VnReview
Hà Nội

Gấu Bắc Cực có thể giữ chìa khoá chống béo phì

Dù có khẩu phần ăn chứa đầy chất béo nhưng gấu Bắc Cực không hề gặp tình trạng thừa cholesterol gây nguy hiểm cho cơ thể. Các nhà khoa học cho rằnghiểu được DNA của loài này có thể giúp con người đối phó với rủi ro từ bệnh béo phì.

Nhiều cholesterol nhưng không bị bệnh tim mạch

Một nghiên cứu tìm hiểu về DNA của động vật cho thấy loài gấu Bắc Cực đã tiến hoá để phù hợp với chế độ dinh dưỡng giàu chất béo. Chúng thường săn lấy hải cẩu, hay bới xác cá voi chứa đầy chất béo để sống sót ở môi trường có ít nguồn thức ăn tại Bắc Cực.

Cơ thể gấu Bắc Cực có hàm lượng chất béo cực kỳ cao

Phân nửa trọng lượng gấu Bắc Cực chứa chất béo và lượng cholesterol cực kỳ cao.Nhưng ngạc nhiên thay, chúng không hề mắc các bệnh về tim mạch.

Đến nay các nhà khoa họctin rằng họ đã hiểu được bí mật của loài gấu Bắc Cực. Một số gene của chúng đã biến đổi cách chuyển hoá acid béo và vận hành hệ tim mạch.

Những gene này có vai trò rất quan trọng giúp gấu Bắc Cực thích nghi được với những điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực.Và điều này cũng giải thích tại sao chúng không bị nghẽn động mạch do chất béo và cholesterol.

Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu tìm hiểu vai trò của những gene biến đổi này có thể tìm ra những phương pháp giúp con người chống lại bệnh béo phì.

Triển vọng trong nghiên cứu sinh học

Giáo sư Rasmus Nielsen, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ ĐH California tại Berkeley (Mỹ), cho hay: "Nghiên cứu so sánh bản đồ gene của động vật và con người mang lại triển vọng rất lớn trong sinh học. Thông qua việc so sánh hệ gene của con người và động vật, chúng ta có thể biết được cách thức động vật thích nghi với điều kiện sống như thế nào.Ví dụ như gấu Bắc Cực thích nghi về mặt di truyền với chế độ dinh dưỡng có hàm lượng chất béo cao. Nếu hiểu được cách gene cho phép chúng làm được điều đó, có thể chúng ta sẽ tìm ra được phương pháp điều chỉnh chức năng sinh học của con người một cách thích hợp".

Tiến sỹ Eline Lorenzen, đồng nghiệp của Nielsen cho biết: "Đối với gấu Bắc Cực, béo phì không hề có hại cho cơ thể. Chúng ta cần hiểu được vì sao chúng có thể chịu đựng được lượng chất béo cao đến vậy".

Gấu nâu là họ hàng xa của gấu Bắc Cực

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, gấu Bắc Cực là loài "trẻ" nhiều hơn mức chúng ta nghĩ. Chúng xuất hiện từ gần 500.000 năm trước, có tổ tiên là loài gấu nâu. Những nghiên cứu trước đây cho rằng gấu Bắc Cực xuất hiện từ 5 triệu năm trước.

Sau khi tách ra, gấu Bắc Cực tiến hoá theo hướng riêng và nhanh chóng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của Bắc Cực. Không chỉ bộ lông chuyển từ màu nâu sang trắng, gene của chúng cũng biến đổi khiến cơ chế trao đổi chất và hoạt động của tim cũng thay đổi.

Một loại gene mang tên APOB có chức năng đưa cholesterol từ trong máu sang các tế bào trong cơ thể.Từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đồng tác giá nghiên cứu, tiến sỹEske Willerslev của trường ĐH Copenhagen(Đan Mạch), cho biết: "Chưa từng có báo cáo nào về một phản ứng di truyền mạnh mẽ trước hàm lượng chất béo và cholesterol cao trong khẩu phần ăn như vậy được công bố.Phát hiện này sẽ tạo ra một bước tiến lớn trong việc thay đổi mô hình chuẩn nghiên cứu sinh vật, nhằm giúp chúng ta hiểu ra nguyên nhân gây bệnh tim mạch từ di truyền".

Diện tích băng ở Bắc Cực mùa đông 2014 thấp kỷ lục

Nghiên cứu trên đã phân tích và sắp xếp lại trình tự bản đồ gene hoàn chỉnh của 79 con gấu Bắc Cực ở Greenland và 10 con gấu nâu trên khắp thế giới. Điều oái ăm là nghiên cứu này được tiến hành khi quần thể gấu Bắc Cực chỉ còn khoảng 20.000 - 25.000 cá thể, và số lượng này đang giảm khi môi trường sống của chúng, vùng Bắc Cực, đang bị thu hẹp vì biến đổi khí hậu.

Trái đất đang dần nóng lên, gấu nâu dần di chuyển tới gần hơn vùng phía bắc. Và đôi khi chúng giao phối với họ hàng xa xôi của mình ở Bắc Cực.

Nielsen cho biết: "Quá trình thích nghi của gấu Bắc Cực đối với môi trường khắc nghiệt tại vùng Bắc Cực chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Không chỉ bộ lông chuyển từ màu nâu sang màu xám và thay đổi hình dáng bên ngoài, mà còn thay đổi lớn về sinh lý và sự trao đổi chất".

Liệu gấu Bắc Cực có biến mất trước khi con người hiểu được "bí kíp" của chúng?

Các nhà khoa học lo ngại rằng nếu gấu Bắc Cực biến mất hoặc bị đồng hoá ngược với gấu nâu trong thời gian ngắn tới, có lẽ chúng ta sẽ không kịp lấy được "bí kíp" chống tim mạch của loài này.

Nguyễn Minh

Theo Telegraph

Chủ đề khác