VnReview
Hà Nội

Sự mong manh của Đông Nam Á trước đại hạn từ El Niño

Hiện tượng El Niño đang đang tiếp tục cho thấy những diễn biến nguy hiểm trong năm nay khi cơ quan Đại Dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) Mỹ đã nâng mức độ tác động mạnh mẽ tới thế giới lên tới 85%.

Dấu hiệu nguy hiểm trên được cơ quan Đại Dương và Khí quyển Mỹ báo cáo gần đây cho thấy đã đến lúc chính phủ các nước trên thế giới cần bắt tay vào thực hiện các cuộc cải cách mạnh mẽ hơn liên quan đến môi trường. Đặc biệt, các quốc gia Đông Nam Á nên là các quốc gia chủ động hàng đầu bởi nguy cơ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và El Niño tại khu vực này là rất lớn, đó là chưa kể tỷ lệ phụ thuộc vào nông nghiệp tại các quốc gia ở đây vẫn còn khá nhiều, trong đó có Việt Nam.

Theo Herry Purnomom một nhà khoa học nghiên cứu nông nghiệp và lâm nghiệp cộng đồng tại Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế;ở Bogor, Indonesia cho biết: "Kể cả không có El Niño thì ở Indonesia đều có cháy rừng hàng năm. Chúng tôi lo ngại rằng (trong năm sắp tới này) cháy rừng sẽ trở nên tàn khốc hơn".

El Niño theo phiên âm tiếng Tây Ban Nha là "đứa trẻ", có ý nói đến Chúa Jesu Hài đồng, trái ngược với La Niña. Đây là một trong những hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, gây nhiều thiệt hại cho con người từ hơn 5.000 năm qua. Hiện tượng này xảy ra theo một chu kỳ lặp lại khoảng 3 - 4 năm/lần, khi vùng biển ngoài khơi phía tây Nam Mỹ ấm lên bất thường và kéo theo đó là loạt ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu như thay đổi lượng mưa và gián tiếp gây ra tình trạng hạn hán tại nhiều khu vực trên thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hiện tượng thời tiết này đang kết hợp cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu xảy ra ở tầng bình lưu gây nên nhiều thảm họa có sức tàn phá kinh hoàng hơn tới cuộc sống của con người.

Hẳn nhiều người tại Đông Nam Á sẽ nhớ đến một trong đợt El Niño mạnh mẽ nhất từng xảy ra trong giai đoạn 1997 - 1998. Đợt El Niño năm đó đã gây ra cái chết cho hơn 24.000 người và làm thiệt hại hơn 34 tỷ USD. Riêng tại Việt Nam, nó đã làm thiệt hại mùa màng với giá trị ước tính lên tới 5.000 tỷ đồng. Khi đó, nắng nóng kỷ lục đã thiêu rụi hơn 5 triệu ha rừng tại Indonesia và được coi như là một sự kiện có quy mô lớn lớn cứ nửa thế kỷ mới xảy ra một lần.

Thời tiết khô hạn và thiếu nước trầm trọng đã gây nên tình trạng thiếu hụt lương thực kỷ lục tại Indonesia thời điểm đó. Chính phủ Indonesia sau đó đã phải khẩn cấp mua 5,8 triệu tấn gạo để cứu đói cho dân chúng và đây được coi là số lượng gạo lớn nhất mà một quốc gia từng phải nhập khẩu.

Tuy nhiên, ký ức kinh hoàng về tác động của El Niño tới Indonesisa chỉ là một câu chuyện rất nhỏ trong nhiều câu chuyện mà Đông Nam Á đang phải đối mặt.

Đơn cử tại Việt Nam, đợt nắng nóng đỉnh điểm trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất đã chạm ngưỡng 40 °C kéo dài hơn 1 tuần hồi cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy vừa qua tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã gây nên một tình trạng đáng lo ngại đối với các nhà nghiên cứu khí hậu.

