VnReview
Hà Nội

Quả thanh mai bán trên đường phố Hà Nội có an toàn không?

Trong mấy ngày này, thời tiết ở các tỉnh phía Bắc đã lên tới đỉnh điểm khi nhiệt độ ban ngày đôi khi vượt ngưỡng 40 độ, cùng lúc ấy loại quả có tên là thanh mai tỏ ra được lòng khách và bán chạy khi được quảng cáo là "loại quả giải nhiệt mùa hè". Vậy loài cây này thực sự có xuất xứ từ đâu và có tác dụng như thế nào?

Thanh mai (Myrica esculenta). Ảnh: Wikipedia

Theo Wikipedia, họ Thanh mai (tên khoa học Myricaceae);là một họ nhỏ trong thực vật có hoa hai lá mầm dạng cây bụi và cây gỗ nhỏ, với lá đơn mọc so le và không có lá đi kèm. Lá có hình thìa hay mác ngược và được bao phủ một lớp tuyến thơm, tiết ra chất sáp.

Theo tài liệu từ trang Ayushveda (Mỹ), loài Thanh mai đang bày bán ở Việt Nam có tên gọi khoa học là Myrica esculenta, ngoài ra nó còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau như Myrica sapida, Myrica nagi, Myrica integrifolia. Đây là loài thực vật bản địa của Nepal và bắc Ấn Độ, đặc biệt thường tìm thấy ở vùng Punjab, gadwall, kumaun, Khasia Mountains (Ấn Độ) hoặc những ngọn núi có độ cao từ 3000 đến 6000m so với mực nước biển ở Ấn Độ và Nepal. Tên tiếng Anh của nó là Himalyan bayberry có lẽ một phần do xuất xứ từ vùng núi Himalaya này.

Do quá trình phát tán tự nhiên, nó cũng được tìm thấy ở nhiều vùng núi thuộc các nước lân cận như Trung Quốc và Việt Nam và được gọi là Chinese Bayberry, thực chất cũng là một biến thể của Myrica esculenta, tên chính xác là Myrica rubra. Tại Trung Quốc, nó được gọi là yangmei (yángméi, hoặc dương mai) hay còn gọi là thanh mai đỏ, theo quan sát của chúng tôi, loại quả thanh mai đang bày bán ở Việt Nam chính là loại dương mai (thanh mai đỏ) này và còn được gọi là Dâu rượu.

Dương mai, hay còn gọi là thanh mai đỏ (Myrica rubra), tên tiếng Anh là Chinese BayBerry, tên tiếng Trung là Yangmei - Ảnh: Wikipedia

Một cây Thanh Mai trưởng thành có chiều cao trung bình từ 6 đến 7,5m. Vỏ cây mềm và dễ bóc tách, lá dài từ 30-60 cm. Hoa có màu trắng và thường mọc theo chùm kiểu bông cùng gốc, hoa cái có 2 - 4 lá hoa, không đĩa mật, bầu trên một ô với 2 đầu nhụy. Khi kết trái, các quả Thanh mai tạo thành chùm dài từ 15-45cm, còn hạt trái cây này có hình tam giác và có vị chát.

Theo Trung tâm dữ liệu thực vật Việt Nam (BotanyVN), trên thế giới hiện có 2 chi và 35 loài, phân bố ở toàn cầu, chủ yếu ở nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong khi ở Việt Nam chỉ có 1 chi, 2 loài và mọc hoang ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, do số lượng chủ yếu là mọc tự nhiên và ít chú trọng khai thác nên không có nhiều để bày bán tràn lan như ở Hà Nội vừa qua. 

Hình thức trồng, thu hoạch và bảo quản

Dựa theo các thảo luận của trang Year in Suzhou trên BlogSpot và diễn đàn Alibaba, tại Trung Quốc, loài cây này đã được trồng đại trà cho mục đích tạo ra sản phẩm công nghiệp. Tại Trung Quốc, loại quả này bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào giữa tháng Năm và chủ yếu được đưa về từ phía Nam của Trung Quốc. Cụ thể, chủ yếu đến từ đảo Dongshan (tỉnh Quảng Đông) và Tây Sơn của nước này, đây cũng là những địa phương được đánh giá là cho ra những loại quả thanh mai tốt nhất.

