VnReview
Hà Nội

Việt Nam đang làm chủ kỹ thuật lò phản ứng hạt nhân

Trung tâm Lò phản ứng Viện nghiên cứu hạt nhân đi vào hoạt động đã được khai thác trên nhiều lĩnh vực và làm chủ về mặt kỹ thuật lò phản ứng.

Trung tâm Lò phản ứng Viện Nghiên cứu hạt nhân (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đặt tại tỉnh Lâm Đồng) có nhiệm vụ quản lý kỹ thuật Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và tiến hành các lĩnh vực nghiên cứu liên quan, nhằm đảm bảo cho lò phản ứng hoạt động an toàn, từng bước tiếp cận và làm chủ về vật lý và kỹ thuật lò phản ứng.

Việc vận hành an toàn Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phục vụ sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt, nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, vật lý neutron và các nghiên cứu ứng dụng khác trên lò phản ứng, đào tạo và huấn luyện cán bộ cho ngành năng lượng nguyên tử, đồng thời quản lý, thu gom, xử lý chất thải phóng xạ phát sinh từ các hoạt động của lò phản ứng ứng dụng trong công nghiệp và y tế.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nhìn từ bên ngoài. (Nguồn: Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt)

Ông Lê Vĩnh Vinh, Giám đốc Trung tâm Lò phản ứng cho biết, hiện nay công tác vận hành lò phản ứng được duy trì liên tục, trung bình mỗi năm lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt động khoảng 1.300 giờ, riêng năm 2014 là 1481 giờ và tính đến cuối năm 2014, lò phản ứng đã vận hành được 39.341 giờ an toàn, chưa gây ra một sự cố nào ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường.

Việc thực hiện thành công Dự án chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã đưa lại hiệu quả kinh tế là kéo dài hơn thời gian hoạt động của lò phản ứng, nâng cao uy tín trong quan hệ quốc tế cho quốc gia, thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.

Trong năm 2013, Trung tâm đã thực hiện việc thay đổi thời gian vận hành lò phản ứng từ 108 giờ lên 130 giờ mỗi đợt, cải tiến cấu hình cốc chiếu mẫu trong bẫy nơtron cho phép chiếu tối đa đến 6 container để sản xuất đồng vị phóng xạ nên sản lượng I-131 sản xuất từ lò phản ứng tăng đáng kể, đáp ứng yêu cầu hiện nay của khách hàng trong nước.

Ngoài ra, Trung tâm còn có hệ thống công tác kiểm tra, hiệu chỉnh, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị của hệ công nghệ lò phản ứng được tiến hành thường xuyên, kịp thời duy tu, nâng cấp và thay thế các thiết bị, hệ thống công nghệ lò phản ứng xuống cấp, quá cũ và lạc hậu, đáp ứng yêu cầu an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh cho cơ sở hạt nhân... đảm bảo cho Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt động an toàn.

Ông Lê Vĩnh Vinh cũng cho biết từ năm 2010-2013, cán bộ Trung tâm lò phản ứng đã thực hiện thành công nhiệm vụ khởi động vật lý và khởi động năng lượng cho lò phản ứng với nhiên liệu độ giàu thấp (LEU), tham gia chuyển trả tất cả 106 bó nhiên liệu độ giàu cao (HEU) đã qua sử dụng về Liên bang Nga vào tháng 7/2013, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Vào hồi 15 giờ 35 ngày 30/11/2011, Lò phản ứng đã đạt tới hạn lần đầu với 72 bó nhiên liệu LEU, trong các ngày từ 9-13/1/2012, Lò phản ứng được nạp cấu hình vùng hoạt làm việc với 92 bó nhiên liệu LEU và vận hành thử nghiệm không tải khoảng 65 giờ ở mức công suất danh định 500 kW an toàn.

Đến ngày 7/2/2013, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã nhận được Giấy phép số 06/GP-BKHCN cho phép vận hành chính thức Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với thời hạn 10 năm.

Một lò phản ứng nghiên cứu ở bang Oregon, Mỹ.

Lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt có đóng góp thiết thực cho chương trình điện hạt nhân quốc gia, trước mắt là đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Nằm cách các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận khoảng 100 km cùng điều kiện thuận lợi về giao thông, lò phản ứng nghiên cứu mới dễ dàng hỗ trợ cho dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận hiện nay cũng như các dự án sau này ở khu vực miền Trung.

Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu, công suất cao là điểm đến cho nhiều nhà khoa học và công nghệ hạt nhân nổi tiếng trên thế giới. Hai từ Đà Lạt hiện nay đang là "thương hiệu" của ngành hạt nhân Việt Nam đối với cộng đồng hạt nhân quốc tế, vì vậy giữ và mở rộng thương hiệu cũng là một trong những vai trò của lò phản ứng nghiên cứu mới trong tương lai dài hạn.

Theo Đất Việt

Chủ đề khác