushima bị cấm xuất khẩu sang một số nước đã gây không ít thiệt hại kinh tế cho người dân các vùng này. Cụ thể Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Đài Loan đã cấm nhập thực phẩm được sản xuất ra tại các tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi, Gumma và Chiba, tính từ khi sự cố xảy ra cho tới nay.

Vậy mà vào cuối tháng 3 vừa qua, tức tròn 4 năm sau thảm hoạ Fukushima, có hơn 400 mẫu thực phẩm được bày bán tại các siêu thị lớn của Đài Loan bị phát hiện có xuất xứ đến từ các vùng bị cấm. Tất cả các mẫu thực phẩm trên đều "nhập chui" bằng cách sửa lại nhãn mác trên bao bì và cho biết chúng được sản xuất tại Tokyo, Osaka, Hokkaido... thậm chí là cả từ Mỹ!

Các mẫu thực phẩm bị tình nghi đến từ các vùng bị cấm. Nguồn: Focus Taiwan

Các điều tra viên Đài Loan nhận ra "có gì đó không ổn" với các kiện hàng được nhập trực tiếp từ Nhật, song lại có bao bì in bằng... tiếng Hoa và họ tiến hành kiểm tra lại hàng loạt. Tuy vậy không chắc trước đấy đã có lô hàng Fukushima nào khác "chui lọt lỗ kim" hay không khi số lượng các món hàng khả nghi ngày càng tăng. Vụ việc nhanh chóng biến thành một scandal tại Đài Loan khi những người chỉ trích cho rằng chính quyền "thân Nhật" đã "tạo điều kiện" cho các thực phẩm trên lọt vào đây.

Ngay lập tức, chính quyền Đài Loan vào cuộc. Các mẫu thực phẩm bị nghi ngờ được đưa tới Uỷ ban Năng lượng Hạt Nhân để kiểm định. Huang Ching-tung, trưởng đại diện uỷ ban, cho biết: "Các thực phẩm đến từ Nhật không gây nguy hiểm cho sức khoẻ hơn các sản phẩm Đài Loan chút nào". Theo kết quả kiểm tra của uỷ ban này, ngay cả khi mẫu thực phẩm có phóng xạ, thì chúng cũng vẫn thấp hơn tiêu chuẩn an toàn cho phép.

Vụ việc "con voi lọt lỗ kim" này hiện vẫn chưa có hồi kết. Một số người cho rằng chính quyền Đài Loan sẽ gỡ bỏ lệnh cấm khi các kết quả xét nghiệm cho thấy chúng an toàn. Song số khác vẫn muốn tiếp tục duy trì. Bộ trưởng Bộ Sức khoẻ và Phúc lợi, Chiang Been-huang, đề nghị không gỡ bỏ lệnh cấm cho tới khi có được ý kiến các học giả cũng như trưng cầu dân biểu. Trong khi đó, đại diện trưởng ban lập pháp Đài Loan, Wang Jin-pyng, hiện đang công du ở Nhật. Ông sẽ về Đài Loan vào ngày 9/4 để thảo luận về vấn đề trên.

Chuyên gia Đài Loan đang kiểm định hàm lượng phóng xạ trong các mẫu thực phẩm Nhật Bản. Nguồn: Uỷ ban Năng lượng Hạt nhân Đài Loan

Nhà máy hạt nhân Đức tạm ngưng hoạt động

Chỉ vài ngày trước khi sự cố thất lạc thiết bị Co-60 ở Việt Nam bị đưa ra dư luận, thì ở tận châu Âu, nhà máy điện Emsland đã bị cắt khỏi mạng lưới cấp phát điện, sau khi một sự cố rò rỉ được phát hiện trên đường ống dẫn nhằm theo dõi hàm lượng boron có trong các thiết bị làm mát lò phản ứng.

Tuy vậy, theo Phòng Môi trường Lower Saxony, không có chất phóng xạ nào được phát ra môi trường. Vì việc tắt hoạt động của nhà máy chỉ là một động thái mang tính ngăn ngừa, cơ quan điều hành nhà máy - RWE Power AG - cho hay. Hiện một cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm hiểu chính xác vụ việc. "Việc nhà máy có được khởi động lại hay không phụ thuộc vào kết quả điều tra", Phòng Môi trường nhận định.

