VnReview
Hà Nội

Mỹ vẫn ngần ngại với vũ khí laser

Mặc dù công nghệ laser đã phát triển với tốc độ nhanh, song quân đội Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng các loại vũ khí này.

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus từng hứa hẹn sẽ công bố "lộ trình mới" vào mùa thu này, về việc quân đội sẽ tiếp thu và sử dụng các loại laser điện, sóng vi ba và các vũ khí năng lượng định hướng khác. Ông Mabus cho biết Hải quân Mỹ "ủng hộ việc tiếp nhận nhanh chóng và hiệu quả các loại vũ khí năng lượng định hướng", và đưa ra dẫn chứng về việc triển khai vũ khí laser trên một con tàu gần đây cùng các cuộc thử nghiệm thành công loại súng điện từ railgun.

Cận cảnh hệ thống vũ khí Laser Weapon System (LaWS) của Hải quân Mỹ

Đó quả là tin mừng với các khán giả đang đứng đầy căn phòng rộng lớn ở Tysons Corner, Virginia, để nghe ông Mabus và các quan chức nói về tương lai công nghệ mà ngành quân sự đã và đang áp dụng trong nhiều thập kỷ qua.

Những năm gần đây, vũ khí năng lượng định hướng đã đạt nhiều thành công trong kỹ thuật, tuy nhiên loại vũ khí này vẫn chưa thực sự được áp dụng. Ông Mabus cho biết, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực để nhận được các chương trình tài trợ và biến các dự án trong phòng thí nghiệm thành các hệ thống quân sự hữu ích.

Để đi từ các thí nghiệm khoa học đến việc được Lầu Năm Góc ứng dụng thực tế, các vũ khí năng lượng định hướng sẽ cần đến sự ủng hộ của quân đội và sự hỗ trợ của Quốc hội Mỹ. Laser điện và sóng viba công suất cao sẽ được sử dụng để bảo vệ các con tàu biển, máy bay và các phương tiện mặt đất khỏi các máy bay và tên lửa của đối phương. Đặc biệt, chi phí mua sắm các loại những vũ khí này có thể chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí dành cho tên lửa thông thường và đạn pháo.

Chẳng hạn, loại súng điện từ railgun có giá 25.000 USD. Trong khi đó, tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh và bằng laser có giá hàng trăm ngàn USD. Ông Mabus nói rằng ông tin tưởng quân đội có thể sản xuất ra loại laser 150 kilowatt có khả năng sát thương cao và sẽ tiến hành thử nghiệm vào năm 2018. Đó là một niềm tin rất cao xa vì loại vũ khí laser mà Hải quân triển khai năm 2014 chỉ là hệ thống 30 kilowatt.

Mặc dù công nghệ laser đã phát triển với tốc độ nhanh, song quân đội vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu và cài đặt chúng an toàn trong các phương tiện giao thông quân đôi. Sự hạn chế về kích cỡ, trọng lượng, công suất và làm mát sẽ là những trở ngại lớn trong cả những năm tới. Ngoài ra còn có nhiều thách thức về chính trị ngăn cản việc sử dụng vũ khí laser.

Ngay cả Quốc hội Mỹ cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau đối với vũ khí laser. "Không hề dễ dàng chút nào khi muốn giải thích hệ thống đó là gì và chúng tạo ra những tác dụng gì", Jim Langevin, đồng chủ tịch Tổ chức về năng lượng định hướng Directed Energy Caucus, nói. Đây là tổ chức gồm một nhóm các nhà lập pháp đang tìm cách nâng cao nhận thức và ủng hộ cho loại công nghệ vũ khí này. "Hầu hết các thành viên chưa sẵn sàng áp dụng vũ khí laser. Sẽ phải mất thời gian và nỗ lực để họ đồng ý", ông nói.

Nhiều nhà lập pháp như Langevin từng rất hào hứng với bài diễn văn về "Star Wars" năm 1983 của Ronald Reagan, khi ông đưa ra kế hoạch triển khai laser để chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Xô Viết. Vũ khí năng lượng định hướng có hứa hẹn lớn song vẫn chưa được thực hiện. "Nhiều người không đồng tình vì phải chi ra hàng tỷ USD và chúng ta chưa bao giờ nhận ra tầm nhìn đó".

Tuy vậy, theo ông Doug Lamborn, đồng chủ tịch của Directed Energy Caucus, tin tốt lành là "chúng ta đang ở thời điểm chuyển đổi". Những chi phí có thể tiết kiệm được khi sử dụng laser thay cho các vũ khí động học là điểm mạnh để thuyết phục. "Quốc hội rất chú ý đến bất cứ gì tiết kiệm được tiền", ông Lamborn nói.

Tom Masiello, chỉ huy của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AFRL), cho rằng những nỗ lực trước đây về hệ thống năng lượng định hướng thất bại bởi vì chúng "không liên quan". Vào những năm 1990, lực lượng Không quân đã xây dựng được loại laser hóa học bắn hạ được các tên lửa đạn đạo. Song giờ đây, quân đội đang lo ngại về việc bảo vệ máy bay khỏi các cuộc tấn công từ các máy bay không người lái và tên lửa hành trình.;

Những lo ngại này có thể khiến quân đội phải mau chóng áp dụng laser trên các máy bay chở hàng và máy bay chiến đấu. "Công nghệ phải liên quan đến các hoạt động quân sự thì nó mới có thể được chấp nhận, và còn các vấn đề về chính sách nữa. ... Chúng tôi hiểu hiệu quả của vũ khí động học. Chúng tôi cần các công cụ phân tích năng lượng định hướng".

Thực ra, Lầu Năm Góc đã biết và liên quan đến các vũ khí năng lượng định hướng từ gần 40 năm nay. Frank Kenall, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết ông đã nghe về "những hứa hẹn to lớn" của vũ khí  này. Ông Kenall nói mỗi năm, Bộ Quốc phòng Mỹ chi khoảng 300 triệu USD vào công nghệ năng lượng định hướng: "Tôi không thể hứa hẹn ngân sách sẽ cao hơn. Nhưng tôi không nghĩ là ngân sách sẽ thu hẹp nữa".

Hương Mai

Theo National Defense Magazine

Chủ đề khác