Không chỉ vậy, chỉ sau đó vào ngày 6/7, nhiệt độ tại Sa Pa (Lào Cai) đã giảm thấp kỷ lục, xuống chỉ còn 12,6 °C và thời tiết gần như mùa đông giữa mùa hè nắng nóng.

Đó chính là một trong những biểu hiện đang ngày càng cực đoan hơn của hiện tượng El Niño tới các quốc gia Đông Nám Á, trong đó có Việt Nam, một quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm.

Cần đối phó khẩn trương nhưng cũng nên phòng ngừa đúng cách

Mặc dù nhiều vụ mất mùa do hạn hán gây nên là điều không thể tránh khỏi nhưng nếu có kỹ năng và hiểu biết để đối phó với El Niño, nông dân ở Đông Nam Á chắc chắn sẽ không phải bỏ ruộng đất để chuyển sang các ngành nghề khác như hiện nay. 

Trong khi đó, hệ sinh thái xanh bao gồm các cánh rừng nguyên sinh hay nhiều diện tích đất nông nghiệp đều đã và đang là những điểm tựa quan trọng trong việc ngăn chặn El Niño cũng như các tác động nguy hiểm của nó tới con người.

Nhưng đáng tiếc là hầu hết người dân Đông Nam Á hiện nay, nhất là những người gây nên tình trạng phá rừng và đất nông nghiệp lại không hề mảy may quan tâm tới những tác động mà nó có thể tạo ra sau đó. Thiếu kiến thức, không được phổ biến, cơ chế chính sách nghèo nàn, lỏng lẻo tại một số quốc gia cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu thúc đẩy tình trạng này.

Cháy rừng là việc hoàn toàn có thể phòng ngừa và ngăn chặn được. Nhưng bởi lẽ tình trạng này cũng có phần đóng góp lớn của con người gây ra nên cũng chính con người nên là những người tự giải quyết.

Từ năm 1998 tới nay, nạn phá rừng đã gia tăng nhanh chóng ở đảo Borneo và Sumatra của Indonesia, đặc biệt là tại tỉnh Riau. Rừng bị cháy và mất đi cũng đồng nghĩa với việc đất đai bị suy thoái, mất chất dinh dưỡng cũng như xảy ra tình trạng lũ quét, lũ ống nhiều hơn.

Khi nạn phá rừng và chuyển đổi hình thức sử dụng đất đang ngày càng gia tăng, vấn đề này đòi hỏi chính phủ các nước cần có những hành động thực tế hơn để ngăn chặn. Một trong số những biện pháp đó là cấm việc dùng lửa để phát quang rừng, mở rộng các kênh rạch dẫn nước hay tăng độ ẩm trên nhiều đầm lầy...

Một vấn đề nữa cũng được nhắc đến trong câu chuyện El Niño đó là vấn đề kinh tế. Khi mà con người hiện nay vẫn khó có thể thay đổi thời tiết theo ý muốn thì chỉ có biện pháp duy nhất là dùng tiềm lực tài chính để đối phó. Rõ ràng rằng, nếu như các quốc gia và chính phủ yếu kém không có đủ nguồn lực dể đối phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm thì cũng chính quốc gia đó đang bị cô lập, bởi lẽ sẽ khó có một quốc gia nào có thể bảo vệ rừng thay cho quốc gia khác được.

Trở lại vấn đề này khi nhắc đến khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là một khu vực đang tăng trưởng năng động thuộc hàng bậc nhất Châu Á. Với tiềm lực tài chính hiện có trong các quốc gia Đông Nam Á cùng với đó là những cơ chế mới được hình thành trước khi chính thức trở thành Cộng Đồng ASEAN vào cuối năm nay, người dân tại khu vực này vẫn có thể an tâm trước khả năng đối phó với hiện tượng El Niño.

