VnReview
Hà Nội

Chùm ảnh tuyệt đẹp về triển lãm hàng không Paris 2015

Paris Air Show là một trong những triển lãm hàng không nổi tiếng và lâu đời nhất thế giới, là nơi mà các hãng máy bay giới thiệu những sản phẩm và công nghệ mới nhất của họ. Sau đây là những hình ảnh ấn tượng nhất được ghi nhận tại ngày đầu của sự kiện 2015 này.

Đội bay trình diễn của hàng không quốc gia Pháp mở màn khai mạc triển lãm năm nay bằng màu cờ quốc gia này.

Bombardier, nhà sản xuất máy bay Canada

Hãng Bombardier, nhà sản xuất máy bay của Canada, mang đến triển lãm Paris dòng sản phẩm CSeries, nhằm loại bỏ những mối nghi ngại về vấn đề chi phí sản xuất cũng như các khó khăn vốn đã khiến dòng máy bay này bị trì hoãn ra mắt nhiều lần. Sự xuất hiện của Bombardier CSeries sẽ giúp hãng tìm kiếm những khách hàng đầu tiên khi họ nhìn thấy chúng bay lượn trên bầu trời Paris.

Bên trong buồng lái của Bombardier CS100. Tại triển lãm năm nay, Bombardier mang đến 2 phiên bản CSeries là CS100 và CS300.

Việc ra mắt trễ 2 năm của dòng CSeries đã khiến cho các khách hàng của Bombardier chuyển sang đế chế độc quyền kép của Boeing và Airbus. Tuy vậy, không có gì đảm bảo khi nào và ở đâu, sẽ có những khách hàng quay lại với Bombardier để đặt mua CSeries.

Airbus A380 và A350

Các phóng viên có cơ hội được "đột nhập" vào khoang hạng nhất trên chiếc Airbus A380. Đây là chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới tính đến hiện tại với sức chứa từ 525 - 853 người tuỳ theo cách sắp xếp ghế ngồi. Tuy vậy với mức giá mua mới đắt đỏ lên tới 381 triệu Euro, hiện A380 đang có nguy cơ đối mặt với việc không có hợp đồng mua mới nào và việc sản xuất sẽ kết thúc vào 2018. Nhiều khả năng các hãng hàng không sẽ tìm đến những chiếc A380 đã qua sử dụng với mức giá thấp hơn khá nhiều.

Khoang hạng nhất của A380

Do vậy CEO của Airbus, Fabrice Bregier, cho biết đang xem xét việc kéo dài thân A380 ra thành một chiếc superjumbo với sức chứa nhiều hàng khách hoặc hàng hoá hơn như là một giải pháp để kích cầu có thêm khách mua mới cho chiếc phi cơ đắt tiền này.

Airbus A380, máy bay chở khách lớn nhất thế giới

Chiếc Airbus A350 XWB đang trình diễn màn bay lượn trên không tại ngày đầu tiên của triển lãm 2015. Hãng này vừa ký kết một hợp đồng mua mới 30 chiếc A350, model mới nhất của Airbus, với hãng hàng không PT Garuda Indonesia. Được biết hợp đồng này có giá trị hơn 9 tỷ USD.

Gulfstream, hãng máy bay cỡ nhỏ

Gulfstream, hãng chuyên về máy bay doanh nhân cỡ nhỏ của Mỹ, mang tới triển lãm phiên bản 2 cabin lớn dựa trên model G650. G650 là mẫu máy bay doanh nhân khá thành công và giành được cảm tình của giới nhà giàu từ năm 2012 nhờ phần nội thất rộng rãi và khả năng bay xa của nó.

General Electric

Khách tham quan đứng quanh chiếc động cơ phản lực thế hệ mới GEnx của hãng General Electric (GE). Được biết bộ phận Dịch vụ hàng không thủ đô (GECAS) của hãng này vừa đặt mua 60 chiếc Airbus A320neo. Những chiếc A320 này sẽ được trang bị các động cơ GEnx mới trên. A320 là một trong những sản phẩm thành công nhất của Airbus khi nó nhận được tới hơn 11.700 đơn đặt hàng và hiện có hơn 6.500 chiếc đã được giao cho khách hàng.

Bên hông chiếc động cơ GEnx thế hệ mới. Hiện GE đang là nhà cung cấp động cơ duy nhất cho mẫu máy bay Boeing 737 MAX.

Safran (Pháp)

Cận cảnh động cơ phản lực LEAP của hãng Safran (Pháp) tại triển lãm Paris. Đây là mẫu động cơ mới nhằm thay thế động cơ CFM56 vốn được Safran và GE hợp tác phát triển từ 1974. LEAP tiếp tục là thành quả hợp tác của 2 công ty trên khi ra mắt từ 2008 và hiện động cơ này đang được sử dụng trên các máy Boeing 737 MAX, Airbus A320neo và Comac C919.

Máy bay không người lái

Triển lãm ở Paris không chỉ dành cho máy bay dân dụng. Trong hình là chiếc máy bay không người lái (drone) Orbiter 3 Le Small Tactical UAS, một trong những sản phẩm quân sự có mặt tại sự kiện.

Máy bay quân sự Airbus

Một chiếc xe chiến đấu bộ binh vừa chui ra từ cửa sau của máy bay quân sự Airbus A400M trong phần trình diễn dỡ bỏ hàng hoá. Được ra mắt hồi 2003, A400M là một máy bay đa năng có khả năng đảm nhận các nhiệm vụ hậu cần cũng như chiến thuật và có thể đóng vai trò như máy bay tiếp trên không cho những chiếc tiêm kích.

Chiếc trực thăng đa năng Airbus H145M, vốn có tên cũ Eurocopter EC145. Do chi phí vận hành thấp, nó được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới kể cả trong quân đội Mỹ. Tại Mỹ, nó có phiên bản quân sự với tên gọi UH-72A Lakota. Airbus H145M còn được dùng cho các mục đích dân sự như cứu hộ, cảnh sát hoặc chuyên chở nhẹ.

Một kỹ sư đang chuẩn bị cho chiếc máy bay điện Airbus E-Fan. Hiện chiếc máy bay 2 chỗ ngồi này vẫn còn trong giai đoạn phát triển và nó chỉ mới thực hiện chuyến bay đầu tiên hồi tháng 3 năm ngoái.

Dassault (Pháp)

Hãng Dassault (Pháp) đang trình diễn chiếc tiêm kích Rafale của mình. Hãng này hiện có 24,6% cổ phần được nắm giữ bởi Airbus và vừa giành được một hợp đồng xuất khẩu 24 chiếc Rafale cho Ai Cập hồi tháng 2 năm nay trong một gói thầu quân sự trị giá tới 5 tỷ EUR.

Huyền Thế

Theo Bloomberg

Chủ đề khác