VnReview
Hà Nội

Trẻ sơ sinh bị mù vì đèn flash - Không có cơ sở!

Những ngày qua, thông tin về một trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi ở Trung Quốc bị mù vĩnh viễn do ánh đèn flash lan truyền rất nhanh trên Internet. Song đèn flash có thực sự là nguyên nhân của vụ việc?

Hình ảnh đứa bé 3 tháng tuổi bị mù ở Trung Quốc

Câu chuyện bắt đầu từ thứ Hai tuần này khi tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đưa tin một cặp vợ chồng khẳng định đứa con trai 3 tháng tuổi của họ bị mù sau khi một người bạn đã chụp ảnh chú bé với ánh đèn flash ở cự ly gần (khoảng 25 cm). Họ nhận ra có gì đó không ổn với thị lực của đứa bé sau đó và đã mang con mình tới bệnh viện để khám. Mắt trái của chú bé không còn nhìn rõ và mắt phải đã bị mù.

Bác sỹ sau đó cho biết tổn thương lên đôi mắt của đứa bé là vĩnh viễn và không thể phẫu thuật để cứu. Ngay lập tức câu chuyện này đã gây sốt trên khắp thế giới mạng không chỉ ở Trung Quốc mà còn lan ra toàn cầu. Nhiều bậc phụ huynh trở nên lo ngại cho hài nhi bé bỏng của họ và một tâm lý "anti" đèn flash xuất hiện.

Tuy nhiên những gì mà mọi người đọc được liệu có hoàn toàn đúng? Có gì chắc chắn chính ánh đèn flash là thủ phạm khiến đôi mắt của chú bé bị suy giảm thị lực và mù?

Sau khi thông tin trên được lan truyền, rất nhiều các bác sỹ và giáo sư nghiên cứu về mắt đã phản bác lại lập luận của đôi vợ chồng trên. Theo họ, ánh đèn flash không phải nguyên nhân gây mù ở trẻ nhỏ.

Hiện tượng mắt đỏ (red eye) rất phổ biến khi chụp ảnh bằng flash nhưng mắt của trẻ hoàn toàn không bị ảnh hưởng

GS. Alex Levin, trưởng khoa mắt trẻ em và di truyền về mắt thuộc BV Mắt Wills ở Philadelphia (Mỹ), nói với Yahoo Parenting: "Nếu kết luận (của đôi vợ chồng) đúng, thì phải có rất rất nhiều trẻ em bị mù ở ngoài kia. Chúng tôi phẫu thuật trên nhiều trẻ nhỏ và chiếu những tia sáng mạnh trực tiếp lên những phần nhạy cảm nhất của đôi mắt liên tục tận 30 giây cho mỗi lần thực hiện. Nhưng không có trường hợp nào gây ra tình trạng mù. Các võng mạc được sinh ra để tồn tại tới cuối đời, và gần như không có chuyện những nguồn sáng như thế (đèn flash) sẽ gây ra các tổn thương".

Levin khẳng định: "Liên kết tình trạng mù với việc chụp ảnh là không chính xác. Không thể nào một chiếc camera có thể gây ra chuyện đó. Đèn flash là chùm sáng phân tán, nên nó vô hại". Nhưng tất nhiên không phải mọi nguồn sáng đều không có hại. Theo Levin, thứ mà các phụ huynh cần cho con trẻ tránh xa là những nguồn phát laser: "Tia laser là nguồn sáng được tập trung với cường độ mạnh, chúng có thể gây bỏng. Đó mới là thứ thực sự gây tổn hại cho võng mạc của bạn".

Có rất nhiều phụ huynh chụp ảnh con mình hàng ngày để "khoe"

Tương tự, các bác sỹ chuyên khoa mắt khác cũng chia sẻ chung quan điểm. Theo trang Khám phá, BS. Vũ Thị Thanh, giám đốc BV Mắt Hà Nội, cho biết: "Qua nhiều năm làm công tác khám chữa bệnh, cũng như tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, tôi chưa từng gặp trường hợp nào đến chữa mắt tại bệnh viện do ánh đèn flash, chứ chưa nói gì đến việc mù mắt. Không thể có chuyện ánh đèn flash của máy ảnh gây mù mắt khi chụp ảnh cho trẻ".