Nhà máy điện Emsland lúc chưa ngưng hoạt động. Nguồn: Wikipedia

Nhà máy điện Emsland được đưa vào hoạt động từ 1988. Mỗi năm nó tạo ra 11 tỷ kWh điện cho 3,5 triệu gia đình tại thành phố này. Theo kế hoạch loại bỏ năng lượng hạt nhân của Đức, dự kiến đến 2022, nhà máy Emsland sẽ đóng cửa vĩnh viễn.

Song có khả năng nó sẽ được "nghỉ hưu non" nếu kết quả điều tra lần này "không tốt".

Phóng xạ Fukushima "du lịch" tới Bắc Mỹ

Bóng ma Fukushima dường như sẽ vẫn ám ảnh nước Nhật trong nhiều năm nữa. Do vị trí đặt sát biển, các chất phóng xạ rò rỉ từ đây có thể theo gió và các dòng hải lưu để chu du khắp thế giới. Nhưng địa điểm mà phần lớn các hạt vật chất này "hạ cánh" là khu vực eo Bering, bán đảo Alaska và phía tây Bắc Mỹ (gồm Mỹ và Canada).

Ảnh minh hoạ hướng di chuyển của phóng xạ từ Fukushima đến Mỹ. Nguồn: New York Times

Theo tính toán của các nhà khoa học, thì chuyến "du lịch" trên sẽ kết thúc sau 3 năm. Vào thời điểm này năm ngoái, họ đã khảo sát 24 địa điểm khác nhau dọc bờ tây Bắc Mỹ để tìm kiếm dấu hiệu của Cesium-134 và Cesium-137. Nhưng không có dấu hiệu nào lúc bấy giờ.

Có lẽ các đồng vị phóng xạ trên đã đăng ký nhầm chuyến bay của "Delay Airlines" nên mãi một năm sau, ngày 17/2/2015, dấu vết (trace) của các đồng vị này mới được tìm thấy ngoài khơi Ucluelet, một thị trấn nằm ở bờ tây đảo Vancouver (Canada). Song, hàm lượng các phóng xạ này rất thấp.

Ken Buesseler, nhà hoá học thuộc Học viện Hải dương Woods Hole (WHOI), cho biết: "Nồng độ là cực kỳ thấp". Theo đó, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ của Cesium-134 chỉ đạt 1,4 Bq/m3, còn Cesium-137 đạt 5,8 Bq/m3. Con số này thấp hơn 1/1000 mức cho phép dùng trong tiêu chuẩn nước uống được thiết lập bởi Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Mỹ. Điều đó có nghĩa lượng phóng xạ này hoàn toàn an toàn tại khu vực được lấy mẫu. Tuy nhiên, mức độ ở các địa điểm khác có thể sẽ khác.

Vị trí các điểm phát hiện đồng vị Cesium-134 (màu vàng) tại Bắc Mỹ. Nguồn: WHOI

Thực tế vào tháng 11/2014, một kết quả xét nghiệm Cesium-134 và 137 trong nước biển với nồng độ tương tự cũng được tìm thấy. Nhưng nó cách bờ biển bắc California tới 160 km, nên chưa được xem là "đã chạm tới nước Mỹ". Các đợt xét nghiệm phóng xạ được tiến hành suốt 15 tháng vừa qua trên 59 địa điểm dọc bờ biển nước Mỹ hoàn toàn âm tính.

Điều này cho thấy phóng xạ từ Fukushima sau cùng cũng đã đến Mỹ và Canada, dù "trễ hẹn" tới một năm. Rất có thể trong tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều địa điểm khác tại đây phát hiện được dấu hiệu của phóng xạ và người Nhật sẽ còn đau đầu nhiều...

Huyền Thế

Tổng hợp từ Focus Taiwan, Want China Times, Live Science, RT, Wikipedia

Chủ đề khác