Khi trồng công nghiệp trong các trang trại, người ta thường sử dụng phân bón Nitơ và Kali để tăng tốc sinh trưởng, lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây sẽ ảnh hưởng tới màu sắc, kích thước và chất lượng của quả thanh mai sau này. Việc chăm sóc thường được tập trung vào mùa xuân, lúc cây bắt đầu ra chồi và lúc này ngoài việc bón phân hay tưới nước người ta còn phải cắt tỉa nhằm đảm bảo cho cây hấp thu tốt ánh sáng và dinh dưỡng, tập trung cho mùa vụ sắp tới.

Vùng đất trồng tốt nhất được cho là vùng đồi núi, nằm ở bờ phía đông của hồ Taihu (Tây Sơn, Trung Quốc), nơi đây đất đồi nhưng không quá khô do ở cạnh hồ, lại cao ráo, không bị úng nước. Người ta thường mở các trang trại trồng thanh mai ở quy mô lớn, vừa tối ưu lợi nhuận vừa biến nơi đây thành địa điểm du lịch mỗi mùa hoa thanh mai nở rộ.

Một rổ thanh mai đỏ nặng hơn 2kg mới được khai thác ở trang trạiTrung Quốc - Ảnh: Year in Sozhu

So với các loại trái cây khác, tình hình sâu bệnh gây hại trên loại thanh mai ít hơn nhiều, do đó hầu như không cần đến một hình thức kiểm soát dịch bệnh nào đáng kể như phun thuốc trừ sâu, tuy nhiên không loại trừ việc các trang trại vẫn phun thuốc nhằm đảo bảo chắc chắn cho mùa vụ. Có thể kể tới một vài loại sâu ăn gây hại đến loài thanh mai như sâu bướm dâu, sâu ăn lá... những loại này đôi khi làm thối quả thanh mai hoặc gây đốm lá, tuy nhiên tỷ lệ xuất hiện chỉ vào khoảng 5%. Nếu sử dụng, người ta khuyến cáo nên phun thuốc (ở dạng dung dịch pha loãng, nồng độ thấp) khoảng 10-15 ngày trước khi thu hoạch.

Theo những người địa phương, đây là loài quả mong manh (dễ vỡ) khi chín mọng, nên việc vận chuyển đi xa khá khó khăn, cũng không phù hợp với các phương pháp khai thác công nghiệp (máy móc cơ khí) và bảo quản lâu. Vì vậy, người ta thường khai thác ngay khi quả vừa già hoặc mớm chín và chủ yếu khai thác thủ công (bằng tay), có lẽ cũng chính việc trái cây này mau hong nên ít nhiều khiến người ta ngại trồng phổ biến thanh mai để kiếm lợi về kinh tế.

Trước khi thu hoạch, người ta phải cắt tỉa móng tay cho gọn gàng, sau đó tiến hành phân loại quả, những quả chín mọng phải sử dụng ngay, trong khi những quả sắp chín sẽ được đóng gói và vận chuyển tới những nơi tiêu thụ ở xa, còn các quả đã thối rữa phải được loại bỏ tránh ảnh hưởng tới thành phẩm còn lại.

Việc thu hoạch thường diễn ra vào đầu buổi sáng hoặc buổi tối, không thu hoạch khi trời nắng hoặc mưa, bản thân nước mưa ngấm vào trái cây sẽ dễ làm hư hỏng hoặc ẩm mốc khi bảo quản.

Theo Year in Sozhu, Vào mỗi mùa vụ, tính từ khi thanh mai bắt đầu vào mùa, người ta chỉ có thời hạn chừng 1 tuần để khai thác và sau đó bảo quản nơi khô ráo trong tủ lạnh thì cũng chỉ giúp kéo dài thời hạn sử dụng được tầm 2 tuần, sau thời gian đó quả thanh mai sẽ thường bị mềm nhũn dần, mốc meo và hỏng.

Điều này cũng đặt ra dấu hỏi về việc loại quả này du nhập vào Việt Nam và bày bán tràn lan trên các vỉa hè ở Hà Nội trong điều kiện nắng nóng trong thời gian dài như vậy có dùng đến hóa chất bảo quản nào khác hay không? Bởi ở điều kiện tự nhiên ngoài trời, nó chỉ bảo quản tối đa được 3-5 ngày, và khi bảo quản tối ưu bằng tủ lạnh cũng chỉ tối đa được 2 tuần.

