VnReview
Hà Nội

Vaccine Ebola đạt hiệu quả 100% trong thử nghiệm ban đầu

Thử nghiệm vaccine thành công sẽ giúp cho con người "thay đổi cục diện" trận chiến với đại dịch Ebola.

Thử nghiệm vaccine thành công sẽ giúp cho con người "thay đổi cục diện" trận chiến với đại dịch Ebola.

Theo tuyên bố mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine Ebola mới "rất hiệu quả" đối với virus đã từng gây đại dịch này. Một thử nghiệm ban đầu tại Guinea cho thấy vaccine của WHO đã bảo vệ thành công 100% số người tham gia thử nghiệm. Nếu như các thử nghiệm tiếp theo cho ra kết quả lạc quan tương tự, vaccine này sẽ giúp chấm dứt đại dịch tại Tây Phi.

"Các kết quả ban đầu rất thú vị và hứa hẹn", bà Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO khẳng định trong hội thảo báo chí được tổ chức vào ngày 31/7 vừa qua. "Nếu như thực sự hiệu quả, vaccine này sẽ thay đổi toàn bộ cục diện, và nó sẽ giúp thay đổi quá trình kiểm soát cơn dịch Ebola hiện tại cũng như những đợt dịch trong tương lai".

Trong tổng số 27.000 người bị nhiễm Ebola kể từ khi đại dịch này bùng phát, 11.000 đã tử vong. Các chuyên gia vẫn chưa tìm ra liều thuốc nào để chữa khỏi bệnh Ebola, nhưng người dân có thể chống lây bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay, đeo găng tay hoặc sử dụng các biện pháp khác nhằm tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người khác. Ebola không lây truyền qua đường không khí mà chỉ lây truyền khi người khỏe mạnh tiếp xúc với chất dịch cơ thể của một người bệnh đã có biểu hiện nhiễm Ebola.

Trong khi cơn dịch Ebola phần nhiều đã được đẩy lùi, hậu quả của đại dịch 2015 vẫn là rất khủng khiếp và cuộc chạy đua tìm vaccine chống căn bệnh này vẫn chưa kết thúc. Thử nghiệm thành công của WHO hứa hẹn mang lại vũ khí tốt nhất giúp con người chống lại loại virus khủng khiếp này.

Thử nghiệm vaccine thành công sẽ giúp cho con người "thay đổi cục diện" trận chiến với đại dịch Ebola.

Khoảng 4.000 người trưởng thành có liên hệ các bệnh nhân Ebola đã được tiêm vaccine sau khi người thân hoặc bạn bè của họ bị phát hiện có Ebola. 2 thời điểm được chọn để tiêm vaccine là ngay sau khi phát hiện và 3 tuần sau khi phát hiện. Kết quả cho thấy tất cả 2.014 người được tiêm vaccine ngay lập tức đã không gặp phải bất cứ triệu chứng nào của bệnh trong vòng 10 ngày sau thời điểm tiêm vaccine – tương đương với khoảng thời gian cần thiết để cơ thể tự phát triển ra khả năng tự miễn dịch. Tuy vậy, trong nhóm người chỉ được tiêm vaccine 3 tuần sau khi phát hiện người thân có Ebola, số ca nhiễm bệnh lên tới 16 người.

Trong bản báo cáo, các nhà nghiên cứu của WHO cho biết "Kết quả của phân tích sơ bộ cho thấy vaccine rVSV-ZEBOV có thể có độ hiệu quả cao và đủ an toàn để phòng tránh Ebola".

Một nhóm đánh giá độc lập bao gồm nhiều chuyên gia toàn cầu sau đó đã kiểm nghiệm các kết quả này và yêu cầu tiếp tục tiến hành thử nghiệm. Bắt đầu từ ngày 26/7 vừa qua, toàn bộ những người tham gia thử nghiệm mới đã được tiêm vaccine ngay lập tức thay vì chờ đợi quãng thời gian 3 tuần như trước đây. Tiếp đó, quá trình thử nghiệm sẽ được tiến hành với trẻ em 13-17 tuổi trước khi bao gồm cả trẻ em 6-12 tuổi. Những tín hiệu ban đầu không có nghĩa rằng thế giới đã tìm ra vaccine dành cho Ebola. rVSV-ZEBOV vẫn phải được tiếp tục thử nghiệm để kiểm nghiệm mức độ an toàn và hiệu quả.

Hiện tại, vaccine này cũng đang được thử nghiệm trên các nhân viên tuyến đầu. Bác sĩ Bertrand Draguez, giám đốc tại Doctors Without Borders khẳng định trong một tuyên bố mới: "Những người này đã làm việc không ngừng nghỉ và mạo; hiểm mạng sống của mình hàng ngày để chăm sóc cho những người mắc bệnh. Nếu như vaccine này có hiệu quả thì chúng ta đã đang bảo vệ họ khỏi virus Ebola rồi".

Lê Hoàng

Theo The Verge

Chủ đề khác