VnReview
Hà Nội

Ăn cá sống thường xuyên dễ bị ung thư gan

Một nghiên cứu suốt 3 thập kỷ của các nhà khoa học Thái Lan cho thấy một món ăn truyền thống của quốc gia này có thể là nguyên nhân chính của 2.000 bệnh nhân ung thư gan cholangiocarcinoma mỗi năm.

Món ngon đãi bạn

Koi plaa là món ăn rất phổ biến với những người dân sống tại cao nguyên Isan phía tây bắc Thái Lan. Phần lớn dân ở đây có gốc Lào vì biên giới tự nhiên của Thái và Lào tại đây là con sông Mekong xuôi về Campuchia và chảy ra biển Đông ở phía Việt Nam. Với đa số dân nghèo ở đây, Mekong và các phụ lưu của nó là nguồn cung cấp thức ăn chính, ví như món koi plaa.

Koi plaa meal

Món ăn rẻ tiền mà ngon miệng

Koi plaa là một món cay và khá ngon miệng, cũng rất rẻ tiền vì nó tận dụng sẵn mọi nguyên liệu có trong vùng. Đầu tiên những con cá nhỏ được bắt lên từ dưới sông sẽ được băm nhuyễn ra, rồi trộn bằng tay với các loại thảo mộc, nước chanh cùng với loài kiến đỏ. Sau khi được nhào đều thành như trong hình, bạn có thể bắt đầu thưởng thức.

Song vấn đề của món này là các nguyên liệu không được nấu chín. Người dân ở đây đã ăn sống như vậy hàng ngàn năm qua.

Koi plaa making

Toàn bộ các nguyên liệu của koi plaa đều "sống"

Đàn ông ở đây thường dùng koi plaa để đãi bạn

Tuy vậy với sự tiến bộ của y học cũng như điều kiện xã hội, những khảo sát y tế cho thấy nhiều cộng đồng tại Isan có tỷ lệ ung thư gan cao hơn các khu vực khác. Đặc biệt với những người đàn ông Isan (những người thích "chiêu đãi bạn bè"), nó chiếm tới hơn phân nữa số ca ung thư. Trong khi tỷ lệ này trên toàn cầu chưa tới 10%.

Mầm ung thư

Do đa số dân ở đây không nấu chín koi plaa trước khi ăn, những ấu trùng sán lá gan vẫn sống sót và làm tổ trong bụng của người ăn. Nghe có vẻ khó tin, vì ký sinh trùng là một hiện tượng phổ biến từ hàng triệu năm qua, sao có thể khẳng định chúng gây ra ung thư?

Sán lá gan được lấy ra từ gan bệnh nhân

GS. Banchob Sripa thuộc phòng Nghiên cứu Dịch tễ Nhiệt đới thuộc ĐH Khon Kaen (Thái Lan) đã đi đến kết luận như vậy. "Chúng tôi đã nghiên cứu mối quan hệ này (giữa sán lá gan và ung thư gan) suốt hơn 30 năm qua. Chúng tôi nhận thấy rằng sán lá gan có thể tạo ra một hoá chất gây kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể - phản ứng viêm. Và sau nhiều năm, hiện tượng này trở thành phản ứng viêm mãn tính, thứ sau cùng trở thành ung thư".

Nhóm nghiên cứu của ông phát hiện ra có những cộng đồng mà đến 80% dân số bị nhiễm sán. Thậm chí có cả những đứa trẻ chỉ mới 4 tuổi. Tuy vậy, ung thư gan không xuất hiện ngay từ đầu mà thường phải đến sau 50 tuổi. Vấn đề là, một khi đã chuyển thành ung thư, có rất ít cơ hội cho bệnh nhân.

cholangiocarcinoma

Phần khối u;cholangiocarcinoma trên gan bệnh nhân

Tại bệnh viện thuộc trường đại học mà Sripa làm việc, mỗi năm họ nhận được khoảng 2.000 bệnh nhân mắc chung một chứng ung thư gan gọi là cholangiocarcinoma. Dấu hiệu nhận biết chứng này là bệnh nhân bị vàng da và mắt. Tất nhiên với dân Đông Nam Á da vàng thì chỉ có nhận diện qua mắt là rõ nhất.

Song chỉ có khoảng 200 bệnh nhân có thể chữa được, thường là bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u khỏi gan. Còn với 90% còn lại, bác sỹ chỉ có thể cho thuốc giảm đau, hoặc đặt ống dẫn dịch mật, cho tới khi tử thần giành mất họ.

Thay đổi cách sống

Dĩ nhiên, phòng ngừa hơn chữa bệnh. Bằng cách thay đổi cách làm món koi plaa, những người chưa bị nhiễm sán lá gan vẫn có thể tránh được việc bị lây nhiễm, cụ thể là nấu chín chúng trước khi ăn.

Liver fluke life cycle

Vòng đời của sán lá gan

Một vấn đề khác nữa là thay đổi cách đi vệ sinh. Nhiều người dân ở đây vẫn "ngũ cốc luân hồi" trực tiếp trên các con sông, dòng suối. Và nếu bụng họ có sán, thứ họ thải ra dòng sông sẽ có trứng sẵn nằm sẵn trong đó. Những con ốc sên sẽ ăn phải chúng và đến lượt lũ ốc bị cá ăn tiếp. Rồi lũ cá lại chui vào bụng người, tạo thành vòng tuần hoàn kín. Vì vậy để phá vỡ chu trình trên, người dân cần đi vệ sinh đúng nơi quy định.

Tuy vậy, thực tế là cả một quá trình dài vì ý thức con người vẫn là khâu yếu nhất. Ngoại trừ lớp trẻ được giáo dục đầy đủ từ nhỏ, những người lớn tuổi với thói quen từ hàng chục năm rất khó thay đổi. Jongluck Laonongkwa, một người đàn ông 61 tuổi, trong khi được khám bằng máy siêu âm, cho biết: "Thi thoảng tôi nấu chín, nhưng thi thoảng tôi lại quên". Kamphan Sapsombat, một người đàn ông 71 tuổi khác, đang được điều trị ở bệnh viện với khối u không phẫu thuật được. Đôi mắt vàng của ông cho thấy túi mật đã hoàn toàn bị tắc.

Bệnh nhân này không còn được bao ngày nữa

Sripa nhận xét: "Tôi cho rằng 60% người dân hiểu nguyên nhân của ung thư gan. Họ biết rõ sán lá gan. Nhưng 10% vẫn tiếp tục ăn cá sống. Tôi cho rằng 10% đó không thể nào thay đổi. Do vậy chúng ta nên cải tạo môi trường, giúp nguồn cá sạch hơn, từ đó ít bị nhiễm sán hơn".

Các chương trình giáo dục cộng đồng được triển khai nhằm khuyến khích người dân đi vệ sinh đúng chỗ, không thải vào hồ nước hay sông suối. Kết quả là ở những nơi chương trình diễn ra, tỷ lệ nhiễm sán đã giảm đáng kể, chỉ còn dưới 10%.

Một chương trình giáo dục ăn sạch, ở sạch tại Thái

Đó là câu chuyện ở Thái, Lào. Nhưng còn người Việt ta thì sao? Có lẽ vẫn là câu nói của người xưa có ý nghĩa nhất, "cái miệng hại cái thân".

Huyền Thế

Theo BBC và Wikipedia

Chủ đề khác