Còn BS. Nguyễn Thị Hương, Giám đốc BV Mắt Hà Đông, cũng khẳng định: "Hiện chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này, bản thân tôi cũng chưa gặp và chưa nghe nói trường hợp nào mù mắt do chụp ảnh bằng đèn flash".

Như vậy có thể thấy, hầu hết mọi chuyên gia về mắt đều bác bỏ quan điểm của hai vợ chồng người Trung Quốc. Song, nếu thế, đâu có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đáng thương của đứa trẻ?

Rất có thể, đôi mắt của chú bé đã bị tổn thương sẵn từ trước. Ngoài tia laser, có nhiều nguồn sáng khác nếu không chú ý cũng có thể gây tổn thương cho võng mạc. Đèn pha (nhất là pha Xenon), đèn cao cáp, tia hàn hồ quang điện hoặc ánh nắng Mặt Trời (đặc biệt khi quan sát nhật thực) nếu nhìn trực tiếp liên tục trong thời gian dài đều có tác dụng xấu lên mắt. Chưa kể môi trường sống nếu không đủ vệ sinh vẫn có thể khiến cho thị lực bị suy giảm. Hoặc mắt của cậu bé đã mang sẵn tổn thương từ khi chào đời, do nguồn gene của cha mẹ có vấn đề. Việc người bạn chiếu đèn flash trong vài giây để chụp hình chỉ là "vô tình" vì sớm hay muộn, thị lực của chú cũng mất.

Những thứ có khả năng phát ra nguồn sáng mạnh và liên tục như laser mới thực sự đáng sợ

Câu chuyện "vô tình" trên thực tế không phải chưa từng có tiền lệ. Một ví dụ đáng chú ý khác là cuộc tranh cãi kéo dài hàng chục năm qua liệu vaccine MMR (trị cả đậu mùa, quai bị và sởi) có gây ra chứng tự kỷ ở trẻ em sau khi tiêm hay không. Một số phụ huynh ghi nhận sau khi con em mình được tiêm MMR, chúng xuất hiện các triệu chứng của bệnh tự kỷ. Và rất nhiều người đã phản đối tiêm loại vaccine này cho con em của họ sau khi đọc được những thông tin trên.

Nhưng trên thực tế, số lượng các trường hợp xuất hiện chứng tự kỷ rất thấp, chỉ có vài chục ca trong tổng số hàng triệu mũi tiêm hàng năm. Quá thấp để nói lên MMR là nguyên nhân gây ra tự kỷ. Thêm vào đó, những thống kê về sau này được thực hiện bởi nhiều trung tâm y tế cho thấy, kể cả ở những nước không áp dụng vaccine MMR, mà tiến hành tiêm 3 liều riêng biệt cho từng căn bệnh, tỷ lệ trẻ bị tự kỷ sau đó cũng cao không kém so với có tiêm MMR. Điều đó cho thấy nếu đứa trẻ xuất hiện chứng tự kỷ, tức là nó đã có sẵn "mầm" bệnh từ trước đó. MMR chỉ "vô tình" thúc đẩy cho căn bệnh thể hiện sớm hơn.

Chứng tự kỷ sau khi tiêm vaccine MMR có thể chỉ là sự "vô tình"

Quay lại với câu chuyện đèn flash, có thể nói với sự khẳng định của nhiều chuyên gia về nhãn khoa, lời kết luận của hai vợ chồng người Trung Quốc là không có cơ sở. Có rất nhiều ảnh chụp có đèn flash diễn ra hàng ngày và không ít trong đó là chụp ảnh trẻ sơ sinh. Nếu kết luận của đôi vợ chồng là đúng thì không thể chỉ có một trường hợp con của họ bị mù.

Lẽ dĩ nhiên điều đó không có nghĩa chúng ta cứ "vô tư" với đôi mắt của trẻ nhỏ. Dù sao theo khuyến cáo của các bác sỹ, người lớn không nên cho trẻ ở gần các nguồn sáng có công suất lớn và thời gian phơi sáng kéo dài. Rất có thể chính đôi vợ chồng trên mới là "thủ phạm" đích thực cho tình trạng mù của con mình nhưng họ lại trách nhầm người khác.

Huyền Thế

Tổng hợp

Chủ đề khác