VnReview
Hà Nội

90% các loài chim biển ăn phải rác thải nhựa

Việc ăn phải nhựa có thể khiến chim bị ngộ độc, tắc nghẽn đường ruột và gặp phải các vấn đề khác. Ngoài ra, nhiều loài chim, rùa đã bị rác thải nhựa làm biến dạng cơ thể hoặc bị bóp nghẹt cho đến chết.

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, có khoảng 90% các loài chim biển ngày nay có đồ nhựa bên trong cơ thể. Họ còn tìm thấy khoảng 360.000 mảnh nhựa trên mỗi dặm vuông ở hầu hết các đại dương trên thế giới. (1 dặm vuông = 2,59 km vuông).

Tổng lượng nhựa được tìm thấy trong đường tiêu hoá của các loài chim biển đã tăng mạnh trong vài thập kỷ qua - vào những năm 80 thế kỷ trước, chỉ có 10% các loài chim biển bị phát hiện có nhựa trong ruột. Những phát hiện mới nhất này đã được đăng trong Báo cáo của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ.

"Đây thực sự là vấn đề gây lo ngại cho mỗi người và những thói quen hàng ngày của từng người chúng ta", nhà nghiên cứu sinh vật Boris Worm thuộc ĐH Dalhousie nhận xét.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát dữ liệu về 186 loài chim biển; tổng hợp thông tin tình hình rác thải nhựa tại nơi cư trú của chúng; tìm hiểu thói quen ăn uống, kích thước cơ thể và các vấn đề khác. Những số liệu này được sử dụng để tạo ra một mô hình giúp dự đoán tác động của môi trường hiện nay đối với các loài chim.

Tiếp theo, các nhà khoa học đã tổng hợp các nghiên cứu về cơ chế tiêu hoá nhựa của chim. Những báo cáo được sử dụng là từ năm 1962 đến 2012. Mô hình thống kê và các dữ liệu khác cho thấy "tỷ lệ chim ăn phải nhựa đã lên đến 90%".

Thống kê rác thải nhựa tại Thái Bình Dương và Hawaii

Dự đoán tình hình "chim ăn nhựa" còn tệ hơn nữa trong 35 năm tới, nếu con người không thay đổi thói quen. "Chúng tôi đoán rằng sẽ có tới 99% loài chim biển ăn phải nhựa trong năm 2050", các tác giả nghiên cứu viết.

Dựa trên mô hình này, họ tin rằng mối đe dọa lớn nhất với các loài chim biển là ở biển Tasman Sea, vùng nằm giữa Australia và New Zealand. Tại đây, tỷ lệ rác thải nhựa tập trung rất cao, mật độ chim biển tại đây cũng cao. Vì nhiều loài chim biển đã có mặt ở khu vực này từ nhiều thế kỷ để đẻ trứng, kiếm ăn và sinh sống.

Đối với thắc mắc tại sao các loài chim lại ăn nhựa, Worm giải thích rằng "chúng nhầm tưởng nhựa là thức ăn khi các món đồ trên trôi nổi trên mặt biển".

"Chim nuốt vào một lượng lớn các loại nhựa, bao gồm bật lửa dùng một lần, bàn chải đánh răng, gậy phát sáng (dùng khi câu cá) và mảnh vỡ của các mảnh vụn nhựa lớn hơn", Worm nói và cho biết hầu hết nhựa trong đại dương xuất phát từ các dòng sông, vì thế nguồn gốc của nhựa "có thể là từ trong đất liền".

Một số rác bằng nhựa mà các nhà nghiên cứu đã tìm được trên các bãi biển

Việc ăn phải nhựa có thể khiến chim bị ngộ độc, tắc nghẽn đường ruột và gặp phải các vấn đề khác. Ngoài ra, các loài chim và động vật hoang dã cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các vật liệu này, ngay cả khi chúng không ăn phải. Chẳng hạn, họ đã tìm thấy những rác thải nhựa đang quấn quanh cổ của các loài chim, rùa và các động vật khác, làm biến dạng cơ thể các loài vật một cách rất khủng khiếp hoặc bóp nghẹt chúng cho đến chết.

Theo các nhà khoa học, chỉ có hạn chế sử dụng vật liệu bằng nhựa cùng với quản lý chặt việc xả rác mới có thể giúp giảm ô nhiễm biển cùng những mối đe dọa đối với sức khoẻ của các loài chim biển và các loài vật khác. Như nhà nghiên cứu sinh vật học Worm nói: "Vấn đề lớn duy nhất là sự tăng trưởng kinh tế quá nhanh và việc sử dụng các loại nhựa dùng một lần tại nhiều nơi trên thế giới, những nơi hệ thống thu gom và xử lý rác thải vẫn chưa phát triển, tiến bộ kịp như sự tăng trưởng kinh tế. Vì thế, rác thải bị vứt bừa bãi khắp mọi nơi và không được thu gom hợp lý".

Hoàng Lan

Theo Discovery

Chủ đề khác