Giống như nhiều các tổ chức và hiệp hội khác, ASEAN cũng có nhiều cơ chế ưu tiên cho việc bảo vệ môi trường. Ví dụ như Hiệp định về Ô nhiễm Khói mù Xuyên biên giới được phê duyệt bởi Indonesia hồi năm 2014 vừa qua. Hiệp định này yêu cầu các quốc gia cần chung tay đối phó với các quốc gia khác trong việc ngăn chặn nạn cháy rừng và đám khói sau hoả hoạn có ảnh hưởng tới các nước lân cận.

Tuy nhiên, như đã nói từ đầu, để phòng ngừa sao cho đúng cách cũng phụ thuộc khá nhiều vào các chính sách và sự quyết đoán của giới lãnh đạo các nước. Đã có nhiều phân tích chỉ ra rằng, tình trạng người dân đốt rừng để chuyển sang trồng cọ đang gia tăng do có những ưu đãi từ ngành sản xuất nhiều lợi nhuận này. Câu chuyện có lẽ chưa dừng ở đó khi nhiều người sẽ giở thói "khôn vặt" để đốt rừng và yêu cầu bồi thường đất từ phía Chính phủ.

Các giải pháp ngắn hạn có thể sẽ là quá ít tác dụng nếu các quốc gia Đông Nam Á nói riêng và nhiều quốc gia khác trên thế giới không có những biện pháp chiến lược dài hạn. Đó là việc thay đổi, cải tiến kết cấu canh tác đất nông nghiệp, đất rừng, kiểm soát diện tích sử dụng đất, giảm nạn tham nhũng và tiếp tục thi hành nhiều biện pháp trao quyền sử dụng đất đúng đắn.

Tầm nhìn xa hơn trong tương lai?

Mặc dù El Niño là một hiện tượng mang tính chu kỳ nhưng các nhà khoa học nhận định hiện tượng này có thể liên quan tới dấu hiệu của nhiều hiện tượng khí hậu khác có thể xảy ra trong tương lai.

Do đó, việc giảm thiểu hoặc ngăn chặn kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trong tương lai sẽ cần sợ trợ giúp khá nhiều từ các nhà khoa học khí hậu trong việc vẽ ra những kịch bản, đồng hành với đó là trang bị những kiến thức đối phó và tập dượt trước những hiểm họa thiên nhiên có thể ập tới bất ngờ.

Ngay thời điểm hiện tại ở trên khắp các quốc gia Châu Á, bao gồm Việt Nam đã và đang chuẩn bị những đóng góp quan trọng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21) dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay tại Paris (Pháp).

Việt Nam là một quốc gia phát thải khí nhà kính thấp trên thế giới. Số liệu năm 2010 ghi nhận khí thải nhà kính do Việt Nam phát thải chỉ khoảng 246,8 triệu tấn bao gồm cả việc sử dụng, thay đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp. Con số này là thấp hơn rất nhiều so với con số 30,6 tỷ tấn khí thải của toàn thế giới trong năm 2010.

Tuy vậy, Việt Nam đã và đang là quốc gia hàng đầu phải hứng chịu nhiều tác động từ hiện tượng biến đổi khí hậu và El Niño. Do đó, dù bằng cách nào đi chăng nữa, việc thúc đẩy một hiệp ước khung toàn cầu sau khi kết thúc Hiệp định Tokyo về biến đổi khí hậu năm 1995 vẫn là một điều cần phải thực hiện sớm tại COP 21 sắp tới.

Nhưng trên hết, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á vẫn nên tự xây dựng cho mình một chương trình hành động thiết thực hơn nhằm ngăn chặn hiện tượng El Niño. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ từ các quốc gia tiên tiến khác như Hà Lan, Thụy Điển, Nhật Bản... để khẩn trương đối phó và khắc phục kịp thời nhiều hiểm họa tự nhiên sẽ còn diễn biến trong thời gian tới.

Trần Tiến

Tham khảo The Dipomat, Cục khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên Môi trường

Chủ đề khác