Giá trị y dược học

Hiện vẫn chưa có tài liệu khoa học nào mô tả chi tiết thành phần hóa học có trong quả thanh mai. Nhưng dựa trên tài liệu tham khảo từ Ayushveda thì chúng ta được biếttrong ngành dược, vỏ và trái loài cây này được chế xuất thuốc kiểm soát các xung chức năng của hệ thần kinh và dịch cơ thể (vata và kapha).

Cụ thể, các hợp chất có trong Thanh mai giúp kích thích hệ thống thần kinh và cải thiện hoạt động đường tiêu hóa do các đặc tính dễ tiêu của nó. Nó cũng chứa các chất giúp cải thiện lưu thông máu và giảm phù nề ở các bộ phận trong cơ thể. Bên cạnh đó, nó còn giúp đào thải bớt các chất nhờn được lích lũy quá mức trong đường hô hấp (nhất là khi hen suyễn).

Ngoài ra, nó cũng chứa các hoạt chất kích thích tình dục và rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về da. 

Theo blog Year in Sozhu, người ta thường ngâm rượu để bảo quản thanh mai và sử dụng trái cây ngâm rượu này để chữa các bệnh liên quan tới rối loạn tiêu hóa hoặc đau dạ dày. Người Trung Quốc truyền tụng nhau rằng, khi đau dạ dày, bạn chỉ cần ăn một miếng thanh mai ngâm rượu, cơn đau sẽ dịu lại ngay. Tuy nhiên điều này vẫn chỉ là lời đồn, chưa có nhiều cơ sở khoa học để chứng minh đặc tính này của thanh mai.

Quả Thanh mai đang bày bán ở Hà Nội - Ảnh: Zing News

Tại Việt Nam, theo bác sĩ Nguyễn Thị Liễu trả lời trên Zing News, vào mùa hạ, người ta thu quả phơi khô chữa đau bụng, lỵ, ngày dùng 8-12 g vỏ khô sắc với nước uống trong ngày. Để chữa lở ngứa, dân gian thường dùng vỏ thân hoặc vỏ rễ sắc nước để rửa nơi bị ngứa. Cũng theo bác sĩ Liễu, ở Việt Nam người ta ít dùng loại quả này làm thuốc, mà chỉ thường cho trẻ con ăn hoặc bán để ngâm rượu hay nước uống giải nhiệt cho mùa hè. Trong khi đó, tại Trung Quốc, người ta còn dùng thanh mai để chữa ho, đau dạ dày, tiêu chảy, lỵ. Hạt được dùng chữa mồ hôi chân.

Giá trị kinh tế

Quả Thanh mai thường được dùng để ăn trực tiếp hoặc ngâm rượu, trong công nghiệp nó được đun lên để sản xuất sáp và dùng để chế rượu vang (Myrica esculenta).

Tuy nhiên, theo một bản báo cáo trên trang FloriData (Mỹ), một số loài của chi này như Myrica faya đã bị tố cáo là sinh sôi phát triển quá nhanh và tràn lan, đe dọa cân bằng sinh vật học tại đảo Hawai nên việc nhân rộng hoặc lai tạo nó thành giống cây trồng thì cần thận trọng tham khảo thêm từ các chuyên gia nông lâm.

Một cây thanh mai đỏ được trồng trong vườn - Ảnh: Wikipedia

Mức độ sử dụng

Dựa theo thông tin từ Ayushveda, loại quả này không gây ra độc tố hoặc tác dụng phụ nào đáng kể khi sử dụng ở mức bình thường. Tuy nhiên, theo chúng tôi với việc nguồn gốc của loại quả thanh mai đang bày bán ở Hà Nội chưa rõ ràng và được bày bán tràn lan, nếu có nhu cầu sử dụng bạn cần lựa chọn các quả không bị dập nát, nên rửa sạch và thận trọng dùng ở mức độ vừa phải, sử dụng tối đa trong 2 tuần (nếu bảo quản bằng tủ lạnh) và 2-4 ngày nếu để trong điều kiện nhiệt độ phòng ở nơi khô ráo.

H.T

Chủ đề khác