VnReview
Hà Nội

Vũ trụ của chúng ta đang chết dần

Vũ trụ của chúng ta đang bước vào giai đoạn "tuổi già" và "sắp chết". Nhưng bạn (và con cháu) chưa có lý do gì để phải lo lắng cả.

Vũ trụ của chúng ta đang bắt đầu chết dần chết mòn, nhưng bạn (và con cháu của bạn trong tương lai rất xa) không có lý do gì để cảm thấy lo lắng cả.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) được thực hiện trên 200.000 thiên hà của vũ trụ, cho biết phần vũ trụ chứa Dải Ngân Hà của chúng ta hiện chỉ sinh ra được mức năng lượng bằng một nửa so với 2 tỷ năm trước đây.

Ông Simon Driver, người đứng đầu nhóm Nghiên cứu Thiên hà và Khối lượng (GAMA), tác giả của nghiên cứu này cho biết: "Vũ trụ của chúng ta sẽ hao mòn dần từ bây giờ và bắt đầu già đi. Nói một cách đơn giản là nó sẽ ngồi lên chiếc sofa, đắp lên mình cái chăn ấm và chìm dần vào giấc ngủ đông vĩnh viễn". Tuyên bố này nghe có vẻ đáng sợ, nhưng sự thật là bạn vẫn chưa cần phải lo lắng về số phận của mình và các thế hệ con cháu trong tương lai xa. Vũ trụ của chúng ta sẽ chưa kết thúc, bởi "tuổi già" của nó sẽ kéo dài tới hàng tỷ năm.

Nhưng, càng ngày thì mức năng lượng được vũ trụ chuyển hoá từ khối lượng sẽ càng ít đi. "Trong khi phần lớn năng lượng của vũ trụ được tạo thành sau Vụ Nổ Lớn, các nguồn năng lượng bổ sung hiện đang được tạo ra bởi các vì sao khi chúng tổng hợp ra các nguyên tố như hydrogen và helium. Nhưng số năng lượng này sẽ bị bụi vũ trụ hấp thụ khi chúng bay các thiên hà, hoặc thoát vào vùng khoảng không liên thiên hà cho đến khi va chạm vào thứ gì đó, ví dụ như một ngôi sao, một hành tinh, hoặc thỉnh thoảng là kính viễn vọng của chúng ta".

Cuối cùng, vũ trụ sẽ trở thành một khoảng không lạnh lẽo.

Tuy vậy, điều đáng nói là mọi sự sống cần có năng lượng để duy trì. Sự sống trên Trái Đất phần lớn đến từ nguồn năng lượng do Mặt Trời cung cấp. Nếu không có Mặt Trời, chúng ta đơn giản sẽ không tồn tại, bất kể hành tinh này có bao nhiêu dưỡng chất đi nữa. Việc tìm ra các hành tinh mới có thể sống được đều bắt buộc phải có một ngôi sao mẹ cung cấp năng lượng cho chúng. "Trái Đất 2.0" thực tế "già" hơn Trái Đất của chúng ta và cả sao mẹ của nó cũng "già" hơn cả Mặt Trời.

Nếu nơi nào đó bắt đầu xuất hiện mầm sống mới, chúng sẽ phải tiến hoá "thật nhanh" để tránh bị diệt vong trước khi nguồn năng lượng tại chỗ cạn kiệt. Còn những nơi như Trái Đất sẽ cần tìm cách "bảo vệ" nguồn năng lượng của mình trước các rủi ro "xâm lăng" của nền văn minh khác nếu nguồn năng lượng của họ sắp hết.

Thực tế, ngay từ thập niên 1990, các nhà khoa học đã biết rằng năng lượng của vũ trụ đang ngày càng suy giảm. Song, nghiên cứu của IAU đã cho thấy quá trình suy giảm đang diễn ra trong phần vũ trụ mà con người sinh sống.

GAMA là một dự án khảo sát khổng lồ, sử dụng kính viễn vọng cỡ lớn để quan sát vũ trụ thông qua 21 bước sóng ánh sáng, cho phép các nhà nghiên cứu đánh giá số lượng ngôi sao trong các dải thiên hà cũng như tốc độ sản sinh các ngôi sao mới của các dải thiên hà này.

Các nhà khoa học tham gia vào dự án này hiện tại đang mong muốn sử dụng các kính viễn vọng sắp đi vào hoạt động trong vòng 10 năm sắp tới để thu thập thông tin về mức năng lượng mà toàn bộ vũ trụ đang sản sinh và so sánh con số đó với phần vũ trụ của loài người.

Lê Hoàng

Theo Mashable

Chủ đề khác